Mối lương duyên với ngành ngoại giao
Có lẽ ít ai biết chị Lê Thị Thu Hằng vốn là dân học tiếng Nga, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam "đời đầu". Chị tốt nghiệp khoa phiên dịch tiếng Nga của trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là đại học Hà Nội) năm 1994.
Nói về cơ duyên đưa chị đến với ngành Ngoại giao, chị Lê Thị Thu Hằng bồi hồi nhớ lại: “Tôi sinh ra vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, vào đúng thời kỳ Hà Nội 12 ngày đêm bom đạn ác liệt. Tôi lớn lên khi đất nước ở vào giai đoạn gian nan khi vừa bước chân ra khỏi cuộc chiến, bị bao vây, cấm vận, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Tuổi trưởng thành tôi may mắn được chứng kiến suốt thời kỳ đất nước ta chuyển mình, đổi mới, mở cửa và hội nhập. Lúc tôi tốt nghiệp đại học cũng chính là lúc đất nước ta thoát khỏi bao vây, cấm vận đồng nghĩa với việc nhiều cánh cửa mở ra trước chúng tôi trong đó cũng có việc bộ Ngoại giao tổ chức thi tuyển công khai lại sau nhiều năm không tuyển dụng. Tôi đã ứng tuyển mặc dù gia đình không có truyền thống ngoại giao và đã may mắn trúng tuyển”.
Chị Hằng bộc bạch: “Tuổi thơ ai cũng có ước mơ. Tôi ham đọc sách, đăc biệt là sách nước ngoài, mơ ước được đi đây đi đó, tận mắt thấy những gì mình đọc qua sách vở. Có lẽ chính những ước mơ nhỏ bé đó cũng là cơ duyên đầu tiên với ngành đối ngoại chăng? “Học chuyên ngữ, vào đại học tôi học phiên dịch tiếng Nga, sau đó còn học thêm tiếng Anh và tiếng Đức. Ngoại ngữ cũng là một yếu tố quan trọng khiến tôi có cơ duyên đến với công việc hiện tại”.
“Người Phát ngôn không phải là cái máy nói”
Tháng 4/2017, chị Lê Thị Thu Hằng được bổ nhiệm làm Vụ trưởng vụ Báo chí, Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam kế nhiệm ông Lê Hải Bình. Chị trở thành nữ Phát ngôn viên thứ tư của bộ Ngoại giao sau các bà Hồ Thể Lan, Phan Thúy Thanh và Nguyễn Phương Nga.
Nói về những thách thức đối với một người Phát ngôn, chị Thu Hằng cho rằng, người phát ngôn không phải là người biết tuốt nhưng phải là người biết nhiều thứ, đặc biệt là người phải cập nhật thông tin. Thường xuyên tiếp xúc với báo chí nước ngoài, thường kỳ phải chủ trì họp báo quốc tế nên người Phát ngôn là kênh thông tin rất quan trọng đối với báo chí nước ngoài. Người Phát ngôn của bộ Ngoại giao là người nêu lên những quan điểm chính thống của bộ Ngoại giao về các vấn đề đối ngoại của Việt Nam và các vấn đề quốc tế, khu vực.
Mặc dù ở nước ta đã có cơ chế người phát ngôn của các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên sự tiếp cận của giới báo chí nước ngoài đến người phát ngôn của các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tại họp báo của bộ Ngoại giao, báo chí nước ngoài thường nêu ra rất nhiều vấn đề, không chỉ xoay quanh đối ngoại mà còn rất nhiều các lĩnh vực khác.
“Chẳng hạn có lần nhà báo nước ngoài hỏi tôi về việc Việt Nam đối phó với dịch sốt xuất huyết như thế nào để không bị ảnh hưởng đến du lịch hay quan niệm của Việt Nam về hôn nhân đồng giới, rồi chống rác thải như thế nào, quản lý ngoại tệ, tỷ giá của Việt Nam...”. Vì vậy, người Phát ngôn là kênh thông tin nhưng thông tin cũng rất quan trọng đối với người phát ngôn, cần bám sát tình hình xảy ra ở các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, đối ngoại, an ninh, kể cả các vấn đề liên quan ở địa phương; cần nắm được lập trường cơ bản để phản ứng kịp thời và nguyên tắc quan trọng đã phát ngôn là phải chính xác, hoặc ít nhất là không được sai.
