Chuyển nhà sang HoSE, “gà đẻ trứng vàng” của Masan có gì trong tay?

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 6, 21/02/2025 08:00

Nắm trong tay loạt thương hiệu lớn như Chinsu, Omachi..., Masan Consumer đã duy trì đà tăng trưởng ổn định kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay.

Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UPCoM: MCH) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về tiêu dùng nhanh qua việc sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm, bao gồm: Chinsu, mì ăn liền Omachi, Kokomi, Nam Ngư và nước tăng lực 247.

Masan Consumer là công ty con của Masan Consumer Holdings - thành viên của Tập đoàn Masan (Masan Group Corporation), hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và phân phối một loạt các sản phẩm thực phẩm nhanh, bao gồm gia vị, mì ăn liền, cà phê hòa tan, ngũ cốc ăn liền, và đồ uống đóng chai. Masan Consumer cũng được ví như "gà đẻ trứng vàng" của Tập đoàn Masan với tỉ lệ đóng góp lớn vào cơ cấu lợi nhuận của công ty.

Vốn điều lệ "lớn nhanh như thổi" 

Masan khởi đầu lĩnh vực thực phẩm vào năm 1996 khi thành lập CTCP Công nghệ - Kỹ nghệ - Thương mại Việt Tiến, chuyên về gia vị. Đến năm 2000, Công ty Cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Minh Việt, được thành lập chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu.

Năm 2023, Công ty Cổ phần Công nghiệp - Kỹ nghệ - Thương mại Việt Tiến sáp nhập vào Công ty Cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Minh Việt, sau đó Công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Công nghiệp - Thương mại Ma San với tổng vốn điều lệ là 28,5 tỷ đồng.

Chỉ trong vòng 5 năm sau đó, vốn điều lệ của công ty đã tăng gấp hơn 22 lần lên 630 tỷ đồng vào năm 2009. Đây cũng chính là năm công ty bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh gia vị và sản xuất hương liệu (trừ sản xuất hóa chất cơ bản).

Năm 2011, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng Tiêu dùng Ma San, vốn điều lệ cũng cán mốc 2.500 tỷ đồng. Giai đoạn sau đó, không chỉ liên tục mở rộng quy mô vốn điều lệ mà công ty đã bắt đầu thực hiện loạt các thương vụ M&A. Trong đó điển hình là thương vụ mua 98,49% cổ phần của Vinacafé Biên Hòa; 84,23% Nước khoáng Vĩnh Hảo; 32,84% Thực phẩm Cholimex; 99,99% cổ phần Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn; 65% cổ phần Công ty Cổ phần Nước khoáng Quảng Ninh….

Năm 2015, công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Hai năm sau, công ty chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mức giá tham chiếu là 90.000 đồng/cổ phiếu. Tại phiên giao dịch ngày 20/2/2025, cổ phiếu MCH có giá 152.000 đồng/cổ phiếu, tăng 68% so với số tham chiếu ngày đầu giao dịch, đưa vốn hóa công ty lên mức 110.145 tỷ đồng.

Chuyển nhà sang HoSE, “gà đẻ trứng vàng” của Masan có gì trong tay?- Ảnh 1.

Diễn biến thị giá cổ phiếu MCH.

Sau hơn 8 năm trên sàn HoSE, mới đây, Masan Consumer đã trình cổ đông kế hoạch hủy giao dịch cổ phiếu MCH trên UPCoM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đồng thời đăng ký niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).

Kế hoạch niếm yết trên sàn HoSE vốn được cổ đông Masan Consumer thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Tới đầu tháng 10/2024, HĐQT MCH đã có nghị quyết, thông qua việc triển khai chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCOM sang niêm yết tại HoSE.

Bước ngoặt tăng trưởng sau niêm yết

Giai đoạn từ trước niêm yết, từ năm 2014-2017, tình hình kinh doanh của Masan Consumer khá bấp bênh về cả doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, năm 2017 lợi nhuận sau thuế đạt 2.245 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2014.

Tuy nhiên, sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán, tình hình kinh doanh của Masan Consumer liên tiếp có những bước tăng trưởng vượt bậc. Trong vòng 8 năm từ 2017, chưa năm nào lợi nhuận của công ty đi lùi, mặc dù doanh thu một vài năm vẫn có chút bấp bênh.

