Chuyện người con gái mộng mơ của Màu tím hoa sim

Chuyện người con gái mộng mơ của Màu tím hoa sim

Lê Thị Ánh Tuyết

Lê Thị Ánh Tuyết

Chủ nhật, 29/07/2018 14:23

Màu tím hoa sim là bài thơ lay động lòng người, được coi là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ 20. Câu chuyện về người con gái yêu màu tím mộng mơ ra đi ở độ tuổi thanh tân đã lấy nước mắt của nhiều người.

Cô học trò với đôi mắt đen

Nhà thơ Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 12/4/1916, làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, cậu bé Hữu Loan đã có tư chất thông minh, học một biết mười. Bố ông là một tá điền nên gia đình nghèo khó, vì vậy mà Hữu Loan dù rất thích nhưng không thể đến trường. Trước sự ham học của cậu con trai nhỏ, bố đã dành thời gian để dạy chữ nhưng ở tình trạng “chữ có, chữ không”.

Ấy thế nhưng, cậu bé Hữu Loan lại đỗ đầu kỳ thi cao đẳng tiểu học. Sau đó, Hữu Loan lên tỉnh lỵ Thanh Hóa để theo học ở trường Đào Duy Từ. Trong thời gian theo học ở đây, ông vừa học vừa đi dạy kèm để có tiền trang trải cuộc sống. Năm 1941, Hữu Loan ra Hà Nội thi tú tài. Năm ấy, có hơn 700 thí sinh dự thi nhưng số người đỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay và trong đó có cậu bé con ông tá điền.

Sau khi đỗ tú tài, Hữu Loan quay trở lại Thanh Hóa và được mời làm gia sư cho con của ông Thanh tra Canh nông Đông Dương Lê Đỗ Kỳ gồm: Lê Đỗ Khôi, Lê Đỗ Nguyên (tức Trung tướng Phạm Hồng Cư sau này), Lê Đỗ An và cô con gái Lê Đỗ Thị Ninh... Ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, Hữu Loan đã có ấn tượng với cô bé có đôi mắt to, đen láy và tròn xoe, Lê Đỗ Thị Ninh.

Ngôi sao - Chuyện người con gái mộng mơ của Màu tím hoa sim

Nhà thơ Hữu Loan.

Trong hồi ký, nhà thơ Hữu Loan viết: “Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái - lúc đó 8 tuổi - mới chịu lỏn lẻn bước lên khoanh tay, miệng lí nhí: “Em chào thầy ạ!”.

Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em học, dạy viết... Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như “bà cụ non”.

Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo... những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt...”.

Ngày ấy, thầy và trò đều là những người thích thiên nhiên nên sau giờ học thường ra ngoài để ngắm cảnh. Một buổi chiều, anh giáo trẻ đưa cô học trò nhỏ đi chơi ở ngọn đồi gần nhà.

Kể về kỷ niệm này, nhà thơ Hữu Loan đã viết: “Leo đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi bên em. Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời... “Thầy có thích ăn sim không?”. Tôi nhìn xuống sườn đồi tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ... Khi tôi tỉnh dậy, em ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy, chín mọng... “Thầy ăn đi!”.

Quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì nhưng thú thật chưa bao giờ tôi ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì... tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo”.

Tuyệt phẩm ra đời từ nỗi đau

Một thời gian sau khi trở thành gia sư cho các con của ông Thanh tra Canh nông Đông Dương, Nguyễn Hữu Loan lên đường theo kháng chiến.

“Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi... lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng, em vẫn đứng đó, nhỏ bé và mong manh. Em đưa bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi... Tôi quay đầu nhìn lại... Em vẫn đứng yên đó... Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa...”, nhà thơ Hữu Loan viết.

Chín năm sau, Nguyễn Hữu Loan trở về làng và gặp lại cô học trò ngày nào ở đầu làng. Thế nhưng, giờ đây, cô bé có đôi mắt đen ngày nào đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Một tuần sau, họ kết hôn.

