Hàng chục năm nay, người dân ở bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã quá quen thuộc với hình ảnh một hang nước giữa đại ngàn hùng vĩ, nước chảy quanh năm. Tuy nhiên, để có được dòng nước sinh hoạt bất tận này, 5 chàng thanh niên trong làng lúc bấy giờ đã trải qua một chuyến phiêu lưu, khám phá đầy hiểm nguy. Họ đã thành công khi chui sâu vào chiếc hang dài hàng chục dặm và tìm ra nguồn nước cho dân làng.
Cửa hang Mó Nhét với những tảng đá rêu phong.
Lời đồn dân làng bị quở phạt
Từ khi đặt chân đến vùng đất Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), những người khai hoang vùng đất này đã thấy một mó nước (hang nước) ngày đêm nước chảy, giúp họ sinh hoạt và sản xuất (sau này người ta gọi là hang Mó). Để tạ ơn trời đất cho nước sinh hoạt, người dân đã dựng một ngôi đền ngay ở cửa hang, gọi là đền Mó Nhét để làm lễ vào những ngày trọng đại trong năm. Cứ thế, vào dịp 10/3 hàng năm, người dân trong vùng lại sắm lễ bao gồm: Một con gà, cỗ xôi và hương hoa mang đến cúng xin nước để phục vụ cho mùa màng sắp tới.
Vào ngày 10/3/1963, theo thông lệ, người dân lại mang lễ vật đến đền để cúng "xin nước" chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Nhưng kỳ lạ, tối hôm đó, và mấy ngày sau nước bất ngờ ngừng chảy. Mọi người lo lắng với suy nghĩ bị trời đất quở trách. Để tạ tội, người dân mở hội Xang Khan (lễ hội cầu bằng an của đồng bào dân tộc Thái) để mong những thầy mo có thể giúp đỡ dân làng trong lúc khó khăn này.
Bỏ mặc những lời đồn thổi cũng như hăm dọa về sự linh thiêng của ngôi đền Mó Nhét, ông Lương Văn Hậu (SN 1927) đã bàn với ông La Văn Minh (SN 1943) là hai thanh niên trong làng lúc bấy giờ suy nghĩ, đi tìm nguồn nước cho người dân. Kế hoạch được vạch ra và họ cùng âm thầm chuẩn bị hành trình vào hang Mó linh thiêng để mong tìm được nguồn nước cho dân làng. Sau có thêm ông Vi Văn Phát (SN 1934), ông La Văn Mỹ (SN 1925) và ông Vi Văn Hiếu (SN 1943) cũng xin gia nhập cùng lên đường vào hang Mó.
Bia đá ghi nhận công lao của năm thanh niên làng trong hành trình vào hang tìm nước.
Cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy
Chuyến đi bí mật và họ xác định có thể sẽ không bao giờ trở lại nữa vì hang nước ấy chưa một người dám đặt chân đến. Dụng cụ mà các ông mang theo là dao đi rừng, đèn pin và một ít lương thực.
Ông La Văn Minh nhớ lại: "Năm người chúng tôi đặt chân đến khu vực hang Mó và đền Mó Nhét trong lòng ai cũng thấy sợ hãi. Nhưng nếu khi đó mà dừng lại thì lấy đâu ra nước cho dân canh tác, mùa màng lại mất trắng". Vượt qua khối đá ở cửa hang, do ông Hậu và ông Mỹ là cao tuổi nhất trong đoàn nên mọi người nhất trí để hai ông ở ngoài. Nếu ba ngày sau không thấy ba người trở ra thì hai ông có nhiệm vụ về báo với gia đình và dân làng để tổ chức mai táng cho cả ba ông.
Thống nhất xong, ba người còn lại gồm ông Minh, ông Hiếu và ông Phát lên đường. Ông Minh cho biết: "Dù đã vào trong hang nhưng nỗi sợ hãi vẫn bao trùm lấy ba chúng tôi. Để an toàn và đề phòng nếu có chuyện gì xảy ra chúng tôi đành bá vai nhau đi hàng ngang. Hang Mó dài lắm, nó phải băng qua ba quả núi, dài độ trên 10km. Trong hang có nơi rộng thênh thang, đến cả ô tô cũng chạy được, nhưng có nơi lại phải len lỏi qua từng vách đá mới đi nổi".
Một ngày trôi qua, ba ông mới đi hết chiều dài của hang Mó. Sau khi đi đến điểm cuối cùng, các ông phát hiện ra hang Mó có hai ngả lên và xuống. Điểm cuối của hang có một lỗ thủng to hơn cái giếng làng và chảy theo hình xoắn ốc, đá tai mèo nhọn hoắt đâm tua tủa. Đoán biết, lỗ thủng đó có khả năng là nguyên nhân làm cạn dòng nước, ba ông nhanh chóng tìm đường quay lại cửa hang để bàn cách giải quyết.
