Câu chuyện thứ nhất: Một tin vui & Một tin buồn
“Em có một tin vui, một tin buồn không biết nên thông báo cái nào trước”
“Vui trước nhé. Em được nhận rồi, ưu ái ký 3 năm. Lương 20 triệu đồng và lót tay 900 triệu…”
“Thế còn tin buồn?”. “Rất buồn, em nhận chưa đến 300 triệu đồng, còn đâu các chú, các bác chia nhau ngậm hết. Đâu ngờ bị cắt dã man thế…”.
|
Quang Hải có lẽ thuộc diện may mắn nhất khi ký hợp đồng không mất một xu rơi rụng cho các bên.
|
Câu chuyện thật như bịa đó xảy ra ngay trước thềm mùa giải 2012, với một tiền vệ không có mấy tên tuổi và thử việc vài chỗ không được nhận nhưng phút cuối thông qua nhờ vả được nhận thử việc.
Rất nhanh chóng vì chỉ là thủ tục, cái gật đầu của HLV trưởng và đề nghị ký hợp đồng được gửi lên lãnh đạo. Ký 3 năm cho nhận luôn một cục không chia đợt và kèm điều kiện như số trận thi đấu, ý thức sinh hoạt, luyện tập… và khi chuyển tiền, cầu thủ này nhận chưa đầy 300 triệu.
Nhận chưa đến 1/3 số tiền trên giấy tờ xong, "chết đứng như Từ Hải" chẳng biết nói gì. Nói gì nữa khi việc được gật đầu, được ký hợp đồng và có lót tay bản thân nó đã giống như một món quà còn nhận bao nhiêu thì biết vậy, tùy vào sự rộng lượng của những người có trách nhiệm chi tiền, quyết định ký hay không ký.
Câu chuyện thứ hai: Một “quả lừa”, một dấu chấm hết
Giới cầu thủ bóng đá Việt Nam hơn 1 năm trước vẫn kể cho nhau nghe một câu chuyện có lẽ thuộc hàng kinh điển xung quanh bản hợp đồng mà tất cả đều gọi là “vụ lừa của mùa giải”.
N.V.A, cầu thủ từng khoác áo U.20 Việt Nam và lên đội 1 đá V.League khi mới 19 tuổi, sau bao năm lưu lạc hết đội hạng Nhất này đến đội hạng Nhất khác, ở bản hợp đồng cuối cùng may mắn được một người anh đang làm HLV gọi về chơi. Không cần thử việc vì chuyên môn đã được thẩm định, đề xuất ký hợp đồng 3 năm được đưa ra và mức lót tay là 1,2 tỷ.
Những cái bắt tay rất chặt và tin nhau chẳng cần giao kèo khi ai cũng “biết và hiểu luật chơi”. Thế nhưng khi ký xong, tiền lãnh đạo đã chuyển rồi mà vẫn chưa thấy cầu thủ này đến “chơi nhà” mà cứ lảng tránh.
Chuyện bi hài, khi ông HLV “mắc lỡm” với tin tưởng cậu em biết cách chơi. Ai ngờ gặp đúng trường hợp bất cần, quan điểm “tiền trả cho tôi là của tôi và tôi xứng đáng hưởng” nên nhận hết chứ không “lại quả”.
“Bút sa gà chết”, chẳng làm được gì nhau và chuyện gì đến cũng đến: Từ suất đá chính chuyển qua dự bị rồi lên khán đài ngồi miết, đến giữa mùa giải bị gạt ra khỏi kế hoạch sử dụng vì “không thích hợp, không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn” nên được cho vào diện thanh lý hợp đồng.
Do không có tiền đền bù để ra đi trong khi không được đăng ký, cầu thủ này đành xách ba lô về nhà khỏi cần đá bóng.
Câu chuyện thứ ba: Ai chơi đểu ai?
