Khi chủ quán kiêm đầu bếp và shipper
Cửa hàng phở nhà chị Lan nằm trên phố cổ Hàng Gà (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Quán nhỏ, chỉ đặt được một dãy bàn dài ốp vào tường và một dãy bàn đôi ở giữa lối đi. Ngày thường, khách đến ăn đông, quán chật chỗ sẽ phải dồn mọi người ngồi sát lại nhau để xếp được nhiều ghế hơn. Nhưng từ ngày có dịch Covid-19, mọi thứ đã thay đổi, quán thưa vắng dần... Chị Lan cho nhân viên nghỉ bớt, nhưng vẫn còn trụ được. Còn đợt này thì hoạt động kinh doanh “rệu rã” hẳn.
“Mọi người giờ rất ngại ngồi ăn uống ở chỗ công cộng. Ít khách thì không sao, ngồi đông chen chúc ai cũng sợ bị lây bệnh. Nhất là từ hôm có chỉ đạo hàng quán thực hiện giãn cách tối thiểu 1 mét, khách thường chờ nhau ăn xong đi ra thì mới vào chứ không ngồi chung bàn, người không đủ thời gian hoặc kiên nhẫn thì đi luôn”, chị Lan chia sẻ.
Những quán ăn “vấp” phải tình cảnh như chị Lan khá nhiều, khi mà nỗi sợ về sự lây truyền virus SARS-CoV-2 vẫn luôn thường trực, tỉ lệ thuận với con số ca nhiễm bệnh tăng lên mỗi ngày.
Chia sẻ với PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật, anh Hùng – chủ một chuỗi cửa hàng bánh mì có “trụ sở” chính ở phố Hàng Mắm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - say sưa kể về đam mê bán đồ ăn của mình.
“Ngày xưa, những năm 80 của thế kỷ trước, những hôm bố tôi chưa có lương thì cả nhà sẽ qua bữa “tằn tiện” bằng món bánh mì chấm mỡ lợn, thứ quý giá nhất trong chạn gỗ nhà tôi. Ký ức thời thơ dại gắn với hình ảnh chiếc bánh mì chấm mỡ lợn (mà khi ăn thường phải kèm “combo” tưởng tượng tới một lớp pate mềm mượt có lớp mỡ tan ra ngay trên đầu lưỡi từ phát cắn đầu tiên) sau này đã nâng đỡ ước mơ đưa bánh mì trở thành một nét ẩm thực phố cổ Hà Nội của tôi”, anh Hùng nói về ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Rồi anh bất giác như bị thực tại kéo ra khỏi ký ức đẹp khi tiếp tục chia sẻ với tôi về sự thưa vắng khách những ngày này. Không thể ngồi yên nhìn hàng ăn vắng khách, anh Hùng lập một fanpage chuyên vận chuyển bánh mì của mình để “bình thường mới” chứ không ngồi chờ đam mê bị phá sản. Là bởi: “Đam mê không chịu nổi, cái mùi bột mì quyện với men nở, tỏa ra một thứ hương thơm “không thể đóng khung” lúc những cục bột trắng được chạy qua miếng sắt mỏng rồi đưa vào lò…, tôi luôn tự nhắc mình khó khăn thế nào vẫn phải viết tiếp giấc mơ còn dang dở”, ông chủ 7x chia sẻ.
Chuyển sang bán hàng online cũng là cách chị Lan giúp quán phở của mình sống sót qua mùa dịch. Chị cắt cử riêng một nhân viên chăm sóc trang Facebook bán phở, chốt đơn hàng ngày. “Cũng may, khó khăn thế nào thì đến bữa cũng phải ăn”, chị vừa trò chuyện với tôi vừa nhanh tay chuẩn bị những suất phở giao cho cậu shipper (vận chuyển hàng hóa) đang chờ trước cửa, để kịp cho thực khách có một bữa trưa nóng sốt “tại chân công trình”.
Ông chủ chuỗi khách sạn, nhà hàng hai lần sạt nghiệp vì dịch bệnh
Anh Nguyễn Sỹ Duẩn - chủ doanh nghiệp khách sạn và nhà hàng Era tại 48 Mã Mây và 22 Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội) - có lẽ là một trong số những người có số phận “nghiệt ngã” nhất vì dịch bệnh khi mà cả hai trận dịch SARS (năm 2003) và Covid-19 (năm 2020) anh đều… lãnh đủ.
