Đấy là những cái xe đạp chất đầy hoa đi bán dạo trên phố. Có thể ngày xưa là gánh hoa, nên có thời gọi là “gánh hàng hoa”, nhưng sau này có xe đạp thì người ta chất lên xe đạp và đẩy đi, rất ít hoặc hầu như không thấy xe máy.
Đấy là những phụ nữ lam lũ. Sáng sớm, hoặc là vào vườn, hoặc là lên chợ hoa Quảng Bá trên đê Nhật Tân, mua hoa rồi xếp vào xe đạp, và bắt đầu cuộc mưu sinh trong ngày. Xếp hoa chủ yếu làm sao được nhiều và lòi hoa ra để khách thấy chứ không phải vì đẹp.
Đa phần là họ ở ngoại ô vào, không dám cả ăn cơm phố mà nhiều người mang theo cơm nước từ nhà. Tới bữa ngồi ngay trên vỉa hè, cạnh xe hoa và ăn. Thậm chí những nhu cầu tối thiểu của con người cũng khó khăn, nên nhiều lúc tôi lo, cứ thế này rồi sẽ có ngày họ bị bệnh bàng quang hoặc... táo bón, vì phải nhịn nhu cầu lâu quá.
Và họ còn phải thường xuyên trốn tránh lực lượng công vụ vì rõ ràng họ đã vi phạm lòng lề đường. Cuộc chiến cút bắt này diễn ra hàng ngày, ngày này qua tháng khác. Nhưng không thể khác, họ vẫn phải bán vì mưu sinh, lực lượng công vụ vẫn phải đi đuổi và bắt vì đấy là việc của họ, và họ làm vì sự thông thoáng lòng lề đường phố mà họ có trách nhiệm giữ gìn cho dân thoải mái đi lại sinh hoạt...
Tới một ngày, nhiếp ảnh xuất hiện.
Những cái xe hoa trở thành những nét điểm xuyết cho vẻ đẹp Hà Nội. Cái dáng lam lũ của những người phụ nữ đầu đội nón, khăn che kín mặt, áo quần bình dân, đẩy những xe đạp chất đầy hoa trên phố lại trở nên thơ mộng, trở thành điểm nhấn đầy tương phản cho cái đẹp phố phường.
Nó tạo cảm xúc, tạo hưng phấn, tạo liên tưởng, tạo mọi thứ để tôn vinh cái đẹp. Nhiếp ảnh không phải là văn chương, nên không cần đi sâu vào thân phận con người, vào những yếu tố chi phối ngoài nghệ thuật, vì thế chỉ thấy cái đẹp ngời lên. Nhất là những bức ảnh chụp tài hoa, có nắng xuyên, có lá đổ, có vài áo dài eo thon thấp thoáng làm nền...
Rồi điện thoại thông minh ra đời. Những xe hoa lại càng... đắt khách, là khách... chụp ảnh. Có nhiều bạn hóa thân làm cô gái bán hoa, có bạn đứng bên cạnh ngoẹo đầu chu mỏ chụp, kệ sự... sốt ruột của người bán, lo bán không hết thì lõm, thì không thể ăn hoa trừ bữa (Hà Nội có món cơm nắm rất thú vị mà mỗi lần ra tôi đều phải ăn bằng được, còn mua về nữa, là hôm ấy cô bán cơm nắm nói, còn từng này bán không hết em mang về cả nhà ăn dù hôm qua cũng mới ăn, thế là tôi mua hết)...
Dài dòng để kể điều này, hôm kia tôi đi bộ ở cái quảng trường thường đi hàng ngày. Ơ kìa người xúm đen xúm đỏ ở một góc quảng trường, phấp phới áo dài váy ngắn, phấp phới mắt môi tươi mởn, phấp phới chân thon giày đẹp... Thì ra có mấy bạn nhanh nhạy, dắt mấy cái xe, có xe đạp, xe máy, đẹp nhất là vespa... bày hoa lên đấy, vừa bán vừa cho người chụp ảnh... thu tiền.
Và quả là đông nghìn nghịt.
Tôi chụp mấy cái ảnh từ xa, về đăng lên phây búc và kể chuyện, rằng đang có mùa Thu xứ Bắc ở Pleiku.
Thì ào ào còm men vào bảo quê em cũng, quê cháu cũng, quê chị cũng... kèm ảnh chứng minh.
Ơ thế là lan tỏa cả nước rồi.
Ở Hà Nội, các chị các cô mùa nào hoa nấy, quanh năm suốt tháng họ bán hoa chứ không chỉ mùa thu. Nhưng ở các tỉnh thành trên cả nước, chắc không phải tất cả nhưng chắc cũng nhiều nhiều tỉnh thành, thì bắt đầu từ mùa thu này, từ ngày tết độc lập năm này, bắt đầu có những xe hoa như thế. Nên nó đầy âm hưởng mùa thu. Thu từ những bó hoa, xe hoa được trang trí có chủ ý, tới những nam thanh nữ tú, cả các chị các bà, trang điểm rất thu, khuôn mặt rất thu, trang phục rất thu... nó khiến cả thành phố Cao nguyên tràn ngập thu.
Nó không rõ rệt 4 mùa thời tiết xuân hạ thu đông như phía bắc, mà nó đậm 2 mùa cơ học là mưa và nắng. Thời xưa, chưa biến đổi khí hậu thì có những giai đoạn người ta nhận ra có tới 4 mùa trong một ngày căn cứ vào biên độ nhiệt. Cũng phải tinh tế lắm mới nhận ra. Nhưng giờ, biến đổi khí hậu, nó rạch ròi ra, nó tơ hơ tênh hểnh ra, cái gì ra cái nấy, nóng ra nóng, lạnh ra lạnh, thứ nào cũng bộc lộ tới tận cùng “thế mạnh” của mình nên cái khoảng giao nhau mong manh trong ngày nó không còn nữa.
Nên mùa thu ở đây nó không rõ rệt, không đậm đặc, không... thu, tức bảng lảng, tức mơ hồ, tức cứ như sương như khói, tức cứ như có như không, dù mấy năm nay, hoa sữa cũng hầm hập trên nhiều tuyến phố. Thu ở đây phải ai tinh tế lắm mới nhận ra. Nó là khoảnh khắc, là sự chuyển dịch hết sức âm thầm, không tơ vương, không thông dịch, không cả dư ba... nhưng, vâng, trong sâu thẳm từng con người nhạy cảm, trong cái phần bí ẩn nhất của bộ máy hết sức tinh nhạy của con người, vẫn có những phần đủ để đón những cái như có như không kia, đón cái khoảnh khắc kia, cái sắc thu, hương thu không thông dịch không phát ngôn kia...
Thì lan man để kể, ngày hai tháng chín năm nay, những xe hoa “kiểu Hà Nội” đã có mặt ở nhiều nơi trên đất nước này, nó như cái cách tiết thu mảnh mai, quyến rũ, mê hoặc, bảng lảng... đã lan tỏa, đã chia sẻ, đã chia đều... cho mọi người.
Dẫu, những người bán hoa kia, không phải ai cũng giống ai, không phải thân phận nào cũng giống nhau?...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.