"Đồn rằng”, “thấy bảo thế”... là những câu mà nhiều người dân ở xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, đoạn qua quốc lộ 1A, dành cho cặp lâu đài “song sinh” cùng nằm trong một khuôn viên – lâu đài Thành T. - “án ngữ” trên diện tích hơn 2.000m2. Dù còn bị giới kiến trúc sư tranh cãi về thẩm mỹ, song với dân quanh vùng, cặp lâu đài này nguy nga như... cung điện.
Theo dân xã Gia Thanh, cặp lâu đài này được ông Đỗ Văn T. – Giám đốc tổng công ty Thành T., một đại gia trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng cho 2 cậu con trai. Ông T. mong muốn, giống như 2 tòa lâu đài này, 2 con trai của ông luôn nương tựa vào nhau.
Quan sát từ bên ngoài, mặt tiền của lâu đài rộng tới 60m, được bao quanh bằng hệ thống tường rào kiên cố, cửa chính của lâu đài được làm bằng gỗ quý, chạm khắc công phu; hai bên có cột trụ sơn trắng. Khuôn viên giữa hai lâu đài là mảng kiến trúc kiểu Á Đông: Một hòn giả sơn cỡ lớn và một hồ nước. Được biết, nội thất của lâu đài được thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu, với mái vòm cao, trang trí hoa văn sẫm màu.
Sau chút ngại ngần, bà chủ quán cơm Hương Lan gần đó cho biết: “Họ có cuộc sống khác mình. Tôi không quan tâm và cũng không có giao dịch gì với họ nên cũng không hỏi chuyện; hơn nữa, cổng lâu đài luôn đóng kín. Nhưng tôi biết cậu út, học cùng con trai tôi chứ đâu”.
“Mà có hôm, người thu tiền điện của lâu đài ra đây nói chuyện, bảo tiền điện ở đó lên tới hơn 20 triệu đồng/tháng”, bà chủ kể.
Là người có mảnh đất đã được ông T. mua lại để xây dựng tòa lâu đài, ông Bùi Trí Vân, Trưởng xóm 3, thôn Thượng Hòa, xã Gia Thanh tấm tắc khen kiến trúc của cặp lâu đài. “Nhiều xe đi qua cũng dừng lại để chụp ảnh. Chi phí sau khi hoàn thành cặp lâu đài Thành T. ước tính lên đến cả nghìn tỷ đồng”, ông Vân chia sẻ.
Cách đó chỉ khoảng 1km, thuộc địa phận xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cũng nổi lên tòa lâu đài Cường T. lấy màu trắng làm tông chủ đạo. Bà Dung, nhà cách đó cũng vài ba chục mét, cho biết: “Ngày Tết chúng tôi có qua lâu đài chúc Tết, không để ý nhiều nhưng tôi cũng biết đồ đạc trong nhà rất đẹp và sang trọng”.
Khác với tòa lâu đài Thành T., luôn đóng kín cổng, cánh cổng của lâu đài Cường T. lại mở rộng. Ông H. - bảo vệ lâu đài Cường T. - cho hay, lâu đài này thi công 3 năm mới xong và kiến trúc được lấy mẫu từ nước ngoài.
“Lâu đài có 4 tầng, chỉ xây cũng mất khoảng 200 tỷ đồng, chưa kể nội thất được làm bằng các vật liệu quý. Bộ bàn ghế đặt ở tầng 1 làm bằng gỗ mun, được làm trong Huế và mang ra đây với những nét chạm khắc tinh tế”, ông H. không ngại giới thiệu. Ông H. còn tiết lộ, chủ nhân tòa lâu đài này là người quan tâm đến công việc chung, sắp tới còn xây đình làng cho bà con.
Về trào lưu xây lâu đài bên quốc lộ 1A, ĐBQH Bùi Văn Phương, đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, cho rằng: “Chính phủ đang phát động mạnh phong trào tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, nếu doanh nghiệp làm ăn chính đáng, cần hoan nghênh để doanh nghiệp phát triển hơn nữa. Ngay tại tỉnh Ninh Bình có một số doanh nghiệp lớn, làm ăn lâu năm, rất phát triển, thiết nghĩ, việc họ xây biệt phủ mấy trăm tỷ đồng là hết sức bình thường".
Cũng theo ĐBQH Bùi Văn Phương, trong quan niệm văn hóa phương Đông vẫn còn đâu đó tư tưởng “giàu ghen khó ghét”. Chính tư tưởng này cản trở, kìm hãm sự phát triển chung. Nếu giải phóng năng lực, trí tuệ và làm giàu một cách chính đáng thì tôi nghĩ là nên ủng hộ. Hơn nữa, một doanh nghiệp phát triển, mở rộng đầu tư kinh doanh tốt, tạo công ăn việc làm, giải quyết nhu cầu cho hàng nghìn lao động không phải là đơn giản.
"Tất nhiên, mỗi người có một sở thích khi sở hữu tài sản lớn, có người làm nhà to, có người thích đầu tư phúc lợi xã hội, người thích tìm đến cửa thiền... Cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Còn việc quản lý chặt chẽ doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Doanh nghiệp làm giàu một cách chân chính, hợp pháp đáng khích lệ.
Thực tế, nếu làm ăn gặp thời sau một đêm có thể thành tỷ phú hoặc phá sản. Đó là những rủi ro mà người làm ăn kinh doanh phải chấp nhận. Mặc dù vùng đất chiêm trũng, dân cư còn khó khăn, những biệt thự to vượt xa tầm đời sống người dân có vẻ không hay, nhưng tôi nghĩ quan trọng là họ giàu lên bằng cái gì, tài sản ở đâu mà có, còn chuyện nhà to hay bé không quan trọng”, ĐBQH Bùi Văn Phương nêu quan điểm.
Nguyễn Huệ - Dương Thu