Chuyện nông dân vượt biên, 'hành xác' nơi đất khách

Chuyện nông dân vượt biên, 'hành xác' nơi đất khách

Thứ 2, 27/05/2013 14:11

Từ đầu năm đến nay, hàng trăm người nông dân tại những làng quê vùng sâu xa thuộc huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn nối chân nhau đi theo những đoàn vượt biên trái phép sang Trung Quốc .

Liều mạng ra đi, vật vã tìm về

Cuộc sống khó khăn, con cái đông, ruộng nương ít trong khi phải trang trải cho cuộc sống hàng ngày như trả nợ... là những lý do khiến rất nhiều người trên địa bàn Lạng Sơn vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê.

Rất nhiều bà con người dân tộc thiểu số ở các huyện Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng nghe theo lời dụ dỗ của "cò" lao động mà tự nguyện vượt biên trái phép qua bên kia biên giới làm thuê để qua mặt cả cơ quan chức năng.

Xã hội - Chuyện nông dân vượt biên, 'hành xác' nơi đất khách

Chị Lý Thị Hương, xóm Đồng Xinh, xã Tân Lập kể lại việc bị công an Trung Quốc bắt và giữ mất 10 ngày sau đó được trả về Việt Nam (Ảnh Nhật Tân).

Tìm về xóm Đồng Mạ, Tân Lập (Hữu Lũng - Lạng Sơn) nơi có nhiều người lao động bị chèo kéo sang biên giới làm thuê, chúng tôi gặp chị Lý Thị Đải (dân tộc Nùng), người mới trở về sau hơn hai tháng bị "hành xác" nơi đất khách cho biết: "Thấy người trong làng đi về bảo, sang bên biên giới Trung Quốc làm có nhiều tiền thì tôi đi theo thôi, chẳng biết họ đưa mình đi đâu.

Nghe nói làm bên đó được trả 150.000 đồng/ngày, tôi không ngần ngại khăn gói đi ngay. Nhưng thực tế qua đó không như mình nghĩ, một ngày làm đến 18h mà tiền công chẳng được bao nhiêu. Vật vã hơn hai tháng tôi may mắn trốn thoát. Giờ nghĩ lại mà vẫn thấy sợ".

Hay như trường hợp của chị Lý Thị Hương xóm Đồng Xinh, Tân Lập (Hữu Lũng) vay vốn ngân hàng làm được căn nhà cấp 4 lợp mái xi măng lăn lộn cả năm trời vẫn chưa trả hết nợ. Nghe người ta giới thiệu, chị cũng vượt biên trái phép sang biên giới làm thuê. Nhưng khi vừa đến cửa khẩu thì chị bị công an Trung Quốc bắt và bị giam giữ 15 ngày mới được thả về.

Trò chuyện với chúng tôi, mà giọng chị Hương có vẻ vẫn run run vì chưa hết bàng hoàng lo sợ. Chị Hương tâm sự: "Vì miếng cơm manh áo nên đành làm liều thôi, chứ có ai muốn bỏ chồng, bỏ con một thân một mình bên xứ người chứ".

Được biết, những lao động vượt biên thường được tập hợp thành từng nhóm khoảng 10 -15 người, trong đó có một người cầm đầu dẫn theo đường tiểu ngạch hoặc cải trang khách đi du lịch qua bên kia cửa khẩu có xe ô tô phủ kín bạt chờ sẵn chở đi.

Xã hội - Chuyện nông dân vượt biên, 'hành xác' nơi đất khách (Hình 2).

Những cung đường ngoằn ngoèo miền biên viễn.

Bặt vô âm tín

Chị Hoàng Thị Biên, xóm Quyết Tiến, xã Thiện Kỵ (Hữu Lũng) cho biết: Hai vợ chồng cưới nhau được 3 tháng đã tách ra ở riêng. Với hai bàn tay trắng, khi ra ở riêng tài sản duy nhất là sào đất hoang, nhà tranh mái lợp rơm, rạ.

Sang Trung Quốc làm được gần 3 tháng, cầm trong tay món tiền kha khá, nghĩ trong đầu chắc lần này về nhà mình sẽ mua được mấy xe cay để chuẩn bị xây nhà. Nhưng khi về đến cửa khẩu Cốc Nam (Văn Lãng-Lạng Sơn) thì, đội của chị gồm 5 người đều bị bọn nghiện chặn hết sạch tiền. Vậy là mấy tháng trời đổ mồ hôi sôi nước mắt nơi xứ người, giờ lại về tay không.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị May, thôn Biềng, Nam Dương (Lục Ngạn-Bắc Giang) đi theo người từ Lạng Sơn xuống tìm người đi Trung Quốc. Chị May đi được vài tháng thì ở nhà nhận được một bức thư của người đã dẫn chị May sang Trung Quốc gửi về. Trong thư viết: May sống rất tốt, công việc nhàn hạ và đã lấy chồng giàu có ở bên này nên báo tin cho gia đình vui. Nhận được thư cả nhà vui lắm, ai cũng mừng cho May.