Kể về cuộc hôn nhân nhiều kỷ niệm nhưng ngắn ngủi này, nhà thơ Hữu Loan viết: “Việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm soạn kịch bản. Tôi bàn chuyện may áo cưới thì em gạt đi, bảo “yêu nhau cốt là ở cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả!”. Tôi cao ráo, học giỏi, làm thơ hay lại... đẹp trai nên em thường gọi đùa là “anh chồng độc đáo”. Đám cưới được tổ chức tại ấp Thị Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa (nơi gia đình ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng) - rất đơn sơ nhưng hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết!”.

Thế nhưng, vợ chồng son chỉ được bên nhau 2 tuần vì Hữu Loan đã hết ngày nghỉ phép. Đưa tiễn chồng lên đường, người vợ trẻ vẫn đứng ở đầu làng. Lần này ra đi, Hữu Loan như muốn “khuỵu xuống” vì nặng lòng với người vợ trẻ.

Ngôi sao - Chuyện người con gái mộng mơ của Màu tím hoa sim (Hình 2).

Nhà thơ Hữu Loan và người vợ thứ 2. 

“Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: Vợ tôi qua đời! Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948. Em ra giặt quần áo ngoài sông Chuồn, vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi nên trượt chân chết đuối... Khi ấy, chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra... Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu, những chữ mộc mạc cứ trào ra: “Nàng có ba người anh đi bộ đội/Những em nàng/Có em chưa biết nói... Tóc nàng xanh xanh/ngắn chưa đầy búi/Em ơi giây phút cuối/không được nghe nhau nói/không được trông nhau một lần/Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím/áo nàng màu tím hoa sim...”.

Sau này, bài thơ Màu tím hoa sim được một người bạn chép lại và chuyền tay nhau. Dzũng Chinh là người đầu tiên phổ nhạc bài thơ với tựa đề Những đồi hoa sim. Gần như ngay lập tức, Những đồi hoa sim gây được tiếng vang, câu chuyện tình buồn kết thúc không có hậu được kể lại bằng âm nhạc sâu lắng đã đi vào lòng người.

Dzũng Chinh nghiễm nhiên trở thành một nhạc sĩ tên tuổi lúc bấy giờ, mặc dù trước đó ông chỉ là một nhạc sĩ vô danh. Sau Dzũng Chinh, nhiều nhạc sĩ cũng đã phổ nhạc bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Nhưng với tác giả bài thơ, ông vẫn thích nhất bản phổ nhạc Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh.

Sau khi đất nước thống nhất, trong một dịp vào Sài Gòn, nhà thơ Hữu Loan bất ngờ nghe được những ca từ thân quen khi một người đàn ông cụt chân ôm cây guitar cũ kỹ hát xin tiền. Hỏi mới biết đó là bài Những đồi hoa sim. Ông đề nghị người hành khất hát lại một lần nữa, rồi vét sạch tiền trong túi bỏ vào chiếc ca nhựa và nói: “Tôi là tác giả bài thơ được phổ nhạc”, rồi bước đi với đôi mắt ngấn lệ.

Nguồn: Tổng hợp

Tháng 3 năm 2010, nhà thơ Hữu Loan ra đi. Ông được chôn cất tại nghĩa trang xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa - nơi nhà thơ sinh ra và gần như gắn bó cả cuộc đời nhọc nhằn của mình. Từ những năm 1940, nhà thơ tham gia cách mạng và từng làm Phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội làm biên tập viên báo Văn Nghệ, Hữu Loan viết cả truyện và ký, nhưng ông nổi tiếng nhất ở lĩnh vực thơ ca với những tác phẩm kinh điển như Đèo cả, Màu tím hoa sim... Đặc biệt, những vần thơ khóc người vợ đầu tiên của ông, Màu tím hoa sim, đã làm xúc động trái tim độc giả từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đây là bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc nhất với 7 ca khúc. Màu tím hoa sim cũng lập kỷ lục khi trở thành bài thơ được bán với giá cao nhất 100 triệu đồng (năm 2004). Bài thơ được sáng tác khi người vợ đầu của nhà thơ Hữu Loan bất ngờ qua đời sau 3 tháng kết hôn. Sau khi người vợ đầu, bà Lê Đỗ Thị Ninh qua đời, nhà thơ Hữu Loan kết hôn với người vợ thứ hai, bà Phạm Thị Nhu - người đã cùng ông vượt qua mọi khó khăn, nuôi dạy 10 đứa con nên người.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.