Chùa Phnôđôn tọa lạc trên một vùng đất trống thuộc ấp Cây Gia, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Không ai nhớ chính xác cò về đây trú ngụ từ khi nào, chỉ biết hàng trăm năm trước hình ảnh cứ mỗi buổi chiều tà, hàng ngàn con chim cò đủ loại lại trở về với chùa Phnôđôn như một mái nhà của chúng. Cũng từ đó, cái tên chùa Cò đã trở nên gần gũi và thân quen hơn với người dân nơi đây.
Chim cò về chùa vào mỗi chiều
Đất lành chim đậu
Theo một số tài liệu, chùa Cò được xây dựng từ năm 1677, đến nay chùa đã trải qua 13 đời trụ trì. Chùa tọa lạc trong một khuôn viên gần 5 hecta, xung quanh chùa được bao bọc bởi những hàng tre, hàng dầu, sầu đâu và nhiều loại cây khác nữa, và đây chính là điểm lý tưởng cho những đàn chim, đàn cò về trú ngụ và sinh sôi nảy nở.
Trong 141 ngôi chùa của người Khmer ở Trà Vinh, chùa Cò là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất về lịch sử, cũng như về những giá trị văn hóa mà hàng trăm năm qua vẫn tiềm ẩn. Chùa Cò mang đậm nét kiến trúc đặc sắc của dân tộc Khmer. Điểm nổi bật nhất đập vào mắt du khách chính là toàn bộ tòa chánh điện được phủ một màu vàng óng, rực rỡ. Đặc sắc nhất phải kể đến những phần tháp nhọn trên đỉnh mái được trang trí hết sức cầu kỳ, đó là những hình ngọn núi Xôme, tượng thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kâyno và Mahaknot. Hàng rào bao quanh chánh điện là hàng trăm tượng Chằn cầm gậy, vẻ mặt hung dữ đứng xếp hàng tạo thành một hàng rào như để bảo vệ chùa. Mặt trước và mặt sau chánh điện, được trang trí bằng những chậu hoa sứ hàng ngày được các sư chăm sóc cẩn thận nên luôn nở hoa rực rỡ.
Mỗi khi chiều về, những hàng cây bao bọc quanh chùa đâu đâu cũng thấy chim, cò về đậu. Chúng gọi nhau inh ỏi làm náo động cả một vùng. Đại đức Pháp Tấn, trụ trì của chùa Cò cho biết mặc dù ông đến chùa tu hành đã được hơn 30 năm nhưng vẫn không biết đàn cò này có tự bao giờ, những vị trụ trì đời trước cho biết từ bé đã thấy hàng ngàn con chim, cò đủ loại về đây sinh sống rồi. Và cứ thế, hàng trăm năm qua, số lượng chim, cò ngày lại càng tăng lên.
Trụ trì Pháp Tấn cho biết, ở đây số lượng nhiều nhất là các loại cò và còng cọc. Cò thì có nhiều loại như cò xám, cò quắm, cò mỏ vàng, cò mỏ đen, cò đầu đỏ, tiếp đến là còng cọc, vạc. Ngoài ra, một số loại chim khác như, chim sẻ, chim cu, bồ câu cũng về đây làm tổ. Những loài chim này tuy khác loài nhưng chung sống rất hòa bình, không tranh dành lãnh địa của nhau. Nếu những giống cò chọn những bụi tre, những hàng dầu ở phía ngoài chùa làm nơi trú ngụ, thì những hàng sầu đâu gần chánh điện là địa bàn của những bầy còng cọc. Những bầy chim cu thì chọn nơi cao nhất trên những nóc chánh điện để làm tổ. Trong khi đó, những cặp chim bồ câu lại làm tổ ở những hốc nhỏ trên cổng chùa.
Mỗi buổi chiều, khi các sư bắt đầu xách những thùng nước tưới cho những vườn hoa, chậu cảnh trong chùa thì cũng là lúc trên bầu trời chùa Cò, những cánh chim bắt đầu gọi nhau về tổ. Những tiếng kêu quang quác của hàng chục ngàn con chim không làm giảm đi sự trang nghiêm vốn có của chùa mà ngược lại hình ảnh đàn chim về tổ lại càng tạo nên sự sinh động, trù phú. Trụ trì Pháp Tấn khẳng định: "Đất có lành thì chim mới đậu. Chùa là nơi linh thiêng và an toàn nên dù là chim chóc nhưng chúng vẫn cảm nhận được đâu là nơi thích hợp để trú ngụ và sinh sôi nảy nở".
Chùa Phnôđôn
Tâm huyết của một nhà sư
Đàn chim, cò ở chùa Cò ngày càng sinh sôi nảy nở, số lượng mỗi năm tăng lên đáng kể. Trụ trì Pháp Tấn đã cùng các sư sãi trong chùa ra sức cải tạo môi trường trong chùa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những đàn chim trú ngụ. Cách đây vài năm, Đại đức Pháp Tấn đã bỏ công sức và tiền bạc của chùa để đào những ao nước bao quanh chùa, ngay dưới những hàng cây mà chim cò sinh sống. Sau khi cùng sư sãi và bà con trong vùng đào xong ao, ông cho thả xuống ao hàng trăm ký con giống cá rô phi với mục đích làm thức ăn cho cò, còng cọc, vạc. Trụ trì Pháp Tấn cho biết, sở dĩ ông chọn giống cá rô phi vì đây là loại cá sinh sản rất nhanh và ít mắc bệnh. Với số lượng cá trong những ao quanh chùa nếu bây giờ thu hoạch phải lên đến hàng tấn cá.