Một HLV ở hạng Nhất đến giờ vẫn cứ ấm ức và kể mãi về vụ bị đồng nghiệp hớt tay trên 2 ngoại binh mất bao công sức mới tuyển được và chơi cũng tốt ngay trước thềm mùa giải 2012.
Khi sau một thời gian cò kè làm giá và câu giờ, chuẩn bị đặt bút tái ký thì cả 2 cầu thủ trên hàng công đồng loạt bỏ đội và tắt điện thoại. Sau 1 tuần điều tra, hóa ra 2 cầu thủ da màu này đã đầu quân cho một đội bóng đối thủ.
Lý do là ông HLV đội kia nhanh tay, đưa khoản lót tay rất "khủng" cùng mức lương gần 6.000 USD ra so sánh với khoản thu nhập chưa đến 3.000 USD họ đang được chào mời của CLB cũ và “cướp trên tay” luôn.
Trách nhau và không nhìn mặt nhau, ai cũng chê người kia xấu chơi. Ấy thế nhưng khi tìm hiểu ra thì bản chất chẳng phải ai chơi đểu ai và cũng chẳng có ai tốt đẹp cả.
Một bên ký lương 3.000 USD nhưng thực chất cũng chỉ được nhận 2/3 con số đó, trong khi nếu chuyển CLB, dù bị cắt đến gần 50% như là điều kiện để được ký hợp đồng và làm mức lương, lót tay cao ngất ngưởng nhưng tính ra thì số tiền thực đút túi vẫn cao hơn hẳn.
Câu chuyện thứ… n: Vì sao ông ấy cứng họng?
Một cầu thủ da màu, nổi tiếng bởi tính cách quái đản với cách sống, hành xử không giống ai. Luôn là trung tâm của mọi vấn đề trong lẫn ngoài sân cỏ và bị đồng đội cô lập, khi ích kỷ chỉ biết bản thân và khiến đội bóng điêu đứng vì bao chuyện rắc rối. Nhưng từ đội bóng cũ sang đội bóng mới anh ta luôn được HLV chiều hết cỡ, bảo vệ hết mực theo cách rất khó hiểu.
Một đội bóng được xây dựng lại với nhiều cầu thủ nếu không phải là “con cháu” thì cũng thuộc diện có gốc gác, được gây dựng và trưởng thành từ lúc còn bơ vơ hay vô danh. Vậy nhưng khi đội bóng khó khăn và HLV cần sự hết mình thì lại không có mà thay vào đó là thái độ nếu không chống đối thì thờ ơ, mặc kệ như không liên quan.
Một đội bóng tốn nhiều tiền nhất trong việc tìm kiếm, tuyển chọn và ký hợp đồng với ngoại binh nhưng rồi vào giải mới lộ diện là cầu thủ ngoại đó thuộc dạng “bán kem, chặt mía, cạo lông cừu”. Thế mà giữa giai đoạn bằng mọi cách không thay và những cầu thủ châu Phi qua Việt Nam đá thuê mà như những ông "tướng", thích thì tập không thích thì thôi, đá cũng được mà dự bị cũng chẳng sao.
Có rất nhiều câu hỏi và sự khó hiểu được đặt ra nhưng chẳng thể tìm được câu trả lời thuyết phục, ngoài chính nghi ngờ của người trong cuộc: Thế HLV trưởng có cái gì khi ký hợp đồng không nên mới khó ăn khó nói, khó làm như thế
Có cả 101 câu chuyện tồn tại như là những giai thoại trong làng bóng đá Việt như thế, suốt bao năm nay. Thế nên mới có chuyện, khi Quang Hải hết hợp đồng với K.Khánh Hòa đi tự do và làm việc trực tiếp với Chủ tịch Nguyễn Vĩnh Thọ khi về Navibank.Sài Gòn nhận 9 tỷ, các đồng đội của tiền đạo đã choáng váng và tha hồ so sánh.