Mò mẫm mãi, cuối cùng ba ông cũng ra được chỗ hai người kia đợi. Vừa thấy ba ông, ông Hậu và ông Mỹ mừng đến chảy cả nước mắt. Họ không thể tin được, đã hơn một ngày trôi qua mà ba ông vẫn trở về bình yên được như thế. Niềm vui sướng khiến cả năm người ôm lấy nhau mà khóc. Sau đó, họ cùng trở lại một lần nữa để nghiên cứu cách thức bít lỗ hổng ở cuối hang, không cho nước chảy vào đó. Trở về, các ông kể lại hành trình vào hang Mó và lý giải nguyên nhân vì sao nước không chảy ngược trở ra được.
Để thuyết phục dân làng, năm ông lại liều mình trở lại hang cùng một số thanh niên trong bản. Lần này họ mang theo rơm, giẻ rách, ống bương. Đường đi vất vả lại phải len lỏi qua nhiều chỗ đá trơn trượt khiến đôi chân các ông tóe máu đau đớn. Nhưng sự thôi thúc về nguồn nước cho người dân như tiếp thêm sức mạnh. Hơn một ngày sau, số rơm rạ mới được đưa vào đầy đủ.
Ông Minh hồi tưởng: "Khi đó, bít cửa giếng thì dễ nhưng rồi khi cái lỗ đó bị lấp lại, nước sẽ trào ra ngoài nếu không nhanh chân thì sẽ mất mạng như chơi. Tính đi tính lại, cuối cùng chúng tôi thống nhất, sẽ kết toàn bộ rơm và giẻ rách cũng như ống bương cẩn thận. Sau đó sẽ lấp lỗ hổng một cách nhanh nhất rồi mấy người cùng chạy nhanh ra khỏi hang".
Nghĩ là làm. Khi khối rơm rạ vừa lấp xuống, nước dồn ứ lại và chảy ra ngoài nhanh chóng. Đoàn người nhanh chân chạy thoát. Khi họ vừa nhìn thấy ánh sáng cũng là lúc nước trong hang tuôn ngược ra ào ào. Chỉ một lúc, nước đã lênh láng khắp đồng ruộng đang mùa nứt nẻ. Đến lúc này, dân làng mới tin và tôn các ông là những người hùng.
Hơn 40 ha đất của người dân Thái Minh được tưới tiêu bằng nguồn nước ở Mó Nhét.
Phần thưởng cho những người hùng
Khi ấy, việc khám phá ra hang nước cung cấp nước cho diện tích đất đai rộng lớn được xem là kỳ tích. Vào năm 1965, trong cuộc bầu chọn anh hùng lao động của 6 huyện miền núi Nghệ An, ông Lương Văn Hậu, người khởi xướng việc ra đi tìm nước cho dân làng được suy tôn anh hùng lao động.
Ông Minh cho biết: "Đợt đó, người ta đánh giá cao việc chúng tôi vào hang tìm nước. Sau khi tiến hành kiểm tra tại hang Mó, đoàn đại biểu đã quyết định phong tặng danh hiệu anh lao động cho một trong hai người chúng tôi. Xét thấy, người có ý kiến khởi xướng là ông Hậu nên chúng tôi đồng thuận trong việc đề xuất phong tặng danh hiệu anh hùng lao động cho ông Hậu".
Dù không được nhận danh hiệu anh hùng lao động nhưng ông La Văn Minh đã được dân bản lấy tên của ông để đặt cho bản và hiện nay là bản Thái Minh (hay làng Thái Minh). Và cánh đồng rộng hơn 40 ha trù phú cũng được mang tên ông Minh. Ngày nay, người dân gọi đó là cánh đồng Thái Minh (hay đồng ông Minh).
Trong năm người vào hang tìm nước, giờ chỉ duy nhất ông Minh còn sống. Ông chia sẻ: "Giờ nghĩ lại thấy hồi đó mấy anh em liều lĩnh thật. Nhưng cũng vì sự liều lĩnh đó mà dân bản có được cuộc sống ấm no, chúng tôi cũng thấy nó thật ý nghĩa".
Hiện nay, ngôi đền Mó Nhét chỉ còn lại phế tích, nhưng hang Mó vẫn còn đó, năm này qua năm khác nó vẫn cung cấp nước cho người dân sản xuất. Những phiến đá rêu phong trước cửa hang cùng với cây cối um tùm càng làm cho hang Mó trở nên huyền bí.
Ông Lương Đình Nguyễn - Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ và cũng là con trai của ông Lương Đình Hậu cho biết: "Câu chuyện về hang Mó Nhét quả thực là một kho lịch sử lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi tự hào về thành quả mà cha ông mình đã làm được. Hiện nay, chính quyền xã cũng đang có chủ trương phát triển hang Mó Nhét thành một điểm du lịch sinh thái đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái".
Câu chuyện kỳ bí về hang Mó cũng như sự tồn tại một thời của ngôi đền Mó Nhét linh thiêng đã trở thành nét văn hóa trong tâm linh của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Giờ đây, bất cứ du khách nào muốn nghe câu chuyện về hành trình bí mật ra đi tìm nguồn nước của năm thanh niên làng ngày đó, sẽ được bà con trong làng nhiệt tình kể lại đầy tự hào.
Kim Thoa