Cách thành phố Bắc Giang hơn 40km, chúng tôi ngược đường về xã vùng cao Yên Định, huyện Sơn Động để tìm gặp người đàn bà điên với câu chuyện trắc trở mà người dân địa phương vẫn thường nhắc. Người ta bảo, "bà điên" rất tử tế, không bao giờ trộm cắp của ai cái gì, chỉ khi cho mới cầm. Hỏi nơi ở của bà thì mọi người đều lắc đầu, họ chỉ biết bà sống trong hang đá ở núi Hố U.
Con trai của "bà điên" - cháu La Quốc Việt (sinh năm 2012)
Éo le số phận
Người dân ở xã Yên Định, huyện Sơn Động bảo rằng, khó có thể tiếp xúc được với "bà điên". Người nào điềm đạm thì "bà điên" nói chuyện nghe vui tai lắm, nhưng cứ trêu thì có mà bị mắng xơi xơi.
Trời nhá nhem tối, chúng tôi mới hỏi được địa chỉ người chị gái của "bà điên" - chị La Thị Bình ở xóm Giăng, xã Cẩm Đàn. Vượt qua con suối đến được nhà chị Bình, chúng tôi hỏi chị về cuộc đời người em gái bất hạnh đang ở trong hang. Chị Bình cay đắng kể về số phận bạc bẽo của người em gái, tên thật là La Thị Vui, sinh năm 1976.
Lật tìm trong ký ức, chị Bình tâm sự: Cũng giống như bao nhiêu người phụ nữ trong làng, đến tuổi đôi mươi, Vui được một người ở thôn Na Mô, xã Biển Động, huyện Lục Ngạn dẫn mối lấy một thanh niên bên đó. Chồng của Vui - anh Hứa Văn Minh sau khi tổ chức đám cưới đã vội vào Nam làm ăn một thời gian mới về. Mặc dù, hai vợ chồng anh chẳng yêu thương gì nhau nhưng cũng sinh hạ được ba người con, hai gái, một trai.
Do mối tình bị ép buộc, từ khi lấy vợ về anh Minh đã không một ngày quan tâm đến người vợ của mình. Suốt ngày đi chơi lang thang với đám bạn bè, không chịu làm ăn, bỏ mặc mấy mẹ con thui thủi ở nhà tự đi làm nương rẫy. Cuộc sống không có trụ cột trong gia đình, chị Vui càng trở nên lao đao, không biết xoay xở ra sao để có thể nuôi được con ăn học tử tế. Mặc dù cuộc sống vô cùng túng thiếu, nhiều lần trong nhà không còn hạt gạo nào, nhưng chị không mảy may ca thán mà chỉ lầm lũi như con trâu làm lụng nuôi con khôn lớn. Chị Vui cố gắng vun vén cho gia đình bao nhiêu thì người chồng lại tìm cách giở mọi chiêu trò để khiến cho chị Vui cay đắng bấy nhiêu. Cãi vã xảy ra trong nhà như cơm bữa, đỉnh điểm trong lúc không thể kiềm chế được, chồng chị Vui đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, túm tóc đập đầu vợ xuống giường.
Hang của "bà điên" đang sống ở lưng chừng núi Hố U
Những tháng ngày bị hành hạ triền miên khiến cho chị bao đêm trằn trọc suy nghĩ về cuộc đời đắng cay của mình, cứ dồn nén trong đầu. Trong cơn bĩ cực, chị đã dứt áo ra đi, đến trú ngụ tại một hang đá trong núi sâu. Theo sự dẫn đường của chị Bình chúng tôi đến núi Hố U. Phải leo lên đỉnh ngọn núi dốc thẳng đứng, chúng tôi mới tìm đường xuống được hang của "bà điên" ở lưng chừng núi.
Khi lên tới cửa hang, bà Vui đã nhận ngay được người chị gái của mình. "Bà điên" ở trong hang đá, mặt đen sạm gầy gò, tóc cặp ngược ở trên đầu. Khi đến nơi "bà điên" vừa mới ngủ dậy, thấy tôi là khách lạ, bà đưa mấy quả mận mời ăn, bà bảo mới hái được trong rừng hôm qua. Chị Bình hỏi: Có về thăm con gái mình không thì "bà điên" lắc đầu. Khi chúng tôi cho bà xem tấm ảnh của con mình trên điện thoại di động bà giật mình bảo: "Con lớn nhanh thế này à".
