Nữ bác sĩ cấp cứu đặc biệt
Những ngày cận kề Tết Kỷ Hợi, không khí sum vầy đã về với mọi nhà nhưng với hơn 30 y, bác sĩ trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, Tết là bộn bề công việc, là lạch cạch máy móc, thuốc men và cả tiếng còi hú gấp gáp... Và, có lẽ đặc biệt nhất là bà Phạm Thị Ánh Hồng (SN 1965), Phó Giám đốc trung tâm, đón Giao thừa trọn vẹn bên gia đình là một điều xa xỉ.
Năm 26 tuổi, cô cử nhân y khoa Huế xin về công tác tại khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Hơn 5 năm sau thì nữ bác sĩ trẻ được chuyển về trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng. Thế là bà gắn bó với nghề “cấp cứu” từ đó cho đến nay.
Theo lời bác sĩ Ánh Hồng, hồi đó, cơ sở vật chất của trung tâm thiếu trước, hụt sau. Từ một bác sĩ ở bệnh viện lớn được phân công về công tác tại một trạm cấp cứu nhỏ, đồng lương lại ít ỏi nên nhiều lúc bà nản chí, muốn buông bỏ tất cả. Nhưng rồi, nhờ có tình yêu nghề, nhiệt huyết tuổi trẻ mà bà đã gắn bó miết với nơi đây. Cùng với tập thể, nữ bác sĩ này đã làm nên những điều diệu kỳ.
Cũng chính những năm tháng đó đã tôi luyện nên một bác sĩ của ngày hôm nay. Bà cũng là nữ bác sĩ đầu tiên của trung tâm Cấp cứu 115 cùng bộ đội biên phòng vượt sóng ra khơi để cứu ngư dân gặp nạn giữa biển. Chuyến đi định mệnh đã gắn blouse trắng này với những ngư dân miền Trung, những “cọc tiêu” di động gìn giữ vùng biển trời Tổ quốc.
Khi đó, giữa năm 2007, đang trong ca trực, bà nghe báo cáo có tàu ngư dân gặp nạn, cách TP.Đà Nẵng hơn 60 hải lý. Theo lệnh, Trung tâm cấp cứu sẽ cử cán bộ, nhân viên đi cùng bộ đội biên phòng cứu người. Nhiệm vụ này là quá lạ lẫm với bà. Đặc biệt bởi chưa lần nào các y, bác sĩ ở đây ra khơi. Ban đầu hơi chút đắn đo nhưng nghĩ cảnh người cần giúp đỡ, bà động viên ê-kíp của mình rồi lên đường.
“Do chưa hề đi tàu nên cũng lo. Tàu rời cảng là tôi say sóng, rất mệt. Cứ nghĩ là mình sẽ “xong luôn”... Thế mà, khi tàu tiếp cận được các ngư dân, thấy họ yếu ớt, kiệt sức và hoảng loạn là tự nhiên “máu” nghề, tinh thần của mình trỗi dậy. Phải cứu người, cứu người. Mình cùng ê-kíp gượng dậy...”, bác sĩ Hồng nhớ lại chuyến đi đầu tiên ấy.
Từ chuyến đi ấy, đến nay, bà đã có hàng trăm chuyến trực tiếp theo tàu của trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) ra khơi cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển. Đến nay, bà chẳng nhớ nổi mình đã ra khơi cứu người bao nhiêu lần, chỉ biết, có ngư dân gặp nạn là lên đường. Còn với triệu người dân miền Trung, hình ảnh nữ bác sĩ nhân hậu này đã in sâu trong tâm thức họ. Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng cũng trở thành đơn vị duy nhất trong cả nước phối hợp với các đơn vị quân đội, hàng hải trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Từng được ê-kíp của bác sĩ Hồng hỗ trợ trong một lần gặp nạn ngoài khơi nhiều năm trước, ngư dân Phan Bảy (SN 1978) trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, đến giờ ông không quên hình ảnh những nữ bác sĩ tận tụy này. Hôm đó, tàu cá của ông bị hỏng máy chính, trôi dạt vô định giữa biển. Đúng lúc này thì dông gió ập đến, nước biển bị tạt mạnh vào khoang thuyền. Tình thế như ngàn cân treo sợi tóc.
Những nốt lặng
Theo lời bác sĩ Hồng, nghề cấp cứu còn muôn vàn khó khăn, nguy hiểm khác. Có lần, TP.Đà Nẵng mưa bão, bà cùng một nữ y tá trẻ đi cứu người bị nạn. Ngồi trên xe, tiếng còi cấp cứu chẳng át nổi tiếng mưa gió rít bên ngoài. “Ngồi trên xe thì em y tá đi cùng nói: “Em đi mà có hề chi thì chị có trách nhiệm lo cho con của em ở nhà đó!”. Nghe em nói mà ứa nước mắt, thương vô cùng”, bà lắng giọng, kể.
Tết năm nay với bà Hồng cũng như trung tâm cấp cứu này có lẽ sẽ là dịp đặc biệt nhất, hoan hỉ. Rất nhiều thành viên trong đơn vị được các cấp ngành tuyên dương, khen thưởng. Bác sĩ Ánh Hồng được tôn vinh là 1 trong 70 tấm gương điển hình tiên tiến toàn quốc có thành tích xuất sắc, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018); Đồng thời là một trong 20 tấm gương tiêu biểu trong ngành y của TP.Đà Nẵng được trao Giải thưởng “Tỏa sáng blouse trắng”. Tuy nhiên, nhắc Tết, nữ bác sĩ có chút chạnh lòng. Gần 30 năm qua, chưa một lần bà đón Giao thừa với gia đình. Tết với những blouse trắng nơi Trung tâm cấp cứu là những cái Tết không trọn vẹn và phải xoay tua vòng trực. Và lúc điện thoại reo, họ lại gác lại tất cả để lên đường, mang lại sự sống cho bao người giữa ngày đầu xuân tràn trề nhựa sống.
Nhâm Thân