Ngày 2/7 là mốc thời gian khó quên trong lịch sử 108 hình thành và phát triển của Chelsea. Đó là ngày Roman Abramovich đáp chuyến bay tới London, đặt chân tới Stamford Bridge. Hành trang của ông là túi tiền khổng lồ cùng tham vọng biến Chelsea trở thành đội bóng số 1 châu Âu. Cũng từ thời điểm đó, The Blues đã quên đi những nỗi lo về tài chính từng ám ảnh họ triền miên trong quá khứ để trở thành một trong những CLB giàu nhất thế giới.
“Tôi có nhiều cách ít rủi ro hơn nhiều để kiếm tiền. Tôi không muốn ném đồng tiền của mình qua cửa sổ. Nhưng đây là niềm vui của tôi, nhắm tới thành công và những danh hiệu. Tôi đang hiện thực hóa giấc mơ sở hữu một đội bóng lớn của mình. Một số người nghi ngờ động cơ của tôi, những người khác có thể nghĩ tôi đã phát điên”… Đó là phát biểu của Abra trong ngày đầu tiên tiếp quản Chelsea từ tay tỉ phú Ken Bates.
Được bơm tiền, Chelsea đã hoàn toàn lột xác. Không chỉ xóa bỏ khoản nợ 80 triệu bảng trước đó, Abra còn giúp The Blues sở hữu một đội hình hoành tráng mà tại Stamford Bridge, chẳng ai dám mơ một ngày nào đó những danh thủ hàng đầu thế giới như Shevchenko, Crespo, Veron hay Robben,…sẽ khoác lên mình màu áo xanh.
Tính tới nay, đã tròn 10 năm Abra cải cách Chelsea. Trong khoảng thời gian này, ông đã chi tổng cộng 713 triệu bảng cho chuyển nhượng để mang về 72 bản hợp đồng khác nhau. Đó là con số khổng lồ mà không đội bóng nào ngoài Chelsea làm được trong 1 thập kỉ trở lại đây.
Chia sẻ trên BBC hồi tháng 7/2005, tỉ phú người Nga đã tuyên bố “Tôi sẵn sàng chi ngân sách lớn để chiêu mộ bất cứ cầu thủ nào, miễn là nhân tố đó được HLV đánh giá cao và phù hợp với sự phát triển của đội bóng”. Và Abra đã chứng minh câu nói đó bằng bản hợp đồng kỉ lục với Fernando Torres, cầu thủ đắt giá nhất lịch sử chuyển nhượng tại Premier League.
Trong khoảng thời gian này, Chelsea đã giành tổng cộng 13 danh hiệu khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là chức vô địch Champions League 2011-12, mục tiêu luôn được Abramovich mong ngóng khi tới Stamford Bridge. Tất nhiên, sự thành công của tỉ phú người Nga cũng chỉ mang tính tương đối. Người cho rằng đó là bảng thành tích vĩ đại, nhưng phần khác lại nghĩ Chelsea chưa xứng đáng với những gì Abra đã đầu tư.
Khi Abra “keo kiệt”…
Bỏ ra số tiền lớn và Abra cũng rất nhiều lần tỏ ra thất vọng vì sự đầu tư của mình. Tiêu biểu là trường hợp của Fernando Torres, cầu thủ đã ngốn của ông tới 50 triệu bảng, chưa kể mức đãi ngộ hàng năm nhưng lại thi đấu không hiệu quả. Với 1 người kiêu hãnh như Abra, ông không “tống khứ” Torres để vớt vát lại khoản đầu tư mà thúc giục Di Matteo (sau đó là Benitez) phải sử dụng El Nino. Mục tiêu của Abra là quá rõ: ông không muốn bị coi là kẻ thất bại trong chuyển nhượng.