Chị Hằng chia sẻ, thực tế đằng sau mỗi cuộc họp báo là một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp giữa vụ Báo chí với các vụ khác trong bộ Ngoại giao, kể cả phối hợp với các bộ ngành khác, từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, một cuộc họp báo nhiều khi chỉ diễn ra 30 phút nhưng là sự chuẩn bị rất dày công của nhiều người. Để có được những cuộc họp hiệu quả và tránh những tình huống bất ngờ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đó là quá trình theo dõi thông tin, dự đoán quan tâm của dư luận từ đấy mình cần phải biết sẽ giải tỏa dư luận như thế nào, đưa ra thông điệp làm sao...”.
Không chỉ vậy, người phát ngôn còn là cầu nối với giới báo chí truyền thông, qua giới truyền thông đến với công luận. Ngoài việc đáp ứng những yêu cầu về thông tin, người Phát ngôn cũng cần đưa ra những thông điệp trong những thời điểm nhất định nhằm bày tỏ quan điểm lập trường chính thống và giải toả dư luận, mục đích cao nhất là bảo vệ được lợi ích quốc gia dân tộc.
Người Phát ngôn phải lên tiếng đúng lúc, nói điều dư luận muốn nghe và truyền tải được thông điệp cần thiết”, chị Hằng khẳng định “người phát ngôn không phải cái máy nói”.
Trân quý thế hệ đi trước
Làm việc tại bộ Ngoại giao từ năm 1996, chị Thu Hằng từng có gần 4 năm làm tùy viên tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và hơn 3 năm đảm nhận vị trí Tham tán Công sứ - Người thứ hai (sau Đại sứ) của Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Với chị, những năm tháng làm việc ở nước ngoài là những trải nghiệm quý giá đối với các nhà ngoại giao nói chung và với riêng chị.
Khi được hỏi về những người mà mình ngưỡng mộ trong nghề, chị hào hứng bật mí: “Phụ nữ Việt Nam có rất nhiều tấm gương, đặc biệt người trong nghề ngoại giao khiến tôi thực sự ấn tượng từ thuở nhỏ là bà Nguyễn Thị Bình. Hình ảnh bà Bình trong tà áo dài xanh dương tại hội nghị Paris, đẹp đằm thắm đúng chất người phụ nữ Việt Nam nhưng đầy bản lĩnh, bà đã có đóng góp quan trọng trong việc đàm phán đem lại hoà bình cho Việt Nam. Và những nữ phát ngôn trước đây như cô Hồ Thể Lan, chị Phan Thúy Thanh, chị Nguyễn Phương Nga là những người thầy truyền lửa, truyền nghề cho tôi, và hơn hết là những người cô, người chị mà tôi thực sự kính phục, trân quý”.
Dù bận rộn nhưng ở nữ phát ngôn luôn toát lên nguồn năng lượng trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm và phong thái tự tin, bản lĩnh, sắc sảo. Khi nhiều người thắc mắc một Lê Thị Thu Hằng ngoài đời và một người phát ngôn viên bộ Ngoại giao có khác nhau nhiều không, chị Thu Hằng mỉm cười chia sẻ: “Tôi yêu công việc, đam mê với nghề, nhưng công việc là công việc và cuộc sống này còn rất nhiều điều thú vị, đừng bỏ phí. Tôi cũng là một người như mọi người thôi, cũng thích ăn những món ngon, mặc quần áo đẹp, thích có nhiều thời gian để thư giãn vui chơi. Đây cũng là một cách giúp tôi cân bằng cuộc sống với công việc và “tái sản xuất” sức lao động của chính mình”.
Đỗ Chang