Đi dọc con sông Kim Ngưu thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi mới hỏi được đường dẫn đến nghĩa trang Hợp Thiện - nơi được cho là một bể xương khổng lồ nằm giữa thủ đô - dấu tích về nạn đói năm 1945.
Nghĩa trang nằm trong hẻm hun hút của con ngõ 559 Kim Ngưu và lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng. Muốn vào trong nghĩa trang, chúng tôi liên hệ với người quản trang theo số điện thoại được ghi ở ngoài cổng.
Trong thời gian chờ đợi người quản trang đến và mở cửa, chúng tôi đọc được bài tế của giáo sư Vũ Khiêu: “Có cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất”. Vừa đọc xong thi người quản trang xuất hiện và dẫn chúng tôi vào thắp hương tưởng nhớ đến những nạn nhân trong nạn đói năm Ất Dậu.
Sau khi thắp hương, ông Đặng Văn Tuyến (69 tuổi) kể cho chúng tôi nghe về những thăng trầm, biến đổi của ngôi mộ tập thể, nơi an nghỉ của hàng chục nghìn sinh linh trong nạn đói năm 1945.
“Tôi trông nom ở đây đến nay đã được 15 năm. Thế nhưng, tôi hay bất cứ ai cũng không thể biết chính xác trong ngôi mộ tập thể kia có bao nhiêu người chết. Tôi chỉ biết rằng có hàng nghìn người chết không được chôn cất đàng hoàng, không bia mộ được mang về đây mai táng trong một nấm mồ chung”, ông Tuyến nói.
Theo ông Tuyến, bể mộ sâu 4m và rộng gần 40m2. Phần trên bể mộ có bức tường xây dựng lần đầu năm 1951. Bể chứa ấy được ốp gạch hoa, bên trên bày hai hàng chậu cảnh. Phần nổi của bể chứa nằm trên mặt đất xếp đầy tiểu sành, còn phần chìm sâu dưới lòng đất sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu chính ông cũng không biết.
“Trước đây, khu mộ tập thể này khá rộng, hoang vắng. Bắt đầu từ năm 2000, quá trình đô thị hóa đã dần khiến nơi này ngày một thu hẹp, giờ chỉ còn rộng 158m2. Không những vậy, khu mộ tập thể này còn suýt bị rơi vào quên lãng, nếu như năm 2001 không có sinh viên về làm đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944-1945”. Sau đó, vào tháng 9/2003, UBND TP.Hà Nội quyết định đầu tư cải tạo, xây dựng rào bao quanh. Trong đó, bể xương chứa hàng vạn hài cốt của đồng bào nằm ở chính giữa.
Đến khoảng 2006, do ảnh hưởng của đô thị hóa, người dân ngày một lấn dần đến bể xương, nhà cửa mọc lên như nấm. Dưới nền móng của một số ngôi nhà ở đây vẫn còn hài cốt. Năm 2013, nơi đây được tôn tạo lần 2, ốp gạch hoa bên trên và sắm hai hàng cây cảnh nhỏ đặt bên trên bể chứa. Hiện nay, khuôn viên trong nghĩa trang dù nhỏ hẹp nhưng luôn sạch sẽ”, ông Tuyến nói.
Nhà ông Tuyến ngay gần khu mộ tập thể nên khi về hưu, ông Tuyến tự nguyện tới nghĩa trang Hợp Thiện, nơi chôn cất những đồng bào chết vì bom, đạn của phát xít Nhật và nạn đói 1944-1945, chăm sóc.
Khi hỏi duyên cớ gì khiến ông quyết định nhận làm công việc đó, ông Tuyến cười nói: “Đây là việc tâm linh xuất phát từ lòng cảm thương đồng bào. Tôi biết đến ngôi mộ tập thể từ lâu thế nhưng mãi tới năm 2005 sau khi đã nghỉ hưu tôi mới chính thức gắn bó với nơi này. Từ đó tới nay, đều đặn mỗi sáng, tôi đều tới mở cửa, dọn dẹp khuôn viên Khu tưởng niệm, ngày rằm, mồng 1, lễ tết… nhang khói cho người đã khuất.
Lúc mới trông coi khu tưởng niệm, nhiều người cho rằng tôi dở hơi, thích làm việc không đâu. Có người còn bảo tôi về hưu không ở nhà hưởng tuổi già bên con cháu mà đi lo chuyện bao đồng. Tôi bỏ ngoài tai, kệ người ta nói gì thì nói. Việc tôi làm là xuất phát từ cái tâm nên cứ kệ người đời nói nhỏ nói to”.
15 năm làm công việc trông coi khu tưởng niệm đặc biệt này, ông Tuyến đã đón hàng nghìn đoàn khách từ khắp nơi đến. Thế nên, ông biết, trong ký ức người Việt Nam, nạn đói năm Ất Dậu vẫn là một cơn ác mộng, nỗi nhức nhối khó quên. Thảm họa ấy bắt đầu từ tháng 10/1944 kéo dài đến giữa năm 1945. Nạn đói đã “càn quét” qua 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, từ Quảng Trị trở ra. Trọng điểm là các tỉnh đồng bằng, nơi dân số tập trung đông, có nhiều ruộng như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa…
Nghĩa trang Hợp Thiện không chỉ đón những vị khách ở các tỉnh thành trong nước mà còn đón những vị khách đến từ Nhật Bản. Ông Tuyến kể: “Tôi cất giữ cuốn sách lưu giữ những dòng lưu bút của các vị khách người Nhật khi đến khu tưởng niệm”.
Cùng với những cuộc viếng thăm của các vị khách Nhật Bản, hằng năm vào dịp rằm tháng 7, các tăng ni phật tử từ khắp nơi đến đây để cầu siêu cho các vong linh của nạn đói năm 1944-1945.
Hiện nay, trong khu nhà của khu tưởng niệm còn treo những hình ảnh quy tập xương cốt đồng bào do cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh ghi lại. Bức ảnh chụp lại cảnh tập kết hài cốt đem chôn tại khu tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói.
Có thể nói, khu nghĩa trang Hợp Thiện là một chứng tích lịch sử đặc biệt về một thời kỳ bi thương của dân tộc ta.
Phong Linh - Hữu Thắng