Con đường đến với sự nghiệp thể thao của vận động viên Nguyễn Duy Bằng bắt đầu từ một lời thách thức của một người bạn: "Chừng nào nhảy ăn được tao thì mới thắng. Tưởng chừng như đó là lời thách thức vô thưởng vô phạt. Không ngờ Nguyễn Duy Bằng lại làm thật. Sau một thời gian tập luyện, anh đã nhảy ăn đứt người bạn kia. Không chỉ vậy, anh còn thắng một cách huy hoàng khi là người phá kỷ lục Đông Nam Á do vận động viên Kim Zee Loo, người Malaysia lập được bằng một mức xà mới: 2m25.
Gia đình nhỏ của Duy Bằng
Người hùng của nhảy cao Việt Nam
Tính đến thời điểm hiện nay, Nguyễn Duy Bằng vẫn được đánh giá là vận động viên nhảy cao số một tại Việt Nam. Là một trong những kỷ lục gia hiếm hoi của làng thể thao đỉnh cao Việt Nam, anh gần như thống trị các bậc xà và hầu như không có đối thủ trong từng bước nhảy.
Cách đây 15 năm, khi Nguyễn Duy Bằng còn là một cậu bé, anh chẳng hiểu thể thao là gì. Ở quê, những cô bé cậu bé như anh muốn chơi thể thao thì chỉ có hai sự lựa chọn: Chạy bộ và nhảy cao. Gần nhà Bằng lúc đó có hai người hàng xóm, người thích chạy bộ, người lại mê nhảy cao. Còn Bằng thuộc dạng ham vui, chủ yếu là thích được đi chơi, nên mỗi lần thấy hai người bạn tập luyện thì Bằng cũng nhảy vô chơi ké.
Đầu tiên, Bằng chạy bộ, lâu lâu lại chuyển sang tập nhảy cao vì nghe theo lời dụ dỗ tham gia môn này toàn được chơi. Vốn dĩ có cái tính ham chơi, Bằng đã tập nhảy cao một cách tự nhiên. Nhảy cao được 1 năm thì bạn thách: "Chừng nào nhảy ăn được tao thì mới thắng nghen". Bằng nghe vậy thì nhẹ nhàng đáp lại: "Ừ, để coi đứa nào thắng". Tưởng chỉ là lời nói đùa vui thoáng chốc nhưng Bằng lại ra sức tập luyện.
Ở quê, nhiều người chỉ chú trọng đến việc lo cái ăn, cái mặc chứ ít ai tính đến chuyện chơi thể thao nên muốn có môi trường tập luyện lý tưởng cũng là việc khó tìm. Do đó, Bằng chỉ còn cách tập nhảy cao trên một nền đất mềm. Dù điều kiện thiếu thốn và khó khăn, nhưng Bằng không bao giờ nản chí. Anh luyện tập rất chăm chỉ, ngày nào anh cũng rèn luyện. Gần như suốt một ngày mọi thời gian anh đều dành cho thể thao. Thời gian còn lại chỉ đủ để đi ăn cơm và ngủ. Có những hôm về đến nhà, Bằng không kịp thay đồ đã lăn ra ngủ vì mỏi mệt, hoặc có khi không ăn uống gì.
Vận động viên nhảy cao số 1 của Việt Nam đã tập luyện trong một môi trường khắc nghiệt và thiếu thốn về phương tiện cũng như vật chất như thế. Không có phương tiện hỗ trợ, nên mỗi lần bị té là mỗi lần da rách toạc, máu chảy theo đầm đìa. Lần nào tập luyện, người anh cũng đầy vết xước. Đến nỗi, làn da ngày nào đã bắt đầu chai sạn theo năm tháng, nhưng tình yêu dành cho thể thao của Nguyễn Duy Bằng không thể thay đổi. Cuối cùng, anh nhảy thắng người bạn với thành tích nhảy trên 1m8.
Có thành tích cao nhưng Duy Bằng vẫn giữ một thái độ hồn nhiên với môn này. Anh không tự cao tự đại hay toan tính bất cứ điều gì cho riêng mình. Đến với thể thao nhưng anh không mơ danh vọng, tiền bạc. Chơi thể thao chỉ vì một tình yêu thật sự. Anh cứ nói đùa: "Có lẽ, tại tôi quá máu với môn này".
Thấy anh có năng khiếu với nhảy cao, nhiều người khuyên nên gắn bó với thể thao chuyên nghiệp thật sự. Nghe theo, anh lại lao vào luyện tập. Anh quan niệm: "Đã không chơi thể thao thì thôi, chơi là phải chơi hết mình", anh không thích cái gì nửa vời. Do vậy, mỗi lần vào sân tập Nguyễn Duy Bằng trở thành một "ông lão" khó tính. Trên sân tập anh không nói chuyện, không cười giỡn với bất kỳ ai, đã vào tập là rất nghiêm túc. Anh suy nghĩ đơn giản: "Muốn có thành tích tốt phải nỗ lực luyện tập. Quyết tâm cao độ nên Nguyễn Duy Bằng dễ dàng phá kỷ lục ngay tại hội khỏe Phù Đổng với thành tích 2,02m.
Có thành tích cao, nhưng Nguyễn Duy Bằng không kiêu ngạo mà luôn nỗ lực vượt qua những thành tích của mình với các mức xà cao hơn. Anh liên tục vượt qua thành tích của mình với độ khó ngày càng tăng cao. Các mức xà 2,05m; 2,06m; 2,11m; 2,13m; 2,16m, 2,20m, và 2,21m lần lượt được anh chinh phục.
