Theo đó, cô gái 16 tuổi Phạm Ngọc Thiên Thư (ở Biên Hòa, Đồng Nai) nhân ngày 20/10 nên đã chia sẻ bức ảnh về mẹ và bà ngoại trên mạng xã hội kèm note:
“Nhìn mẹ em mặc đồ như thế này chắc không ai biết là mẹ em bị khiếm thị đâu nhỉ.Lúc em còn nhỏ cứ chở mẹ đi bằng cái xe martin cà tàng, vô shop mua đồ thì không ai bán.
Đi cắt tóc thì cắt chẳng ra gì, em nói thì họ bảo là "Mù thì cần gì cắt cho đẹp"...
Đi xe buýt thì họ cứ sợ mình không trả tiền vé nên thái độ rất ư khó chịu. Và cũng nhờ câu nói "mù này mù nọ" và thái độ xem thường của mọi người xung quanh mà mẹ em đã thay đổi, giờ nhìn còn trẻ hơn em luôn”.
Chỉ sau ít giờ đăng tải, bức ảnh đã nhận được sự quan tâm chú ý của đông đảo người dùng. Ai cũng ngạc nhiên bởi mẹ và bà của Thư quá trẻ so với tuổi thật.
Trên Trí Thức Trẻ, cô gái 16 tuổi này chia sẻ, mẹ cô năm nay mới 41, còn bà ngoại đã bước sang tuổi 65. Thế nhưng ẩn sau nụ cười tươi tắn trẻ trung của 2 người phụ nữ ấy là cả một câu chuyện rất dài và buồn, khiến hàng ngàn người xúc động.
Cô gái trẻ này cũng cho biết, để có được diện mạo bất chấp thời gian và nụ cười hạnh phúc như vậy, mẹ của Thư đã vượt lên số phận, bằng nghị lực phi thường, không chỉ thay đổi bản thân mà còn thay đổi cả ánh nhìn của tất cả mọi người xung quanh, được tôn trọng và ngày càng xinh đẹp hơn.
Cô học sinh nhỏ tuổi có những chia sẻ khá sâu sắc, đong đầy tình yêu thương trân trọng dành cho mẹ của em:
“Mẹ em tên Phạm Thị Phương Uyên. Ngày xưa khi sanh mẹ, bà ngoại bị mắc hơi, lại cộng thêm bệnh ban năm 3 tuổi nên mắt mẹ bị kéo màng mây màu xanh, một thời gian ngắn sau không nhìn thấy gì nữa.
Ông bà đông con, nhà nghèo không chạy chữa được nên mẹ em bị mù từ nhỏ.
Năm mẹ 24 tuổi, đi thực tập gặp ba em, lúc đó đang dạy học ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai, ba em cũng khiếm thị.
Sau một thời gian tìm hiểu thì ba mẹ cưới nhau năm 2000. Rồi em ra đời, vài năm sau có thêm em gái nữa, gia đình rất vui vẻ dù không giàu có gì.
Lúc em còn nhỏ, có bao nhiêu tiền mẹ cũng sắm hết đồ đạc quần áo cho 2 chị em, còn mẹ toàn mặc đồ cũ. Mẹ hay ốm, ở nhà miết nên mặc đồ luộm thuộm.
Em đạp xe chở mẹ vô shop mua đồ, người ta nhìn mẹ rồi toàn kêu không có tiền ra chỗ khác mà mua, ở đây mắc lắm, mua không nổi đâu.
Mẹ em im lặng không nói gì hết. Dẫn mẹ đi cắt tóc ở tiệm gần nhà, người ta cắt lỉa chỉa không đều, em nói là sao chú cắt cho mẹ con không đẹp vậy?
Chú đó bảo là mù thì cần gì đẹp, cắt vậy cho gọn là được rồi, ai thèm để ý. Lúc ấy mẹ em cũng im lặng luôn.
Rồi có bữa xe đạp bị hư, em phải đón xe buýt đi lễ ngày Chủ nhật, đi cùng mẹ, họ kéo mẹ em lên với thái độ rất khó chịu, còn bảo không có tiền thì mời xuống xe.
Lúc đó mẹ mới nói: “Tôi đi xe trả tiền đàng hoàng chứ có ăn quỵt của ai?”.
Về tới nhà, mẹ khóc, hỏi em là con ơi, nhìn mẹ xấu lắm hay sao mà họ lại nói vậy hả con? Mẹ không thấy đường nhưng mà mẹ có ăn cắp trộm cái gì của ai đâu, sao họ lại bảo vậy. Em buồn lắm…
Năm lên lớp 8, em xin đi phụ bán đồ ở shop quần áo, đi làm rồi em bắt đầu biết chọn quần áo rồi phối kiểu cho mẹ.
Tóc tai thì có cô bạn mẹ làm thợ nên em tả kiểu, rồi nhờ cô làm giúp. Mẹ em bắt đầu mặc đồ bộ kiểu, sau dần dần ngày càng đẹp hơn, còn trang điểm nữa.
Mẹ về quê ăn đám cưới, mấy người hay bảo mẹ em là con mù này con mù nọ hồi xưa, giờ nhìn mẹ em im lặng không nói được gì. Mẹ bảo em rằng chính mình phải ráng phấn đấu thì người ta mới phục”.
Hiện, người mẹ khiếm thị trong câu chuyện về hành trình lột xác ấy đang làm trưởng Hội phụ nữ, Hội người mù xã Tân Hạnh, TP. Biên Hòa và đang làm nghề massage tẩm quất.
Còn bà ngoại của Thiên Thư cũng là người hồn hậu, chất phác, thật thà, lúc nào cũng lạc quan, dạy dỗ con cháu chu đáo, nên dung mạo ngày càng đẹp lên.
Minh Anh (tổng hợp)