9 tỷ tiền mặt, ký xong nhận 4 tỷ và 1 tuần sau chuyển nốt vì “đã giúp thì giúp một thể”, Quang Hải có lẽ thuộc diện may mắn nhất khi ký hợp đồng không mất một xu rơi rụng cho các bên, trừ ít tiền lại quả kiểu tình cảm lấy chỗ đi lại, “lộc bất tận hưởng”.
Chỉ ở một số trường hợp làm việc trực tiếp với ông chủ hay ở số ít những CLB giàu có, có cơ chế, cách làm minh bạch về tài chính cũng như người đứng đầu kiểm soát tốt như HN.T&T, CLB BĐ Hà Nội, SLNA, ĐT.LA, B.Bình Dương… là cầu thủ ký bao nhiêu, nhận bấy nhiêu chứ không bị “cắt phế”.
Còn lại đa phần các cầu thủ Việt Nam khi ký hợp đồng đều mất khoảng 20-40% tiền lót tay. Với các ngoại binh do nhận lương cao lại bằng USD nên nhiều cầu thủ còn bị “phế” thêm khoản này hàng tháng.
Với V.League và những đội đại gia, có tiếng thì còn đỡ chứ mấy đội bóng mới lên hạng hay có cái tiếng nhà nghèo và đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa như hạng Nhất, thì tình trạng HLV và Giám đốc điều hành bắt tay nhau “ăn chia” càng bạo.
Navibank.Sài Gòn ngày mới chuyển giao từng ầm ỹ chuyện một ông thầy mới kể chuyện ở đội bóng cầu thủ có thói quen biếu quà, lại quả HLV để “chạy dây” đá chính, được vào sân chia thưởng hay khi ký hợp đồng.
Câu chuyện tai tiếng khiến người cũ, người mới ra sức phản bác, thanh minh thanh nga rồi cuối cùng cũng chẳng đến đâu vì làm gì có chứng cứ. Và ở đội bóng nhà giàu mà ông chủ tiêu tiền không tiếc tay, mới nhẩy vào làm bóng đá nên thiếu kinh nghiệm lẫn hiểu biết về những đường ngang ngõ tắt, vấn nạn đội giá, tiền chảy qua nhiều ngõ ngách mấy năm liền vẫn tồn tại như một điều “tất lẽ dĩ ngẫu”.
Thế nên khi các ông chủ của N.Sài Gòn ly dị bóng đá và giải tán đội bóng, nhiều người tin rằng bên cạnh lý do khủng hoảng tài chính hết tiền thì chuyện bị chính những người tin tưởng giao cho trọng trách tiêu tiền “lừa” cũng là một lý do.
Bóng đá Việt thời ra ngõ gặp tiền tỷ với tiền triệu tính đơn vị hàng trăm, chuyện một số cầu thủ đi thử việc hay liên lạc lên thẳng phòng HLV, Giám đốc điều hành hay người có trách nhiệm to nhất trong việc quyết tiền bạc ngửa bài “em muốn bây nhiêu, anh cứ làm được bao nhiêu thì anh xử lý” là chuyện phổ biến.
Và bóng đá Việt thời khủng hoảng, cầu thủ thất nghiệp đầy rẫy và thừa mứa lựa chọn, những người chán bóng đá treo giầy đi bán bánh cuốn cũng chẳng hiếm khi quá chán trước những chiêu ép giá và ngã giá trắng trợn của các anh, các chú khi mới chỉ đặt vấn đề sơ qua.
HLV Đặng Trần Chỉnh từng phát ngôn một câu nổi tiếng để đúc kết một nghịch lý của bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam: “Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ nắm 3”.
Nó là triết lý, cũng nghiệt ngã như cái triết lý mà giới quần đùi áo số ở Việt Nam lâu nay vẫn kết luận: “Để thành công ở bóng đá Việt thì ngoài chuyên môn, HLV phải được cầu thủ gọi bằng thầy chứ không phải là… thằng ở sau lưng“.