Hang của "bà điên" trú ngụ có độ cao khoảng một mét rưỡi, dài chừng 3m. Quần áo vứt bừa bãi ở gần cuối hang, ngay trước cửa hang là bếp, kê mấy viên gạch có nồi cháo, một nồi cà pháo nấu cà chua, ở phía trên muội than bám đen sì.
Đôi lúc "bà điên" - La Thị Vui giật mình khi sực nhớ về một điều gì đó của quá khứ
Mong sao được đi bệnh viện chữa bệnh
Trước khi ra về, chị La Thị Bình đưa tôi ra gần cái một hang khác, nơi ở của "bà điên" trước đây. Hang đá ngay bên dòng suối cách mặt nước khoảng 50cm. Chị Bình cho biết: Khi sống trong hang đá đó, em gái tôi đã bị người ta hãm hiếp. Khoảng năm 2010, vào thời điểm học sinh phổ thông đi thi tốt nghiệp tôi nghe mọi người bảo đứa em sống dưới hang sinh con. Tôi vội vã đi đến hang nhưng không thấy hai mẹ con ở đấy. Mãi đến sáng hôm sau, mới tìm thấy hai mẹ con bên thác Tha, phải lội nước ngập đến ngang bụng mới sang được. Hai mẹ con người tím tái, mẹ thì mệt quá tôi gọi mà không còn sức để thưa. Sau đó, tôi về nhà đem cháo cho ăn Vui mới tỉnh lại. Không nuôi nổi mình lại thêm đứa con - "bà điên" đành cho con để người khác đem về nuôi.
Chị Bình kể, sau đó, cái hang đó đã bị chính quyền địa phương đến lấp không cho ở nữa. Khi sang ở bên hang đá ở núi Hố U, một lần nữa Vui lại bị người ta hãm hiếp, sinh ra một đứa bé trai. Nhưng khi thấy em sinh tôi đã cùng một người nữa sang, bế cháu bé về nuôi. Cháu theo họ mẹ, tên là La Quốc Việt, sinh năm 2012. Khi tôi sang thấy em gái đẻ được mấy hôm, cháu bé cũng yếu, rốn bị chảy nước. Đem về nhà đưa đi trạm xá khám, cháu còn bị thêm viêm phổi. Sau đó, tôi đưa cháu đi xét nghiệm, nhưng cháu khoẻ mạnh, không bị mắc bệnh gì. Giờ cháu khá bụ bẫm, không bị đau ốm.
"Gia đình tôi cũng khó khăn, nhưng thương em, thương cháu nên cố gắng nuôi. Chỉ mong sao sau này cháu khôn lớn làm chỗ dựa cho mẹ nó. Hiện tại, tôi chỉ mong cho đứa em gái của mình được đến bệnh viện để thăm khám và điều trị bệnh", chị La Thị Bình cho biết thêm.
Mong bà Vui xuống núi Trưởng thôn Yên Định, xã Yên Định, ông Tăng Tiến Thành cho biết: Hồi trước, La Thị Vui ở trong hang bên bờ suối, nhưng vào tháng 5/2012 chính quyền địa phương đã xuống lấp hang không cho ở, để tạo điều kiện cho bà xuống núi có bà con chòm xóm, mới mong giúp đỡ được phần nào khó khăn cho bà. Hiện tại, bà Vui đang ở trong một cái hang khác thuộc núi Hố U, xã Yên Định. Thực chất thì chúng tôi chưa biết hang đó như thế nào, ở chỗ nào, chỉ nghe người dân bảo ở gần chỗ nương sắn ở núi Hố U. Thỉnh thoảng vẫn thấy bà ấy đi bắt ốc ngang qua đây. Người dân nơi đây cũng mong bà Vui xuống núi và có điều kiện đi chữa bệnh chứ ở như thế khổ lắm. |
Đình Hường - Cao Tuân