Bán bò để mua thuyền đưa học sinh đến trường
Từ nhiều năm nay, nhắc đến cô giáo Quách Thị Bích Nụ (SN 1987), người dân trong xã Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) không ai không biết đến hình ảnh một chuyến đò đưa học sinh đi tìm con chữ, bất kể nắng mưa.
Xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng) vốn là vùng đặc biệt khó khăn, với phần đa là dân tộc thiểu số. Học sinh ở đây mỗi ngày, đều phải đi thuyền 3 cây số trên dòng sông Đà xanh ngắt, rồi đi bộ cũng gần chừng đó quãng đường mới đến được lớp học.
Nhiều lần nhìn những dòng nước xiết ngăn bước chân trẻ em đến trường, cô giáo Quách Thị Bích Nụ đã hạ quyết tâm, sẽ giúp những học sinh hiếu học ấy đến lớp mỗi ngày.
Cô giáo Nụ là người dân tộc Mường, cô sinh ra và lớn lên tại xóm Nhạp. Giấc mơ trở thành giáo viên “gieo” chữ của cô đã được bắt đầu ngay từ những ngày còn rất nhỏ.
Năm 2005, tốt nghiệp THPT và viết đơn tình nguyện xin làm hợp đồng cho một trường mầm non xa xôi, khó khăn nhất của huyện Đà Bắc, chính là trường mầm non Đồng Ruộng ở xóm Nhạp. Điểm trường chỉ cách nhà bố mẹ đẻ vài cây số và cô có thể đi bộ đến trường.
“Tuy nhiên, nhiều em học sinh bên kia suối Nhạp không được may mắn như tôi, các em phải có bố mẹ chèo thuyền chở đến trường, nhưng bố mẹ cũng có những hôm bận rộn, nếu cứ để như vậy, việc học của các em sẽ bị gián đoạn. Vì thế, tôi muốn giúp gia đình các em”, cô Nụ chia sẻ.
Cứ thế, mỗi ngày cô vừa quán xuyến công việc chăm trẻ, vừa tình nguyện chèo đò, đưa học sinh xóm Nhạp đi tìm tri thức.
Thời điểm ban đầu, cô Nụ kiếm tre ghép thành chiếc bè, rồi trộn xi măng trát lên trên để làm phương tiện. Chiếc bè bồng bềnh trên sông nước, tuy đơn sơ nhưng “sóng cả” cũng không thể “làm ngã tay chèo”.
Ấy vậy, vào những ngày mưa to gió lớn, sóng nước dập dềnh, cô giáo trẻ vừa chèo bè vừa mang nỗi lo canh cánh bên mình: “Những hôm trời mưa rét, các em được bố mẹ đưa đến bến đò, khoác trên mình những bộ quần áo mưa thùng thình. Lúc đi trên sông, các em co ro trong giá lạnh, nhưng chẳng một chút lo sợ trước sóng lớn, mà còn đọc thơ cô dạy: “Sóng nâng thuyền lao hối hả/Lưới tung tròn khoang đầy cá/Gió lên rồi cánh buồm ơi…”
Trong lúc mấy đứa trẻ vô tư vậy, tôi lại vô cùng lo lắng, hồi hộp, chỉ mong chèo thật nhanh qua bên kia sông. Chiếc bè cập vào bờ cũng là lúc tôi mới có thể an tâm”.
Đến năm 2007, cô Nụ lập gia đình và được bố mẹ cho của hồi môn là một cặp bò để lấy vốn làm ăn. Sau đó khoảng 4 năm, chiếc bè chở học sinh đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, trong khi số lượng học sinh mỗi năm lại tăng thêm, nên cô Nụ bàn với gia đình, bán đôi bò lấy tiền sắm thuyền.
Sau khi bán được đôi bò với giá 15 triệu đồng, vợ chồng cô bỏ tiền túi góp thêm 1 triệu đồng, rồi lên trung tâm huyện để nhờ thợ đóng cho chiếc thuyền có gắn động cơ.
Ròng rã suốt 17 năm qua, cô Nụ nhớ rõ bao nhiêu chiếc thuyền phải thay nhưng cô không nhớ nổi bản thân đã đưa bao nhiêu học trò đến trường. “Tôi luôn coi những đứa trẻ ấy như người thân, và chúng cũng vậy”, cô giáo Nụ tâm sự.
