Điều đặc biệt, hiện ngân hàng Mắt (bệnh viện Mắt Trung ương) đang vô cùng hạn chế do lượng hiến tặng còn quá ít khiến cho những người mắc loại bệnh này đang đứng trước nguy cơ mù vĩnh viễn. Và, trong họ vẫn đau đáu nỗi niềm sẽ tìm lại ánh sáng trong khoảng thời gian không xa?
Nỗi niềm chất đầy khi được tái sinh
Đến tận bây giờ chàng cựu sinh viên trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Lê Văn D., quê ở Thanh Hà, Hải Dương vẫn không thể hình dung cuộc đời của mình lại được tái sinh, bước sang một trang mới. Bởi, sau vận đen đến với mình và đứng trước nguy cơ bị mù vĩnh viễn thì D. đã may mắn được cho giác mạc. Cùng với sự tận tình giúp đỡ của tập thể y bác sỹ bệnh viện Mắt Trung ương, D. thấy được ánh sáng để theo đuổi con đường học hành và "giật" bằng cử nhân đại học như ngày hôm nay.
Một bệnh nhân vừa được phẫu thuật mắt.
Không giấu được sự xúc động, D. cho biết, khi đang theo học lớp 11 vào năm 2006 thì hai mắt của D. cứ mờ dần không rõ nguyên nhân. Mọi việc diễn ra tuần tự và chỉ thời gian rất ngắn sau đó là cả hai mắt của D. bỗng nhiên không nhìn thấy gì được nữa. Qúa hoảng hốt và lo lắng cho sức khoẻ của con nên bố mẹ D. đã vội vàng đưa con lên bệnh viện Mắt Trung ương thăm khám, điều trị mong con sớm lành bệnh. Thế nhưng, hy vọng bao nhiêu bỗng như gáo nước lạnh tạt vào mặt của các thành viên trong gia đình khi được các bác sỹ ở đây thông báo D. mắc phải chứng bệnh giác mạc hình chóp, nếu không được ghép giác mạc sẽ bị mù vĩnh viễn. Còn nước còn tát, sau khi được các y bác sỹ của bệnh viện tư vấn, bố mẹ của D. đã tức tốc làm thủ tục đăng ký ghép giác mạc rồi đưa con về nhà chờ đợi trong hy vọng. Mọi sinh hoạt hàng ngày, D. không thể tự mình lo mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của bố mẹ, anh chị em trong gia đình.
Thế rồi, niềm vui cuối cùng cũng tìm tới cậu thanh niên trẻ tuổi khi hơn một năm sau đó phía bệnh viện Mắt Trung ương thông báo, đã có người cho giác mạc. Niềm vui, sự hạnh phúc vô bờ bến bỗng oà đến khiến D. không thể quên được ngày đón nhận thông tin đó. Càng đặc biệt hơn, khi D. được ê kíp phẫu thuật viên thực hiện ca ghép giác mạc thành công viên mãn. "Lúc tháo băng ra, em nhìn mọi thứ xung quanh thấy mờ mờ rồi rõ dần. Sau đó là em có thể quan sát, nhìn rất rõ mọi thứ xung quanh phòng bệnh, thậm chí em còn có thể đọc được các chữ ghi trên tấm biển đặt trong buồng bệnh. Quay sang nhìn bố bên cạnh, em còn nhìn thấy cả những nếp nhăn trên khuôn mặt gầy gò của bố. Em vô cùng sung sướng và không thể giấu được hàng nước mắt cứ lăn dài trên má vì thương bố mẹ đã quá vất vả vì mình", D. nhấn mạnh.
Khi tìm lại được ánh sáng, D. tập trung hết sức vào chuyện học hành vốn bị dang dở trước đó của mình. Ngoài ra, để trả ơn người cha, đền ơn người hiến giác mạc cho mình nhìn lại được ánh sáng, D. đã miệt mài đèn sách, thi đỗ vào hai trường đại học danh tiếng của Hà Nội (đại học Kinh tế quốc dân và đại học Xây dựng Hà Nội). "Em không bao giờ quên ơn những người đã hiến giác mạc cho em, họ là người đã cho em cuộc đời thứ hai. Nếu không có họ, suốt cuộc đời này với em chỉ là một màu đen kịt. Mặc dù không biết về họ nhưng em sẽ mãi tâm niệm và tri ân vì nghĩa cử của họ đã cho em thấy được cuộc sống của ngày hôm nay", D. khẳng định.
