"Nhìn T. thế này, bạn có nghĩ T. bị nhiễm HIV không?". Thực sự câu hỏi của chị khiến tôi bị sốc. Bởi khi được một người bạn mời đến buổi gặp và nói chuyện với người đồng tính và người có HIV, tôi chưa từng nghĩ hai người phụ nữ ngồi đối diện với chúng tôi đang mang trong mình những căn bệnh ác nghiệt.
Suýt mất mạng vì bị kỳ thị
Khuôn mặt trái xoan, chiếc váy màu đỏ đun khiến tôi nghĩ chị là người trong ban tổ chức. Quả thực, tôi không nghĩ họ đangå mắc bệnh hiểm nghèo. Đơn giản, họ là một người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác. Tuy nhiên, sự khác biệt duy nhất chính là người chồng "đầu gối tay ấp" đã lây nhiễm HIV cho họ. Ánh mắt, sự dò xét của người xung quanh với những hồ nghi về lối sống, nhân phẩm... là điều đầu tiên họ nhận được sau khi phát hiện bệnh. Không phải ai cũng hiểu họ nhiễm HIV từ người bạn đời. Đặc biệt, tôi còn sốc hơn khi nghe tâm sự về cuộc chiến đấu, vượt lên sự kỳ thị, ghẻ lạnh của xã hội để sống, làm việc, nuôi con và giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh trong cộng đồng.
Thai phụ nhiễm HIV phải đấu tranh với nhiều khó khăn khi quyết định sinh con (Ảnh minh họa)
Chia sẻ trong dòng nước mắt, chị H., một thành viên đến từ câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng" (Long Biên, Hà Nội), kể: "Trong một lần ốm dai dẳng, tôi đi kiểm tra tại trung tâm y tế trong ngành và được các bác sỹ thông báo, máu tôi có dấu hiệu của bệnh HIV. Lúc đó, tôi như chết đứng ngay tại phòng khám. Vị bác sỹ khuyên tôi nên ra bệnh viện đa khoa để kiểm tra lại. Tôi đến bệnh viện Đống Đa làm các xét nghiệm và kết quả là dương tính với virus HIV. Vị bác sỹ ở bệnh viện hỏi tôi xem trong gia đình có ai mắc HIV không, lúc đó, tôi cũng không thể nghĩ ra rằng chính người chồng của mình mới mất là do HIV/AIDS. Bởi từ lúc đi khám bệnh đến khi chồng tôi mất, cả nhà chồng tôi đều giấu tôi bệnh tình thật của anh".
Câu chuyện của chị T. (Sóc Sơn, Hà Nội) còn khiến chúng tôi đau xót hơn nhiều. Sự việc xảy ra cách đây đã ba năm, nhưng đến giờ chị T. vẫn không khỏi chua xót khi kể lại. Chị đã suýt mất mạng chỉ vì sự kỳ thị của một vài y bác sĩ, dù trước lúc nghỉ việc, chị cũng là một y tá, cũng làm việc trong ngành y.
Biết mình mang căn bệnh thế kỷ, nhưng trước mong mỏi, tâm sự của bố mẹ chồng, vợ chồng chị T. vẫn quyết định sinh con. Chị và anh đã áp dụng tất cả các biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm cho đứa trẻ. Suốt quá trình mang thai, chị quyết định đến khám, theo dõi thai tại bệnh viện phụ sản. Dù đã rất cẩn thận trong quá trình mang thai nhưng không may chưa đến ngày sinh thì chị bị vỡ ối. Chị nhập viện trong tình trạng cấp cứu với nguy cơ sinh non.
"Trái ngọt" trong giông bão
Chị T. kể, ở khoa khám bệnh, dù trên sổ có đóng dấu quy định người nhiễm HIV (dấu của Quỹ Toàn cầu) nhưng bác sĩ vẫn hỏi chị có bị bệnh gì không. Lúc đó, ở giữa chỗ đông người, e ngại sự soi mói của mọi người, chị chỉ dám nói mình bị viêm gan và tha thiết mong được sinh mổ. "Tuy nhiên, bác sĩ không đồng ý và chuyển tôi lên khoa đợi đẻ thường. Lên đến nơi, tôi lại được chuyển về phòng khám vì một nhân viên y tế phát hiện ra dấu trên sổ y bạ", chị T. chua xót kể lại. Đến đây, chị bị người bác sĩ lúc đầu mắng: "Tại sao không nói bị HIV ngay từ đầu", rồi chuyển chị lên tầng ba của bệnh viện, nơi có phòng dành cho bệnh nhân HIV.
Lúc đó đã là 2-3h sáng, bác sĩ đưa chị lên phòng, vứt cho chị bộ quần áo bệnh nhân, rồi nói "Ngồi đây chờ, khi nào đau thì gọi". Trong lúc đó, chồng chị vẫn chạy đi gặp bác sĩ khẩn thiết yêu cầu mổ đẻ cho vợ nhưng không được. "Đến khi lên bàn đẻ thường, vị bác sĩ ấy vẫn mắng té tát: "Chúng mày không biết thương chúng tao, mổ dễ bị phơi nhiễm. Mày làm nghề gì? Lây khi nào? Ở đâu?". Những lời của bác sĩ khi ấy như nhát dao cứa vào lòng mà cho đến nay tôi vẫn không thể nào quên được", chị T. buồn bã nói. Những phụ nữ bình thường sinh con đã khổ nhưng với những người như chị T. còn khổ hơn gấp bội, vì bị chính những đồng nghiệp trong ngành y kỳ thị.
Tuy nhiên, đến nay, cả chị H. và chị T. đều đã vượt qua được những ánh mắt, sự dò xét của mọi người, đặc biệt là những tấm lòng biết cảm thông, chia sẻ. "Tôi đã bỏ việc, đã từng lẩn tránh hai năm nhưng rất may, một người quản lý mới về cơ quan tôi biết chuyện và đã tìm cách liên lạc khuyên tôi quay lại làm việc. "Em hãy sống với những người hiểu mình, chứ đừng sống với những người không hiểu mình". Đó là lời sếp tôi đã nói với tôi. Tôi cảm ơn vì vẫn còn có những người hiểu được nỗi đau mà tôi đang trải qua", chị H. tâm sự.
Đặc biệt, em bé sinh ra trong đêm mưa gió bằng tất cả hy vọng, bằng cả tính mạng của chị T. giờ đã được ba tuổi. Cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh và không bị lây nhiễm HIV từ mẹ là điều khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất, sau những tâm sự buồn của hai chị.
Quan trọng hơn tất cả, từ những trải nghiệm của bản thân, chị và các thành viên của câu lạc bộ đang cố gắng nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng hãy sống lành mạnh, tích cực và nên tìm hiểu các thông tin về cách phòng tránh HIV/AIDS... Cùng với việc tương trợ lẫn nhau vượt lên bệnh tật, những người sống chung với "H" vẫn luôn cần vòng tay rộng mở của gia đình và xã hội. Sự chung tay với tình thân ái của cộng đồng sẽ giúp những người không may mắn này tin rằng: "Cuộc đời của họ vẫn sẽ có những phép cộng tươi màu".
Phương án khả quan nhất Theo một chuyên gia y tế, với những người mẹ nhiễm HIV, nếu được chỉ định mổ sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con ở mức thấp nhất. Nếu như việc sinh thường nguy cơ lây nhiễm cho trẻ là 40% thì việc sinh mổ sẽ giúp nguy cơ lây mắc của trẻ xuống khoảng 10%. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một quy định nào của ngành y tế chỉ định bắt buộc sinh mổ với sản phụ nhiễm HIV. |
Đỗ Thơm