Không chỉ chiến thắng tuyệt đối trong nước, Nguyễn Duy Bằng còn là một đối thủ đáng gờm ở Đông Nam Á. Anh đã phá kỷ lục của vận động viên người Malaysia lập tại giải các Ngôi sao châu Á lần thứ 1 (tháng 9/2006) được tổ chức tại Singapore với mức xà 2m25. Không chỉ vậy, anh liên tiếp đạt 4 huy chương gồm: 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng ở 4 kỳ Sea games liên tiếp bắt đầu từ năm 2001. Nguyễn Duy Bằng không ra giải thì thôi, lần nào ra giải là mỗi lần anh mang về những thành tích đáng kể cho đội nhà. Phong độ ổn định, luôn nỗ lực hết mình trong tập luyện, đó là những điều mà vận động viên này luôn được đánh giá cao.
Duy Bằng đã mang về nhiều vinh quang cho thể thao Việt Nam trong quá khứ
Chàng vận động viên đa tài
Không chỉ có năng khiếu về thể thao, Nguyễn Duy Bằng còn có nhiều tài lẻ khác. Chẳng hạn như chuyện trở thành giáo viên dạy tennis của anh giống như chuyện đùa. Sau một thời gian trong đội tuyển quốc gia về, tự nhiên người ta thấy Nguyễn Duy Bằng biết đánh tennis. Thậm chí, những lúc cao hứng, anh còn đi dạy cho 1 số người có nhu cầu học môn thể thao quý tộc này.
Điều đặc biệt là không ai thấy anh đi học, chỉ thấy anh lê la cùng các vận động viên quần vợt quốc gia. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn đi chơi, anh nhanh chóng học được nghề. Sau này, những lúc khó khăn, anh lại đem cái nghề tay trái bất đắc dĩ này ra để làm, và nó cũng trở thành một công việc chính của anh để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Không chỉ có thế, Nguyễn Duy Bằng còn biết đá bóng, và suýt trở thành một cầu thủ. Biết nhiều ngón nghề thể thao, nhưng anh luôn khiêm tốn bảo: "Tại máu trong người nên chơi vậy thôi". Nguyễn Duy Bằng là vậy, luôn khiêm tốn và gần gũi với tất cả mọi người xung quanh. Có một điều lạ trong anh đó là tham gia thể thao với một tinh thần vô cùng trong sáng và một tình yêu thật sự mà không hề có sự toan tính nào. Anh tâm sự: "Tập thể thao, tôi chỉ trăn trở một câu hỏi, làm sao để có thành tích tốt nhất chứ không hề có một định hướng nào trong tương lai".
Đến bây giờ dù đã sống với thể thao hơn chục năm, nhưng nếu nghỉ làm vận động viên, anh cũng chẳng có gì. Anh bảo: "Vận động viên khi hết tuổi, bước ra đời như một tờ giấy trắng, chẳng có gì trong tay và cũng chẳng biết làm gì để mưu sinh. Ngẫm lại thấy thật buồn bởi đôi khi sức khỏe còn bị hao mòn vì những tai nạn không mong muốn trong nghề nghiệp".
Buồn thì buồn thật, nhưng Nguyễn Duy Bằng luôn lạc quan và hướng về phía trước. Bằng bảo: "Nếu có tiền, anh sẽ mở một cửa hàng quần áo, nhưng phải là cửa hàng bán quần áo thể thao cơ". Ấp ủ những dự định kinh doanh nhưng anh tâm sự phải chờ đến khi nào có vốn thì mới làm được. Và để có số vốn đó, Nguyễn Duy Bằng phải bôn ba làm nhiều nghề phụ khác như: Giáo viên dạy tennis, dạy giảm cân, dạy thể dục body. Không chỉ quanh quẩn ở lĩnh vực thể thao, Bằng còn bén duyên với lĩnh vực điện ảnh. Mới đây anh đã tham gia một vai diễn nhỏ trong bộ phim Đường đua của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy. Anh bảo: "Trong phim này, Bằng hung dữ lắm, la hét diễn viên Anh Khoa khiến anh chàng này phải khiếp sợ”.
Đôi khi, nhiều người vẫn nghĩ vận động viên là kiếp quần đùi, áo số không biết làm gì ngoài thể thao, nhưng Nguyễn Duy Bằng đã chứng minh một điều ngược lại: "Vận động viên cũng là những người có khả năng trong nhiều lĩnh vực". Thật vậy, họ không chỉ giỏi trong lĩnh vực mình đã được đào tạo mà còn đa năng trong nhiều lĩnh vực khác, mà Nguyễn Duy Bằng là anh chàng vận động viên điển hình đó.
Trước những thành công đã đạt được trong thể thao cũng như trong cuộc sống, Nguyễn Duy Bằng luôn giữ một thái độ bình thản, và luôn mong muốn chinh phục những đỉnh núi cao hơn. Hiện tại, trong đội tuyển nhảy cao của TP.HCM, Nguyễn Duy Bằng là vận động viên giàu thành tích nhất. Ở tuổi đời 30, nhưng Nguyễn Duy Bằng vẫn tiếp tục thi đấu và luôn mong muốn sẽ cống hiến nhiều hơn cho thể thao nước nhà.
Hợp Phố