Khi những con sông ngày càng ít cá thì việc kiếm ăn đối với chúng là điều rất khó khăn. Có những trường hợp những con cò mẹ đi ăn xa, nhiều lúc mắc phải lưỡi câu, hoặc bị người dân bắt, vậy là không về được nữa, bỏ những con cò con lại côi cút trong tổ. Đến khi chúng đói quá mà không thấy mẹ về, chúng bò ra khỏi tổ và rơi xuống đất. Đó là những lúc trụ trì cùng các nhà sư trong chùa phải làm thay nhiệm vụ của cò mẹ, chăm sóc và cho chúng ăn hằng ngày, chờ đến khi lớn mới thả chúng về đàn. Sau nhiều đêm trăn trở và suy tính, trụ trì Pháp Tấn đã quyết định đào ao thả cá để nuôi cò, để tránh một số trường hợp cò, vạc phải đi ăn xa rồi không trở về được.
Nhưng đó chỉ mới là cái ăn, còn về chỗ ở cho chim, cò phải làm sao cho chúng thấy thoải mái và an toàn nhất. Giống cò là loại rất ưa phá phách, những nơi chúng sinh sống, với số lượng cò, vạc khổng lồ như vậy những thân cây dù to lớn, lâu năm cũng không chịu nổi sự tàn phá của cò. Mỗi cây trong chùa đều có từ hàng trăm đến hàng ngàn con cò sinh sống, và những cành lá đều bị chúng vặt trụi để làm tổ, từ năm này qua năm khác những thân cây không chịu nổi và chết dần. Vậy là mỗi khi có một cây ngã xuống, trụ trì chùa Cò lại trồng lên cạnh đó những cây mới để làm nơi trú ngụ cho cò. Ngày nào cũng đích thân trụ trì Pháp Tấn đi kiểm tra xung quanh vườn cò, để phát hiện những chú cò con lạc mẹ, hay những thân cây có dấu hiệu sắp chết để kịp thời xử lý.
Cho đến bây giờ, nhìn những hàng cây xanh tươi, um tùm quanh chùa, trụ trì Pháp Tấn không giấu được niềm hạnh phúc, đặc biệt khi đàn cò đã có nơi trú ngụ an toàn và nguồn thức ăn dồi dào có sẵn trong chùa. Đây chính là những việc làm quan trọng nhất, góp phần bảo vệ và nuôi dưỡng đàn cò ở đây.
Đại đức Pháp Tấn, trụ trì chùa Cò
Trụ trì Pháp Tấn tự hào: "Những loài chim, loài cò ở đây mến các sư trong chùa lắm. Với người lạ nếu thấy động thì chúng bay đi tán loạn, nhưng đối với các sư chúng dường như đã quen với màu áo, với thái độ của các sư trong chùa nên chúng rất dạn, không hề tỏ vẻ sợ hãi chút nào. Có lẽ, chúng nghĩ đã vào đến đây là ổn, là an toàn rồi".
Ông còn cho biết thêm, những bầy cò, còng cọc ở đây rất khôn, chúng chỉ đậu ở những cây nằm cách xa đường làng, gần hẳn trong khuôn viên chùa. Dù diện tích có chật hẹp hơn nữa thì chúng vẫn chen chúc ở đây, không dám đậu xa ở ngoài vì sợ người dân ở đây bắt. Người dân ở xung quanh chùa cũng rất có ý thức bảo vệ đàn chim cho chùa, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp cò hay còng cọc bị bắt để trở thành mồi ngon cho những tay bợm nhậu trong vùng.
Đối với trụ trì Pháp Tấn, niềm vui nho nhỏ sau mỗi cuối ngày trau dồi kinh phật căng thẳng là được nhìn ngắm và nghe những âm thanh của những đàn chim gọi nhau về tổ. Đó có lẽ cũng là niềm vui của các vị sư khác trong chùa cùng một số người dân sống lân cận khi hình ảnh những đàn chim, cò đã có trong tâm tưởng từ những ngày thơ bé. Âm thanh của chợ cò nhắc nhở con người rằng họ đang được hưởng một cuộc sống yên bình với một môi trường trong lành, hòa hợp với thiên nhiên. Và ở đây, luôn là vùng đất lành, một khi những đàn chim, đàn cò vẫn xem chùa Phnôđôn là ngôi nhà lớn, là nơi chúng trở về sau những mỗi ngày dài kiếm ăn vất vả.
Chùa Phnôđôn được khởi công xây dựng lại chánh điện từ ngày 2/5/2009 và hoàn thành vào giữa năm 2012, do đại gia Trà Vinh là ông Trầm Bê cúng dường xây dựng. Ngoài là một nơi tâm linh Phật giáo, chùa Phnôđôn còn là trường Bali trung cấp Phật giáo, mỗi năm trường nhận hàng trăm học viên đến học và tu dưỡng đạo đức. Chùa Phnôđôn hiện còn lưu giữ hàng trăm tượng phật lớn nhỏ, được bàn tay nghệ nhân của những người Khmer xưa tạo nên. Những tượng phật này được điêu khắc công phu từ những tảng đá trên núi nên rất nặng. Ngoài ra, trụ trì Pháp Tấn còn cho biết trong chùa vẫn còn đang giữ hơn 40 tượng Phật bằng vàng, tượng cao nhất khoảng hơn 20cm, nặng gần 1kg. Đây là những vật phẩm được bà con Khmer cúng dường đã được lưu giữ hàng trăm năm nay. |
Nguyên Việt - Đăng Văn