Trò chuyện với PV, chị Thanh Ngân (Hà Nội) kể, chị không gặp nhiều áp lực khi sinh con thứ 2, bởi ngay từ khi có kế hoạch sinh bé thứ 2, chị đã có sự chuẩn bị tâm lý cho bé đầu, tạo môi trường khiến bé luôn cảm thấy an toàn, được yêu thương và công bằng trong cách đối xử.
“Việc quan trọng nhất bố mẹ cần phải làm từng bước một đó là: Giúp con làm quen với việc có em, không có ác cảm với sự có mặt của em, yêu quý và gắn bó với em. Thực hiện từng bước một thôi, như vậy mới cho hiệu quả tốt. Nếu ngay từ đầu, bố mẹ đã đưa ra những nguyên tắc cho con lớn và bắt con phải thực hiện theo vô điều kiện.
Nếu không, đứa trẻ sẽ bị ấm ức và dù nỗi ấm ức này không thể hiện ra ngoài, nhưng nó sẽ tích tụ dần và gây ra những hậu quả đáng tiếc về sau. Thậm chí, có những anh, chị em trong một gia đình vẫn cay cú, thù ghét nhau ngay cả khi đã trưởng thành, lập gia đình”, chị Ngân cho biết.
Theo chia sẻ của chị Ngân, câu nói ám ảnh nhất đối với các bé là câu đùa kinh điển của người lớn: “Mẹ sinh em bé, cháu ra rìa rồi!”. Một câu trêu đùa tưởng chừng vô hại, nhưng hóa ra lại tai hại vô cùng! Chẳng có bất cứ một đứa trẻ nào thích bị bố mẹ cho ra rìa. Chẳng có bất cứ một đứa trẻ nào thích thú khi bố mẹ quan tâm, chăm sóc em nhiều hơn, yêu em nhiều hơn! Nếu người lớn cứ thường xuyên nhắc đi nhắc lại câu nói này trước khi mẹ chúng sinh em bé. Đứa trẻ ấy sẽ nảy sinh cảm xúc thù ghét em ngay khi em chưa ra đời.
“Tôi gặp trường hợp một số ông bố bà mẹ hay nói với con câu này: "Trước con bé, bố mẹ cũng yêu chiều con như em bây giờ. Giờ con lớn rồi. Con phải nhường em chứ?". Bạn nghĩ, đó là lý do chính đáng và thuyết phục nhất? Nhưng tin tôi đi, nó chẳng có ý nghĩa với con bạn đâu. Vì sao ư? Vì nó vốn chẳng còn nhớ được những gì đã diễn ra hồi nó còn bé. Cái nó quan tâm là những gì mắt thấy tai nghe!
Cha mẹ nên nhớ rằng, muốn con cái yêu thương, đoàn kết với nhau, điều kiện tiên quyết đầu tiên mà bố mẹ nên làm là đối xử công bằng với chúng. Không thể cứ là anh/chị thì phải chịu thiệt, còn là em thì được chiều chuộng, được nhường nhịn. Làm như vậy, tức là bố mẹ đang hại cả 2 đứa con mình. Một đứa luôn sống trong ấm ức nên trở nên cục cằn, một đứa vì được chiều chuộng, nhường nhịn nên trở thành ích kỷ”, chị Ngân trải lòng.
Chị Ngân nói thêm: “Tôi có một đứa cháu. Trong một lần nói chuyện hỏi han nó về vấn đề học tập và gia đình. Khi nói đến em, thái độ của nó tỏ ra vô cùng ấm ức. Nó bảo: "Nếu không có bố mẹ, cháu đánh chết em lâu rồi!". Tôi vô cùng bàng hoàng với suy nghĩ của 1 đứa trẻ 5 tuổi. Hỏi ra mới biết, từ khi có em, nó ít được ngủ cùng bố mẹ, toàn phải ngủ cùng ông bà. “Bố mẹ cháu lúc nào cũng bắt cháu phải nhường em vô điều kiện.
Nó giật tóc cháu, đánh cháu, cháu cũng không được đánh lại. Có lần, mẹ cháu còn bắt cháu ngồi im cho nó giật tóc chơi”, thằng bé ấm ức kể. Việc bố mẹ thằng bé đưa ra những quy định bắt buộc nó phải nhường nhịn em vô điều kiện mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào quả thực là rất sai lầm. Bởi điều đó đã khiến thằng bé bị tổn thương nghiêm trọng, sinh ra thù ghét em”.
Chị Ngân cũng lưu ý thêm rằng, tất cả các thành viên trong gia đình, từ ông, bà, bố, mẹ nên đồng nhất quan điểm giáo dục con cháu mình. Đừng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Bố mẹ dạy một đằng, ông bà nói nói kiểu, bé sẽ chẳng biết theo ai. Cuối cùng, mọi công sức dạy dỗ của ba mẹ sẽ bị đổ xuống sông xuống biển.
(Còn nữa)