Nhiều lần cứu người
Mấy hôm nay, trời mưa dầm, kèm gió lớn khiến việc chài lưới của ông Ksor Nưk, SN 1960, xã Biển Hồ, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai không mấy thuận lợi. Ông thong dong nhiều vòng trên hồ, thăm mấy tay lưới nhưng tôm cá chẳng đáng là bao. Dù vậy, ông vẫn vui vẻ dong thuyền trở về căn nhà tạm ven bờ tránh cơm mưa giông đang kéo về.
Hơn 50 năm sinh sống ven lòng hồ, mọi sinh hoạt của ông đều gói gọn trong căn nhà được thưng bằng ván chật hẹp, chỉ vừa chỗ ăn, ngủ. Lúc rảnh rỗi, ông chèo thuyền ra hồ trò chuyện với những “ngư phủ” cho đỡ buồn.
Ngoài trời mưa lất phất, gió mang theo hơi lạnh lùa vào khiến căn chòi tạm rung lên bần bật. Nhấp ngụm trà nóng, ngược dòng ký ức già kể, khi mới lên 5 tuổi đã theo cha mẹ ra sinh sống tại lòng hồ T’Nưng, nay là Biển Hồ Pleiku. Cuộc sống của gia đình 3 người cũng lênh đênh theo con nước. Ngày xưa, tôm cá nhiều cuộc sống gia đình đỡ vất vả, dần dà nhiều người đánh bắt khiến hải sản dần cạn kiệt. Giờ đây, nghề chài lưới chẳng thể giúp ngư dân kiếm đủ thu nhập lo cho gia đình nên họ rời đi hết. Chỉ riêng già quyết không bỏ cái nghề của cha ông truyền lại, gương mặt luôn nở nụ cười lạc quan, hài lòng với những gì mình đang có.
“Trước kia thuỷ sản dồi dào, mang lại nguồn thu nhập tốt cho nhiều người. Gia đình tôi cũng dựng chòi sinh sống quanh lòng hồ để theo con nước bắt tôm, cá. Thế nhưng mấy năm nay nghề này chẳng đủ duy trì cuộc sống. 7 người con của tôi cũng không ai giữ nghề đánh bắt cá mà đi khắp nơi mưu sinh. Vợ con khuyên tôi về làng sinh sống, an hưởng tuổi già nhưng tôi không thể rời xa nơi này. Biển Hồ là nơi chứa đựng biết bao ký ức, nếu rời đi tôi sẽ buồn và nhớ lắm”, già Ksor Nưk bộc bạch.
Hàng chục năm gắn bó với rừng núi, lòng hồ ông Nưk chẳng thể nhớ nổi bản thân đã cứu bao nhiêu người thoát khỏi “cửa tử”.
Một ngày cuối đông năm 2014, như thường lệ, rạng sáng ông Nưk soi đèn kéo lưới. Giữa trời đêm tĩnh lặng, ông giật mình nghe tiếng la hét thất thanh. Dưới ánh đèn le lói treo trên mũi thuyền, ông thấy một nam thanh niên khoảng chừng 25 tuổi từ trên bờ nhảy ùm xuống dòng nước lạnh giá. Người này cố lội thật sâu ra giữa dòng nước để tìm cách quên đời.
Già vội chèo lại gần rồi kéo chàng trai trẻ lên thuyền. Qua một hồi lâu khuyên bảo, người này cũng chịu theo già Ksor Nưk về chòi để nghỉ lại qua đêm. Sợ chàng trai cảm lạnh, già đốt lửa sưởi ấm cả đêm. Già hỏi gì chàng trai ấy cũng chẳng nói. Cuối cùng già Nưk liền nghĩ ra cách mời rượu để anh chàng cởi mở hơn và thổ lộ lòng mình.
Sau vài chén rượu, chàng trai mới kể lại rằng do buồn vì cha mẹ chửi mắng nên mới nghĩ quẩn. Sáng hôm sau khi đã tỉnh táo, chàng trai đã gọi người thân đến đưa về nhà, kể từ đó Ksor Nưk chưa từng gặp lại.
Mới đây, là trường hợp một nữ sinh tìm ra hồ để có ý định quyên sinh. Lúc đó, già đang giăng lưới dọc bờ, thấy một thiếu nữ mặc đồng phục học sinh với vẻ mặt u buồn đang ngồi dưới bóng cây. Biết chắc sắp có chuyện chẳng lành, già Nưk chỉ chèo thuyền quanh quẩn gần bờ.
Khi thấy nữ sinh chạy băng băng xuống dòng nước, già Nưk liền chèo thuyền lao tới rồi kéo nữ sinh dại dột lên bờ. Khi thấy già Nưk ngăn cản, cô gái oà khóc nhất quyết đòi tự tử. Nữ sinh ra Biển Hồ tìm đến cái chết vì lỡ yêu người đã có gia đình. Sự việc vỡ lở, nữ sinh bị mẹ cha quở trách. Buồn phiền nên trong một phút nóng giận cô gái trẻ đã nghĩ đến việc gieo mình xuống dòng nước lạnh.
Thương cô gái trẻ suy nghĩ bồng bột, già Ksor Nưk ngồi cả giờ đồng hồ nói chuyện, động viên nữ sinh bình tĩnh. Tâm sự hồi lâu, cô gái cũng nhận ra tình yêu của mình quá mù quáng nên đã hối hận và trở về nhà xin lỗi cha mẹ.
Danh lam thắng cảnh
Ở cái tuổi 63, già Ksor Nưk đã chứng kiến biết bao đổi thay của Biển Hồ. Từ một hồ nước hoang sơ, xôn xao tiếng gió đến nay Biển Hồ đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông du khách ghé thăm.
Quen với cuộc sống bình yên, tĩnh lặng đến khi khách du lịch khắp nơi đổ về, già Ksor Nưk bỡ ngỡ, lạc lõng giữa chính nơi mình sinh sống hàng chục năm qua. Một thời gian sau, nhận thấy những lợi ích mang lại từ du lịch, già Ksor Nưk chẳng còn buồn mà thay vào đó là niềm vui vì cuộc sống của người dân nơi này có những đổi thay. Những thuỷ sản đánh bắt hàng ngày được người dân sơ chế, phơi khô bán cho du khách gần xa. Con gà, con lợn hay mớ rau sạch trồng được trong làng cũng được biến tấu thành thức ăn ngon quyến luyến du khách. Kể từ đó, người dân có thêm thu nhập khiến cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Bên cạnh niềm vui cho bà con ấy, già Nưk cũng có chút lo lắng bởi nếu du lịch càng phát triển thì lòng hồ sẽ dễ ô nhiễm khi người dân thiếu ý thức và vứt rác bừa bãi. May mắn, mấy năm qua du khách đến đây đã có ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường để tránh làm ảnh hưởng đến không khí trong lành, thoáng đãng vốn có.
“Tôi hy vọng rằng nhà quản lý khu du lịch và du khách ghé đến Biển Hồ sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái nơi này. Từ đó, bảo vệ những nét đẹp hoang sơ vốn có và luôn giữ cho môi trường xanh - sạch - đẹp”, già Nưk tâm sự.
Biển Hồ còn được người dân bản địa gọi với cái tên Ia Nueng hay Hồ T’Nưng là một hồ nước ngọt nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 7 km về phía Tây Bắc, nằm ở độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển. Biển Hồ được gìn giữ vệ sinh nghiêm ngặt, vì đây là hồ nước ngọt cung cấp nước cho thành phố Pleiku.