Vốn thuộc thế hệ 7x cẩn trọng, chín chắn, xuất thân từ cậu sinh viên phải đi làm thêm ở khách sạn để lấy tiền ăn học, anh mạnh dạn mở một khách sạn mini năm 2002 tại phố Lương Ngọc Quyến, con phố có nhiều khách du lịch nước ngoài lưu trú nhất lúc bấy giờ.
“Mình phải tự cứu mình thôi, tôi không dám trông chờ vào gói hỗ trợ của Chính phủ, có lẽ muốn nhận tiền hỗ trợ thì chỉ có cách chui vào tivi mà nhận” - Anh Nguyễn Sỹ Duẩn, chủ chuỗi khách sạn và nhà hàng Era (Hà Nội).
Công việc kinh doanh khách sạn vừa mới chớm thuận lợi được một năm thì dịch SARS bùng phát hồi tháng 4/2003 đã “cuốn trôi” tất cả, phải vài năm sau mới gượng dậy được hoàn toàn. Năm 2018, 2019, anh Duẩn cùng một vài cộng sự dốc toàn lực ra để đầu tư vào hệ thống 3 - 4 khách sạn và nhà hàng ở phố cổ với hi vọng năm 2020 là là một năm bùng nổ du lịch. Nhưng một lần nữa số phận lại thử thách anh, mọi dự định đã thay đổi hoàn toàn khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm nay.
“Dịch bệnh ập đến quá nhanh chỉ trong vài ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020. Khách du lịch hủy nhiều khiến doanh số của tôi giảm còn 50%, rồi về số 0, trong khi chúng tôi vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, lương nhân viên, lãi ngân hàng và các chi phí phát sinh khác. Tất cả khách sạn và nhà hàng đều phải đóng cửa khi có lệnh giãn cách xã hội. Khó khăn chồng chất khó khăn”, anh Duẩn nói với PV Người Đưa Tin pháp luật.
Sau những đêm mất ngủ khi lần lượt nhìn nhân viên phải giãn việc tạm về quê, ông chủ khách sạn quyết định sản xuất pizza làm sẵn và ship tận nhà cho khách hàng. May thay, lượng bánh bán ra cũng đủ việc làm cho 10 người trong thời điểm đó. Hoạt động cầm chừng như vậy đến khi lệnh giãn cách hết hiệu lực, anh Duẩn mở lại khách sạn để kinh doanh khách nghỉ giờ và bán thêm cả cà-phê, nước ép trái cây bên cạnh nhà hàng Era Restaurant.
“Nhưng đợt này thì chúng tôi thật sự đã kiệt sức. Giờ chỉ muốn hỏi ai đó một câu: Bao giờ thì chuyện này sẽ kết thúc?'', ông chủ 7x nói trong nỗi chán chường. Hỏi vậy nhưng nhìn cái cách anh hàng ngày lăn lộn từ trong bếp bánh ra nhà hàng, khách sạn, vừa chốt đơn, pha cà-phê, thậm chí trực tiếp đi ship hàng, tôi hiểu anh Duẩn bây giờ đang “cưỡi trên lưng hổ”, chi phí mỗi tháng hàng trăm triệu đồng và vài chục nhân viên nghỉ việc từ đợt dịch đầu năm đang ngóng việc, anh không còn cách nào khác là vẫn phải luôn chân luôn tay, làm những thứ khách hàng cần, những thứ bán được tiền. Anh bảo, đó là giải pháp “bình thường mới” duy nhất có thể áp dụng bây giờ.
Ánh sáng cuối đường hầm?
Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi bộ KH&ĐT để tổng hợp đề xuất trình Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ lần hai cho người dân bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Ước tính sơ bộ khả năng thực hiện gói hỗ trợ lần 2 khoảng 70 - 90 ngàn tỷ đồng, thời gian hỗ trợ từ tháng 9 đến tháng 12/2020, đối tượng được hưởng thụ cũng rộng hơn lần đầu.