Chuyện nghề 36: Nấu ăn là một nghệ thuật, người đầu bếp là nghệ sĩ

Chuyện nghề 36: Nấu ăn là một nghệ thuật, người đầu bếp là nghệ sĩ

Mai Thị Thu Hằng

Mai Thị Thu Hằng

Chủ nhật, 06/08/2017 13:00

Sự phát triển của ngành du lịch và dịch vụ khiến các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, resort mọc lên rầm rộ và nghề đầu bếp được lọt vào nghề “hot”.

Chị Đoàn Thị Thu Thủy, Top 3 MasterChef 2014 vốn là Giám đốc của một công ty xây dựng hạ tầng tại TP.Hồ Chí Minh. Công việc bộn bề không làm mất đi bản năng của một người phụ nữ muốn đem đến cho người thân của mình những bữa ăn ngon.

Chị Thủy chia sẻ: “Từ nhỏ, mẹ tôi đi buôn bán còn ba tôi đi làm suốt ngày, là chị cả nên việc bếp núc trong gia đình do tôi quán xuyến. Chưa kể, có thời gian rảnh rỗi, tôi lại theo các bà nội trợ đi nấu cỗ đám hỏi, đám cưới,... Từ đó, tôi thành thạo nấu ăn lúc nào không hay. Các bác vẫn động viên tôi: “Mày khéo tay thế, nhất định trở thành đầu bếp giỏi”".

Đời sống - Chuyện nghề 36: Nấu ăn là một nghệ thuật, người đầu bếp là nghệ sĩ

Chị Đoàn Thị Thu Thủy đã theo đuổi nghề đầu bếp nhiều năm nay. 

Bởi đam mê nấu nướng, nên chị Thu Thủy dành một quỹ thời gian để mua sách liên quan đến cách chế biến các món ăn về nghiên cứu. Để thành thạo hơn, chị tự mình vào bếp và thực hành. Năm 30 tuổi, chị bắt đầu lên Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp. Công việc đã giúp chị có cơ hội được tiếp xúc với nhiều món ăn. Mỗi lần đi ăn ở nhà hàng chị quan sát cách đầu bếp nhà hàng đó nấu nướng, về nhà, chị lại mày mò làm cho được những món ăn chị đã có dịp thưởng thức.

Dù không qua trường lớp đào tạo nào, nhưng với niềm đam mê mãnh liệt, chị Thủy trở thành một đầu bếp giỏi. Năm 2014, chị Thu Thủy bén duyên với cuộc thi MasterChef, với chị đây là một trải nghiệm thú vị.

Để nấu những món ăn phù hợp với khẩu vị của hàng trăm người, chị Thu Thủy đã trải qua không ít khó khăn: “Tất nhiên nấu cho thực khách thì chín người mười ý, khen chê là lẽ thường. Nhưng tôi có nguyên tắc riêng, nấu món ăn đặc trưng của vùng miền nên phải bám theo cách nêm nếm của vùng miền đó, không vì khách chê mặn chê nhạt mà tôi thay đổi cách nêm nếm, vì tôi là người biết rõ nhất món ăn đó phải nêm ra sao, phải chế biến thế nào. Tôi phục vụ khách sành ăn và biết thưởng thức chứ không phục vụ thực khách muốn nhà hàng làm theo khẩu vị của họ. Tuy nhiên, cũng có nhiều thực khách ăn quen lâu lâu góp ý hôm nay nấu không bằng hôm trước thì tôi cũng biết sai để sửa”.

Đời sống - Chuyện nghề 36: Nấu ăn là một nghệ thuật, người đầu bếp là nghệ sĩ (Hình 2).

Chị Thủy luôn dành cả tâm huyết để chế biến những món ăn ngon.

Từng có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề đầu bếp, hiện đang là chủ của một quán cơm văn phòng trên đường Láng, Hà Nội, anh Nguyễn Văn An (SN 1989) cho hay, làm đầu bếp là cả một nghệ thuật.

Nói về cơ duyên theo nghề, anh An nhớ lại: “Cách đây 10 năm tôi quyết định theo nghề đầu bếp, khi đó, có không ít người phản đối, thậm chí họ cười nói rằng, tôi có vấn đề khi ham việc của đàn bà. Bỏ ngoài tai những lời gièm pha đó, tôi quyết tâm học bằng được và trở thành một người đầu bếp”.

Cũng theo anh An, để khách hàng tin tưởng ngoài yếu tố khách quan là cách bài trí nhà hàng, chỗ ăn uống, điều quan trọng vẫn là chuyên môn của người đầu bếp: “Nếu đầu bếp không vững chuyên môn thì không thể tạo ra những món ăn hấp dẫn thực khách, như vậy khách chỉ đến một lần rồi đi, doanh thu cũng sẽ giảm. Nắm bắt được những yếu tố đó, tôi vẫn đang ngày đêm sáng tạo ra những món ăn phục vụ khách hàng. Người ta thường nói nghề đầu bếp là nghề “hot” nên đã dấn thân vào thì phải đam mê thôi”.

(Còn nữa)

Mai Thu - Thanh Lam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.