Múa lửa là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự khổ luyện nghiêm túc của người học, cũng như sự sáng tạo trong mỗi phần biểu diễn để khán giả không bị nhàm chán. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, múa lửa vẫn chưa có một sân khấu riêng thực thụ tại Việt Nam, mà chỉ đứng chung sân với những thể loại khác. Bởi thế, những người theo bộ môn múa lửa gặp không ít khó khăn, cũng như hạn chế trong quá trình làm việc.
Gặp gỡ Tạ Thị Thanh Xuân (SN 1992, Bắc Giang) từng có 2 năm theo nghề múa lửa, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những động tác uyển chuyển kết hợp với lửa của cô gái trẻ tuổi này. Cũng bởi ngoại hình xinh đẹp nên cô được người hâm mộ ưu ái đặt cho biệt danh dễ thương là “hotgirl múa lửa”.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, Thanh Xuân cho hay: “Trước đây, mỗi lần nhìn thấy các diễn viên biểu diễn trên sân khấu, làm các động tác như thổi lửa, hay dùng tay “bắt” lửa... là tôi lại thấy thích thú và tò mò. Khi đó, tôi không thể lý giải vì sao họ lại có thể làm được những động tác như thế. Vì thế, sau này, tôi quyết định theo học bộ môn múa lửa”.
Dù đam mê nhưng thời gian đầu theo học, Thanh Xuân gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với lửa, điều khiển ngọn lửa theo ý mình. “Mới đầu, tôi lóng ngóng không biết sử dụng hay điều khiển ngọn lửa ra sao vì thế cũng có đôi lần bị bỏng”, Thanh Xuân nhớ lại.
Trong suốt cuộc trò chuyện với PV, gương mặt của Thanh Xuân luôn hiện rõ niềm trăn trở với công việc, cô cho hay: “Người xưa thường có câu “đừng đùa với lửa”, thế mà tôi lại quyết tâm theo đuổi bộ môn này. Chưa kể, múa lửa thực chất xuất phát từ biểu diễn ở đường phố, bởi vậy để mang được bộ môn này lên sân khấu chuyên nghiệp đòi hỏi cả một quá trình. Đôi lúc tôi nghĩ sao nghề này cực quá vậy nhưng đã trót “đâm lao phải theo lao””.
Cũng có đam mê với bộ môn múa lửa, anh Nguyễn Duy Khánh (SN 1986, Yên Bái) không nhớ nổi mình đã theo nghề được bao nhiêu năm. Chỉ biết rằng, cái tên “Duy Khánh múa lửa” đã được khán giả nhớ đến. Đặc biệt khi lọt vào vòng bán kết của Vietnam Got talent 2016 thì tên tuổi của anh càng trở nên hot hơn bao giờ hết.
Anh Duy Khánh nhớ lại: “Trước đây, tôi làm thợ pha chế cho một quán bar. Một hôm, tình cờ có một vị khách nước ngoài ghé qua và biểu diễn bộ môn này tại quán. Chính điều đó đã thôi thúc sự hiếu kỳ của tôi. Hôm đó, bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu và tôi quyết định lên mạng xã hội tìm lời giải đáp. Sau đó, tôi tự mày mò, học từ những clip trên mạng”.
Vì đam mê, nên anh Duy Khánh đã tốn không ít thời gian để học tập, rèn luyện những kỹ năng cơ bản nhất của bộ môn múa lửa. Sau đó, anh thông qua bạn bè và tìm học từ những người đi trước mình.
(Còn nữa)