Ngoài ra tôi còn lên mạng, chọn đọc sách về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán nơi tôi sẽ đặt chân đến. Với chiếc ba lô mang theo những đồ dùng thiết yếu như: Tư trang, quần áo, vài vỉ thuốc và đồ nghề không thể thiếu được là chiếc máy ảnh, máy ghi âm, máy tính, usb 3g. Và như thế, tôi xách ba lô lên đường.
Nhiều người cảm thấy sợ về mảnh đất lạ, còn tôi lại thấy đam mê vì mình sẽ khám phá ra nhiều điều chưa ai tìm đến. Để bảo vệ bản thân, tôi luôn mang theo vài quả ớt tươi, vài củ gừng, củ tỏi để có thể tránh những rủi ro nơi rừng thiêng nước độc. Theo kinh nghiệm dân gian và những bậc lão làng của nghề báo, ăn ớt có thể hóa giải việc bị ngộ độc; nhai tỏi có thể tránh bị thú rừng tấn công; ngậm gừng có thể giúp các mao mạch trong cơ thể giãn ra, giúp cho việc hít thở khi ở nơi có độ cao và không khí loãng.
Khi đặt chân đến vùng đất mới, việc đầu tiên là phải tìm hiểu, suy xét thật cẩn thận để nắm tình hình thực tế. Nếu địa phương đó bình dị, người dân thân thiện, tôi chỉ việc thông qua chính quyền và xin phép xuống cơ sở, liên hệ với các cụ già làng, tìm hiểu thông tin viết bài.
Có đi mới thấy mình còn đi rất ít. Hầu như tất cả những mảnh đất tôi qua đều đã có dấu chân của những bậc đồng nghiệp tiền bối. Đối với mảnh đất đã in dấu ấn của những người đi trước thì việc tìm ra đề tài mới, phát hiện ra những điều chưa ai biết quả là một việc làm rất khó khăn.
Để không bị "cháy" đề tài, tôi phải vận dụng tư duy so sánh, liên tưởng, đồng thời đối chiếu với những tìm hiểu trước đó; chịu khó tiếp xúc với người dân thì mới phát hiện điểm sáng đề tài trong góc khuất. Một trong những kênh thông tin mà tôi thường tìm đến, đó là các già làng. Muốn tìm đề tài "độc", phải biết cách hầu chuyện già làng. Trong một lần tác nghiệp tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, chỉ một đêm tâm sự với già làng, tôi đã phát hiện được 11 đề tài. Với nguồn thông tin đó, coi như chuyến đi đã thành công.
Tác nghiệp trong đêm cùng với Tổ trực chốt chạm rừng đặc dụng Hữu Liên
Làm báo là nguy hiểm, đặc biệt, tác nghiệp ở những nơi nhạy cảm. Phóng viên không biết cách tự bảo vệ mình, có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Trong một lần thâm nhập viết bài về việc "xẻ thịt" rừng đặc dụng Hữu Liên, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, tôi đã phải vất vả để có tư liệu viết bài và bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình. Nhận thấy đây là cung đường độc đạo xuyên qua rừng đặc dụng Hữu Liên, gỗ lậu tuồn qua hai đầu con đường này để đưa về xuôi. Tôi nhập vai thành một người tìm mua gỗ về dựng nhà sàn. Sau quá trình điều tra, thu thập chứng cứ bằng những hình ảnh, video, băng ghi âm đầy đủ, tôi đã đến liên hệ với Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên để phối hợp điều tra và củng cố tài liệu, đồng thời xin trú ngụ.
Tối đó, tôi đã nhờ các anh kiểm lâm dẫn ra Tổ cơ động trực chốt rừng Hữu Liên và trực tiếp cùng các đồng chí tác nghiệp để ghi lại những tư liệu sống. Để tận mắt chứng kiến việc khu rừng đặc dụng bị "xẻ thịt" ra sao, tôi phải nhờ các anh kiểm lâm dẫn vào rừng để ghi nhận thực tế. Tôi biết, thâm nhập vào vùng lõi của rừng đặc dụng Hữu Liên, nơi có nhiều cây quý như nghiến, sến... vừa mới bị hạ, khúc gỗ chưa kịp kéo xuống núi là rất khó khăn.
Với sự nhạy bén nghề nghiệp, tôi biết sẽ có chuyện chẳng lành, một mặt vẫn phải giả vờ uống rượu như không biết gì, mặt khác vẫn phải tỉnh táo, cầm chừng để uống không say. Có lẽ, với vẻ mặt đỏ phừng phừng nên tôi dễ dàng lấy lý do về phòng để ngủ. Ngay trong lúc đó, tôi về phòng thu dọn đồ đạc, cất vội vào ba lô, quay sang xin phép các anh cán bộ kiểm lâm rằng có một cuộc hẹn phải đi gấp. Tôi lái xe ra cổng và quay về hướng khác để đánh lạc hướng. Đi được khoảng 1km, tôi nhanh chóng quay xe và phóng ngược lại con đường để đi về hướng ra quốc lộ 1A. Tôi đã thoát ra khỏi con đường độc đạo một cách ngoạn mục.
Sau nhiều chuyến đi, cả thất bại lẫn thành công nhưng nghề báo đã cho tôi nhiều bài học quý báu mà chẳng nghề nào có được. Thiết nghĩ, nếu vì một lý do nào đó mà tôi không làm một nhà báo nữa, tôi chỉ ước, sau này vẫn được cầm máy ảnh, xách ba lô đi và viết, đi đến những vùng đất mới. Về thăm lại những nơi tôi đã đi, gặp lại những người đã cưu mang tôi và giúp đỡ những phận đời kém may mắn mà tôi gặp trong hành trình đi qua những mảnh đất thân yêu.
Thế Hoàng