Trường hợp may mắn khác là ông Hoàng Văn B., (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), người đã may mắn được hiến tặng giác mạc. Chúng tôi biết tin này khi ông B. xuống viện Mắt tái khám. Sau bao tháng năm tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, những lần hứng chịu chất độc của kẻ thù đã khiến người lính già từng tham gia chiến trường ác liệt, hàng ngày hàng giờ luôn đối đầu giữa sự sống và cái chết nay lại bị mù vì thoái hoá giác mạc. Mọi việc đến với ông B. cũng thật tình cờ và may mắn, dựa trên danh sách đăng ký, ông được bệnh viện thông báo đến làm thủ tục nhập viện thực hiện ca ghép giác mạc vì đã có người hiến tặng. Sau ca ghép thành công, đến nay ông B. có thể tự mình rong ruổi khắp nơi du ngoạn cảnh vật cũng như thăm lại chiến trường xưa đã từng gắn bó với ông không biết bao kỷ niệm vui buồn về một quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc. Càng đặc biệt hơn, mọi sinh hoạt thường ngày trước kia ông phải nhờ vợ, con thì nay ông đã hoàn toàn tự thực hiện được. "Với những người như chúng tôi, tri ân, khắc tâm tận sâu trong lòng về những tình cảm sâu đậm của những người hiến giác mạc, tạo điều kiện cho người mù có cơ hội tìm lại ánh sáng cuộc đời. Dẫu không biết họ là ai, như thế nào nhưng chúng tôi luôn khắc ghi nghĩa cử cao đẹp và tự động viên mình sống sao cho xứng đáng với tình cảm, tình thương mà họ đã để lại, trao tặng cho đồng loại. Tôi và gia đình nhiều lần dò hỏi để đến cảm ơn người và gia đình người đã hiến tặng giác mạc nhưng các bác sỹ không cho biết. Lúc đầu, tôi thấy buồn, trách các bác sỹ nhưng biết đó là quy định, tôi lại cảm kích họ hơn", ông B. xúc động bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị V. ở Bắc Giang, người được ghép giác mạc, bộc bạch qua điện thoại: "Nhìn thấy được, tôi quyết tâm đi tìm người và gia đình người hiến giác mạc cho mình nhìn thấy. Bệnh viện không cung cấp, thông tin mịt mờ, cuối cùng, ghép nối lại, tôi biết, người tặng tôi giác mạc bị tai nạn giao thông, đã mất. Tôi tìm đến gia đình, thắp hương và nói là bạn cũ của người đã khuất. Gia đình ân nhân chẳng nghi ngờ. Còn tôi thì bí mật về sự xuất hiện của mình, tôi không dám nói rằng, mình chính là người được dùng giác mạc... Cứ ngày giỗ, ngày lễ, tôi đều đến thắp hương cho ân nhân của mình. Nhìn di ảnh trên bàn thờ, nhất là đôi mắt của người đã khuất, đôi khi tôi sợ và mơ hồ điều gì đó...".
Thực hiện ghép giác mạc tại BV Mắt Trung ương.
Nghĩa cử cao đẹp ngày một tăng
Bác sỹ Nguyễn Hữu Hoàng, phó giám đốc ngân hàng Mắt (bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, hiện Việt Nam có hàng trăm nghìn người mù do bệnh lý giác mạc. Trong đó, mỗi năm có khoảng 15 nghìn người mù mới. Tất cả những người không may mắn này đều có thể tìm lại ánh sáng nếu được ghép giác mạc. Trong khi, nguồn giác mạc này đa phần chỉ có thể lấy từ người đã mất. Tuy vậy, nguồn hiến này còn rất hạn chế, quá ít so với lượng người có nhu cầu.
Trường hợp hiến giác mạc đầu tiên là cụ bà Nguyễn Thị Hoa (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), đây là trường hợp hiến giác mạc ngay sau khi qua đời và đã trở thành người khởi đầu cho phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước. Hiện tại, huyện Kim Sơn đã có 8.750 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó có 128 người hiến tặng giác mạc khi qua đời. Đà Nẵng cũng là nơi có phong trào hiến tặng giác mạc tốt, trên 3.000 người đăng ký tham gia hiến giác mạc sau khi qua đời. Qua đó, nâng tổng số đăng ký trên địa bàn cả nước lên hơn 10 nghìn người. Đến nay đã có 13 tỉnh, thành phố tham gia công tác hiến giác mạc.
Vậy, đã có trường hợp cho và nhận giác mạc khiếu kiện liên quan đến pháp lý, làm khó bệnh viện chưa? Bác sỹ Hoàng cho biết: "Việc cho, nhận giác mạc hoàn toàn theo một quy trình chuẩn. Theo nguyên tắc người cho và người nhận hoàn toàn không biết nhau, chính vì vậy không có chuyện xung đột hay bất kỳ vướng mắc nào có thể xảy ra.
Mọi người dân ai cũng có quyền được hiến tặng, còn người nhận không phân biệt tuổi tác, giới tính... nếu giác mạc phù hợp và đến lượt đăng ký sẽ được thông báo để thực hiện ca ghép. Bệnh viện chưa nhận được thắc mắc nào. Còn, người được nhận giác mạc, thấy được ánh sáng, đến viện cảm ơn, xin địa chỉ người hiến để tri ân thì rất nhiều. Song, chúng tôi không thể cung cấp, vì đó là nguyên tắc. Nhiều người tự phát hiện, họ tự đến nhận, cảm ơn nhau là nghĩa cử rất đẹp, cần được nhân rộng".
Nhu cầu lớn, số lượng hiến tặng quá ít Bác sỹ Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, theo số liệu điều tra năm 2007, cả nước hiện có 300.000 trường hợp có nhu cầu hiến giác mạc. Thế nhưng, tính từ năm 2007 - 2013 mới có 181 người hiến, tặng giác mạc. Riêng tại ngân hàng Mắt (bệnh viện Mắt Trung ương) hiện có gần 1.000 người đăng ký chờ ghép giác mạc. Đây là con số chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu vô cùng lớn hiện nay. Mỗi một người tham gia hiến giác mạc, ngoài thể hiện nghĩa cử cao đẹp còn có thể giúp cho rất nhiều người mù khác có thể nhìn được ánh sáng tương lai. |
Quỳnh Chi