Kỷ niệm khó quên và động lực giữ lửa nghề
Khi được hỏi lý do dành cả thanh xuân để gắn bó với điểm trường xa xôi hẻo lánh, nữ giáo viên chỉ mỉm cười hiền hậu: “Nhìn những đôi mắt thơ ngây hiếu học của lũ trẻ, thôi thương lắm, nên càng vất vả, tôi càng quyết tâm gắn bó”.
“Vào một buổi chiều mưa bão năm 2017, khi học sinh chuẩn bị xuống thuyền để cô đưa về thì bất ngờ trời mưa nặng hạt hơn, gió rất to và sóng nước dữ dội. Nghe tin có một nhóm học sinh xuống thuyền trước, tôi lo lắng, không dám để chúng một mình, vội quơ lấy chiếc mũ đội vào đầu rồi chạy như bay xuống bến thuyền.
Trước mắt tôi, hình ảnh các em học sinh ướt sũng, lạnh run lên, sách vở cũng ướt nhẹp vì mái che của thuyền không kiên cố. Giây phút ấy, tôi thực sự phải cố gắng lắm mới có thể ngăn mình không khóc, vội vã đưa các con quay lại trường trú tạm qua cơn mưa”, cô nhớ lại.
Nhắc đến kỷ niệm khó quên, cô Nụ cho biết: “Đối với tôi, đặc biệt nhất là vào trận lũ lịch sử vào năm 2017, khi trường học bị vùi lấp, cô trò phải học tạm bợ ở lán trại được dựng trong rừng. Đó là quãng thời gian suốt gần một năm, lớp học của cô Nụ và những đứa trẻ phải hoạt động trong điều kiện bật đèn pin, thắp nến... May mắn, sau khi trận lũ đi qua, địa phương đã đầu tư kịp thời, giúp cho cô trò có nơi học tập mới tốt hơn”.
Ngừng một lát, nữ giáo viên không ngần ngại giãi bày: “Với những giáo viên vùng khó như chúng tôi, chẳng bao giờ nhận được những món quà về vật chất, nhưng lại luôn ngập tràn trong những niềm vui tinh thần. Không cần một bó hoa, hay một bức tâm thư mùi mẫn nào, mỗi khi những học sinh từng được tôi đưa đón đi học, nhận được những tấm bằng khen, giấy chứng nhận nào, là đều tíu tít khoe ngay với cô Nụ. Đó là niềm tự hào của tôi. Niềm vui lớn nhất là chứng kiến các học sinh đi học hàng ngày, về nhà khỏe mạnh, cuối ngày lái thuyền đưa các em về nhà nhìn tụi nhỏ ê a học bài, hỏi bài nhau rồi cười hồn nhiên, mọi mệt mỏi dường như tan biến”.
Ước mong lớn nhất của cô Nụ là có được con đường liên xã để cô trò không cần lênh đênh trên mặt nước mà vẫn có thể đến trường mỗi ngày.
“Suốt bao năm sắm vai người đưa đò, chỉ cần một hôm tôi mệt hay đau ốm gì, nghĩ đến việc học của các em học sinh sẽ bị gián đoạn, tôi lại xót xa, cố gắng uống thuốc, điều trị thật tích cực để sớm khỏe và có thể tiếp tục đưa các em đến trường.
Hay như mới đây, khi tôi vô tình tiếp xúc với F0 và phải tự cách ly y tế tại nhà, trong suốt một tuần ròng, tôi không đưa đò, các em cũng đành phải nghỉ học ở nhà. Tôi thương lắm, chỉ mong sớm hết thời gian cách ly để lại được đưa đò. Bên cạnh đó, tôi cũng liên hệ với thầy cô của các học sinh, nhờ chia sẻ bài vở để các em không bị bỏ lỡ bài học nào”, cô bộc bạch.
Hiện tại, trường mầm non Đồng Ruộng được chuyển về xóm Hạ, nhà trường có 18 giáo viên, 147 học sinh từ 15 tháng tuổi đến 6 tuổi ở 4 điểm trường. Cô Nụ ngoài đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng, còn là Bí thư chi bộ và Chủ tịch công đoàn.
Vậy là, không chỉ là “người lái đò” chở con thuyền tri thức, đưa học sinh cập bến tương lai theo nghĩa bóng, mà cô giáo Nụ còn là “người lái đò sông Đà”, đưa học sinh đến lớp, đến trường theo đúng nghĩa đen.
Tuệ Nhi