Chuyện ăn uống vẫn là vấn đề muôn thuở ở các giải đấu lớn. World Cup 1998, Ronaldo chơi vật vờ trong trận chung kết với Pháp cũng vì ngộ độc cấp cứu. Bốn năm sau ở Nhật - Hàn, thịt chó lại trở thành chủ đề nóng trong những cuộc họp tầm cỡ FIFA để xem xét bỏ hay không bỏ. Từ Tây sang Đông, từ Âu sang Á, mỗi nước có một phong vị ẩm thực khác nhau. Vì vậy, dự trữ vài liều thần dược berberine luôn là một gạch đầu dòng quan trọng cho những cuộc đem chuông đánh đi xứ người.
Shevchenko là một trong 10 tuyển thủ Ukraine bị ngộ độc
Nhưng tất nhiên, mối lo ngộ độc dường như chỉ xuất hiện thường trực với các đội khách mà thôi. Chứ như các tuyển thủ Ba Lan hay Ukraine mùa EURO này chẳng hạn, họ lớn lên trên đất nước quê hương ăn món ăn truyền thống của dân tộc thì có gì mà phải sợ?
Sau khi xảy ra vụ việc, các quan chức ngay lập tức mổ xẻ rút kinh nghiệm. Thậm chí cảnh sát Ukraine cũng tham gia quá trình điều tra vì nghi ngờ đằng sau vụ ngộ độc này là cả một âm mưu khủng bố. Thế nhưng một loạt các chuyên gia liên ngành cùng các thám tử giàu kinh nghiệm cũng phải lắc đầu bó tay, không tìm ra nổi lý do xác đáng.
Tới lúc này, giới truyền thông mới đi sâu mổ xẻ. Một nhà báo Ukraine đã bỏ thời gian sinh hoạt cùng đội tuyển, nghiên cứu thói quen của những ca bệnh và đi đến kết luận cuối cùng: Các cầu thủ bị ngộ độc hầu hết là những người nổi tiếng có đời sống sung túc, cao cấp thế nên không chịu được cảnh ăn kham uống khổ của đội tuyển Ukraine. Quen ăn vi cá mập, chân gấu, trứng cá hồi có lẽ những Shevchenko, Voronin hay Tymoshchuk ngộ độc vì khẩu phần ăn thời khủng hoảng kinh tế cũng phải thôi(.)
Người Việt ta hay chép miệng bảo nhau: "Sướng quen rồi khổ tí không chịu được". Xem ra giữa thời buổi người khôn của khó này, nhà giàu cũng phải tập nhai cơm thừa canh cặn kẻo một ngày lại lăn ra ngộ độc như mấy ngôi sao nước chủ nhà EURO vậy.
Thái Diệp