Tình yêu nghề tiếp động lực
Từng công tác tại Trạm thủy văn Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), tháng 10/2016, chị Võ Thị Thu Thủy (SN 1989) được chuyển về Trạm thủy văn Chu Lễ. Ngay khi về nhận công tác, chị Thủy đã được trận lũ lịch sử 2016 "chào đón".
"Sinh ra và lớn lên ở phố nên từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh nước lũ bao vây như ở Trạm Chu Lễ. Qua mùa lũ đầu tiên, tôi đã hiểu những khó khăn đặc thù của công việc tại đây.
Nhưng khi tôi được cơ quan tạo điều kiện cho chuyển công tác về Trạm thủy văn Linh Cảm, có cơ hội gần gia đình, tôi vẫn quyết định ở lại. Quyết định của tôi là vì tình yêu: Tình yêu với nghề, với mảnh đất này và tình yêu với người chồng hiện tại", chị Thủy cười nói.
Gái Đức Thọ nhưng chính tình yêu nghề và tình yêu đôi lứa đã khiến chị Thuỷ trở thành dâu Hương Khê. Chị đã gắn bó cuộc đời với mảnh đất "chảo lửa túi mưa" một cách vô tình như là hữu ý như vậy.
Không riêng gì chị Thuỷ, ở Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh còn có rất nhiều cán bộ, nhân viên đã vì tình yêu nghề mà quyết định gắn bó với mảnh đất này. Chị Lê Thị Hà, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Sơn Diệm là một ví dụ. Là gái Đô Lương (Nghệ An) nhưng vì say nghề, chị Hà bỏ phố lên rừng kết nghề, kết duyên, để rồi Hà Tĩnh trở thành quê hương thứ hai. Hay như anh Lê Ngọc Quyết, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn, quê ở Thanh Hóa, cũng vì tình yêu nghề mà chàng thanh niên 33 tuổi lần đầu đặt chân đến mảnh đất này mà nay đã làm rể Hà Tĩnh hơn 24 năm.
Mỗi mùa mưa bão, anh chị em cán bộ Đài khí tượng thủy văn lại gửi gia đình, vợ, con, cha mẹ già cho người thân để túc trực 24/24. Một bát mỳ tôm có khi 30 phút vẫn chưa ăn xong bởi điện thoại và số liệu phải cập nhật liên tục không nghỉ.
"Cái nghề này phải say, phải mê mới trụ được", Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cười nói.
Công nghệ hỗ trợ
Trung tâm khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh được thành lập vào năm 1990 sau khi sáp nhập các đài tỉnh, thành Đài khu vực Bắc Trung Bộ với tên gọi là Trạm dự báo phục vụ khí tượng thủy văn Hà Tĩnh. Trải qua nhiều năm hoạt động, năm 2012, Trạm được đổi tên thành Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh. Đài có tổng 35 cán bộ, nhân viên, trong đó có 8 cán bộ trực tiếp làm công tác dự báo, 12 trạm khí tượng thủy văn đóng trên địa bàn các huyện, thị. Trung bình mỗi trạm có 3 - 4 người, công việc là trực tiếp thu thập các số liệu thủy văn, tình hình thời tiết ở trạm và địa phương.
Hà Tĩnh có đặc điểm là khí hậu khắc nghiệt với hình thái thời tiết khác với nhiều tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ nên công tác dự báo, cảnh báo cũng theo đó khó khăn hơn rất nhiều. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, công tác dự báo, cảnh báo đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
So với trước, thời đại công nghệ thông tin hiện nay đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác chuyên môn. Rải rác trên địa bàn toàn tỉnh đã được lắp đặt nhiều trạm đo mưa tự động chuyên dụng. Các máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ chuyển tiếp, các công cụ viễn thám như: ra đa, ảnh mây vệ tinh, hệ thống định vị sét, các mô hình dự báo cũng đã được thay thế cho các thiết bị truyền thống, hỗ trợ tối đa công tác dự báo.
"Thời đại công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác dự báo, theo đó, anh em cán bộ cũng đỡ vất vả hơn trước. Ngoài thiết bị chuyên dụng phục vụ chuyên môn thì thông tin về thời tiết cũng được chúng tôi phối hợp cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội truyền tải kết nối thông tin nhanh chóng. Tiếp cận nhóm cộng đồng zalo có 1.000 người. Trong 1.000 người đó sẽ có rất nhiều admin của các hội nhóm khác. Cứ như vậy, thông tin được chuyển tiếp cho nhiều người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất", ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài khí tượng Thuỷ văn Hà Tĩnh nói.