Sinh tử dưới đáy sông sâu
Vác trên vai bộ đồ nghề đơn sơ là sọt và ống tre được nối với nhau bằng sợi thừng chắc, ông Nguyễn Văn Minh dẫn chúng tôi men theo lối nhỏ trong làng, cắt ngang con đê Ba Tổng nổi tiếng Bắc Giang một thời, ra nơi bến sông Thương.
Là đời thứ 6 trong gia đình theo nghề mò trai, từ lúc mới 9-10 tuổi, ông Nguyễn Văn Minh đã theo ông cha đi mưu sinh dưới làn nước. Công việc ở đây là ngụp lặn giữa dòng, bắt những con trai, con vầu sống dưới đáy sông về bán và trang trải cuộc sống nơi quê nghèo.
Ông Nguyễn Văn Minh diễn tả lại hành động mò trai dưới đáy sông.
Không có bất kỳ một phương tiện bảo hộ nào, nghề mò trai nơi đây đúng nghĩa là một nghề mưu sinh gian truân và đầy nguy hiểm, vốn chỉ dành cho những người gan góc, bản lĩnh.
Theo ông Minh, trước khi đi làm, thợ mò trai sẽ phải tính ngày con nước. Thời điểm bắt đầu mò trai thường là từ 9h sáng đến 3h chiều và kéo dài từ tháng Tư đến tháng Mười, đặc biệt mùa nước nổi tháng Tám vẫn mò bình thường, thậm c hí có những năm ông Minh làm đến tận sát những ngày rét của tháng Mười hai.
Trước khi xuống nước, ông Minh cho vào giỏ tre những viên đá lớn, những viên đá sẽ giúp người thợ lặn tiếp cận đáy sông nhanh hơn. Trai mò được bao nhiêu sẽ bỏ vào sọt rồi chodần những viên đá đó ra để giảm trọng lượng. Sau vài động tác khởi động, người đàn ông 46 tuổi này lao nhanh xuống làn nước và ngụp lặn. Mặt sông chỉ còn trơ lại mỗi ống tre đang lênh đênh.
Dưới đáy sông tối tăm, người thợ lặn phải tự mình xử lý những tình huống bất ngờ xảy đến. Miệng ngậm thừng kéo theo sọt, chân đạp nước để di chuyển, thân mình áp sát dưới lòng sông, mắt nhắm trong khi tay mò trai. Tất cả đều phải dựa vào cảm giác nhạy bén của cơ thể, chạm vào vật nào là có thể đoán đúng đồ vật đó, xác định đúng từng