Nhưng cũng từ thương vụ “thất bại” này, và trước đó là hàng loạt tên tuổi khác như Crespo hay Shevchenko, tỉ phú người Nga đã bắt đầu thay đổi chính sách chuyển nhượng. Không có văn bản nào đưa ra, không có tuyên bố nào song người ta thầm hiểu Abra không còn dám chi quá nhiều tiền cho 1 ngôi sao. Những thương vụ như vậy có nguy cơ biến ông thành kẻ thất bại trong chuyển nhượng nhiều hơn là những bản hợp đồng nhỏ lẻ.
Bởi vậy mà 3 mùa giải trở lại đây, Abra bất ngờ đề ra điều luật vô hình ở Stamford Bridge. Đó là việc không gia hạn hợp đồng quá 1 năm với những ngôi sao ngoài tuổi 30. Trên thị trường chuyển nhượng, tỉ phú người Nga cũng thúc các HLV đưa về Stamford Bridge những bản hợp đồng trẻ. Hệ quả, rất nhiều ngôi sao trẻ đã cập bến The Blues như David Luiz, Kevin de Bruyne, Lucas Piazon, Romelu Lukaku, Thibaut Courtois, Victor Moses, Azpilicueta, Oscar, Hazard, Schurrle hay mới nhất là Marco van Ginkel, tiền vệ mới ở tuổi 20.
Cộng với những ngôi sao đội 1, chắc chắn Chelsea không thể sử dụng hết số tài năng sáng giá trong tay, ngay cả khi sở hữu thêm 1 đội hình nữa ở Premier League. Điều đó buộc The Blues phải cho mượn. Tính sơ sơ, Abra đã có trong tay khoảng 2 đội hình đã và đang thi đấu ở các đội bóng khác theo dạng “lính đánh thuê”. Đó là ước mơ của mọi đội bóng!
Với số lượng lớn mầm non này, Abra đã có thể nghĩ tới chuyện đầu tư, buôn bán cầu thủ chứ không chỉ đơn thuần là để sử dụng. Chẳng bởi thế mà những Courtois, De Bruyne, Lukaku đã có giá trị tăng khá nhanh so với thời điểm họ cập bến Stamford Bridge.
Cuộc cách mạng của Abra đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ phía CĐV Chelsea. Nhưng nó cũng gây ra không ít hệ lụy mà vấn đề quan trọng nhất là việc The Blues không thể đón chào những “quả bom tấn nữa”.
Điều đó thể hiện khá rõ trong kì chuyển nhượng mùa Hè năm nay. Chelsea cần 1 trung phong đẳng cấp để thay thế Torres nhưng họ lại lần lượt bị đánh bại trong các thương vụ lớn như Radamel Falcao rồi sắp tới có thể là cả Edinson Cavani. Abra không tung khoản tiền khổng lồ để phá vỡ hợp đồng của Cavani nữa, mà cố gắng đàm phán. Nhưng nên nhớ, PSG đang trong giai đoạn chi tiêu mạnh mẽ nhất, cũng giống Chelsea cách đây khoảng 7 năm. Chỉ xét riêng ở chính sách chuyển nhượng, Abra đã vô tình khóa chân mình trong các thương vụ lớn.
Đó là sự “keo kiệt” của Abra sau khoảng thời gian dài đầu tư liên tiếp, có cả thành công, có cả thất bại. Nhưng sự keo kiệt của ông vẫn được chấp nhận ở Stamford Bridge bởi nó mang đến niềm hi vọng nhiều hơn sự thất vọng. Ở đó, vẫn còn lớp lớp thế hệ trẻ đang ngày chứng tỏ khả năng. Với Abra, Chelsea không những đủ mà còn thừa khả năng thành công. Bởi vậy, sẽ chẳng bất ngờ nếu The Blues đưa về Stamford Bridge 1 bản tiền đạo tầm trung ở mùa Hè này thay vì những quả bom tấn, cụm từ vốn không còn xuất hiện trong danh mục của tỉ phú người Nga.
Theo Bóng đá số