Cụ thể, năm 2024, Masan Consumer báo lãi 7.920 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2017. Doanh thu của công ty cũng chạm mốc kỷ lục 30.897 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm đầu tiên niêm yết.

Về tình hình tài chính công ty, tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Masan Consumer đạt 23.464 tỷ đồng, giảm 36% so với đầu năm. Trong đó, sụt giảm chính đến từ tài sản ngắn hạn. Cụ thể, công ty không còn ghi nhận khoản đầu tư trái phiếu trị giá 1.993 tỷ đồng như hồi đầu năm. Ngoài ra, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn của công ty cũng giảm từ 1.510 tỷ đồng đầu kỳ xuống còn 50,7 tỷ đồng vào cuối kỳ, tương đương giảm 96%.

Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty cũng giảm mạnh 91% xuống còn 1.174 tỷ đồng. Chỉ số hàng tồn kho của công ty tính đến cuối năm 2024 đạt 880 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.

Về phần nguồn vốn, tại ngày 31/12/2024, Masan Consumer ghi nhận nợ phải trả đạt 12.885 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn đạt 6.445 tỷ đồng, tăng 10%. Đáng nói, trong kỳ công ty trích lập hơn 1.764 tỷ đồng nợ dài hạn trong khi đầu năm không ghi nhận.

Theo báo cáo của công ty Chứng khoán SSI, Masan Consumer được xếp vào nhóm những doanh nghiệp tiêu dùng có tốc độ đổi mới sáng tạo nhanh nhất tại Việt Nam, với hơn 30 sản phẩm mới được ra mắt mỗi năm trong giai đoạn 2017-2023. MCH chỉ mất từ 4 đến 6 tháng để đưa sản phẩm từ kế hoạch đến tay người tiêu dùng, nhanh gấp đôi so với các tập đoàn đa quốc gia.

Nhờ vào chiến lược cao cấp hóa, thực thi các đổi mới, sáng tạo và Go Global, Masan Consumer không chỉ củng cố vị thế trên thị trường nội địa mà còn tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế. Đây là nền tảng vững chắc giúp Masan Consumer đạt mục tiêu doanh thu hai chữ số trong năm 2025.

Liên tiếp các vi phạm về thuế

Bên cạnh đà tăng trưởng mạnh mẽ, Masan Consumer cũng đối mặt với hàng loạt vi phạm hành chính về thuế trong thời gian qua. Mới đây nhất, vào cuối tháng 1/2025, Tổng cục Thuế đã kết luận công ty có hành vi khai sai thuế, bao gồm khai sai dẫn đến thiếu số tiền phải nộp và khai sai không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp. Đáng chú ý, doanh nghiệp còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng do vi phạm nhiều lần.

Trước những sai phạm trên, Masan Consumer bị xử phạt hành chính hơn 1 tỷ đồng, đồng thời buộc phải nộp bổ sung 5,1 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) còn thiếu trong giai đoạn 2020-2023.

Chuyển nhà sang HoSE, “gà đẻ trứng vàng” của Masan có gì trong tay?- Ảnh 2.

Nắm trong tay loạt thương hiệu lớn như Chinsu, Omachi..., Masan Consumer đã duy trì đà tăng trưởng ổn định kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay.

Ngoài ra, công ty phải đóng thêm 1,9 tỷ đồng tiền chậm nộp, tính đến ngày 31/12/2024, và có trách nhiệm tiếp tục tính toán, nộp số tiền chậm nộp phát sinh sau thời điểm này. Tổng cộng, Masan Consumer phải xử lý nghĩa vụ thuế lên tới hơn 8,1 tỷ đồng.

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên công ty vướng vào các vấn đề về thuế. Trước đó, vào tháng 1/2024, Masan Consumer bị phạt 3,1 tỷ đồng do nộp hồ sơ khai thuế chậm từ 1 đến 30 ngày. Tháng 11/2022, công ty tiếp tục bị xử phạt 4,8 tỷ đồng vì chưa kê khai thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khuyến mại không theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, Masan Consumer còn bị phát hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào không hợp lệ, hạch toán vào chi phí được trừ các khoản không đủ điều kiện theo quy định, cũng như tính sai giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Những vi phạm này đã dẫn đến số thuế GTGT, thuế TNDN và thuế thu nhập cá nhân bị thiếu, buộc công ty phải nộp bổ sung theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star
Tag: Masan

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.