Thế nhưng từ đó đến nay, đã gần 3 năm mà vẫn không có tin tức gì của con gái, bà Nguyễn Thị Thong, mẹ May ốm nặng vì quá thương con. Thấy vậy các anh của May đã lần theo địa chỉ mà đối tượng dẫn May đi cung cấp để tìm em. Nhưng khi đến tận nơi ở cũ thì có người bảo May đã bị bán cho người khác.

Nghĩ con gái đã bị lừa bán sang bên kia biên giới, bà Thong (mẹ Mây) làm đơn gửi các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ. Thế nhưng tính đến thời điểm này, gia đình vẫn không nhận được một chút thông tin nào về May.

Ông Đoàn Văn Chung, Trưởng thôn Đồng Mạ, xã Tân Lập (Hữu Lũng) trăn trở: "Những trường hợp vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê chủ yếu đi theo mùa vụ, người đi người về rất khó kiểm soát. Những trường hợp trở về, chúng tôi cũng lập danh sách báo cáo lên cấp trên để có biện pháp giúp đỡ. Vẫn biết kiếm được đồng tiền nơi xứ người không hề dễ dàng, thậm chí phải bỏ cả mồ hôi nước mắt và máu, nhưng hàng ngày vẫn có rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn liều mình vượt biên trái phép làm thuê. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến, nên rất cần các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có biện pháp ngăn chặn".

Cách nhà May 4km là trường hợp của cô gái trẻ Nguyễn Thị Dung. Cô học trò vừa rời ghế nhà trường đã nghe theo đám bạn rủ sang Trung Quốc làm thuê. Gia đình biết chuyện, nhất định ngăn cấm không cho đi, thế nhưng lợi dụng lúc mọi người trong gia đình đi làm vắng, Dung bỏ đi để lại mẩu giấy báo là đi theo bạn sang Trung Quốc, vài tháng sẽ về. Thế nhưng gần 3 năm nay, có người đi cùng báo về Dung đã chết. Bao năm nay, mẹ Dung ốm đau không làm được gì vì mòn mỏi thương con.

Những đồng tiền lấy bên xứ người không dễ như lời giới thiệu của "cò". Cũng ước mơ, hi vọng như bao người khác anh Trần Văn Xinh ở thôn Đồng Mạ, Tân Lập (Hữu Lũng) đã nghe theo lời giới thiệu của một tay "cò" vượt biên trái phép sang Trung Quốc.

Tráo trở

Xinh kể: Muốn sang Trung Quốc làm thuê phải qua người môi giới... Mỗi người phải đóng phí tiền tàu xe từ biên giới Việt Nam sang Trung Quốc và tiền cho môi giới đưa đi khoảng 250.000 đồng. Người đi có thể đóng trước tiền, hoặc trả sau bằng cách trừ trực tiếp vào số tiền công khi sang đó làm. Thường thì sau mỗi đợt gom đủ người (từ 20 - 30 người), các chủ môi giới bên kia sẽ cho người hướng dẫn để lao động vượt biên.

Cũng theo lời anh Xinh, vì nhà xa cửa khẩu, lại sợ tốn tiền nên đa phần lao động đều không làm giấy thông hành, hay hộ chiếu mà chọn cách thuê người môi giới để vượt biên sang Trung Quốc cho nhanh gọn. Để tránh né các lực lượng hải quan, biên phòng, hầu hết các cuộc vượt biên đều được tổ chức vào ban đêm, lúc 1- 2h sáng.

Sau một ngày, một đêm di chuyển bằng ôtô, đội của anh được đưa đến một nơi tập kết hàng hóa để làm bốc vác. Tại đây, anh đã được gặp nhiều người Việt Nam khác đang làm việc tại đây.

Nhớ lại quãng thời gian làm thuê ở Trung Quốc anh Xinh ở xã Tân Lập (Hữu Lũng) trầm ngâm: "Ai cũng phải làm quần quật tất cả các ngày trong tuần, không kể ngày đêm. Chưa nhận được đồng tiền công nào nhưng chúng tôi vẫn bị xỉ vả, đánh đập.

Mình về được nhà là may mắn hơn nhiều người lắm, bên kia biên giới còn nhiều người bị chủ lừa bằng cách nửa đêm khi anh em đang ngủ thì họ hô có công an và mở cửa để anh em chúng tôi chạy trốn, khi quay lại đòi tiền thì họ không trả. Và bị họ giữ lại bắt lao động với cường độ gấp nhiều lần".

Trong thời gian qua đã có 348 người bị phía Trung Quốc bắt giữ và trao trả cho phía Việt Nam theo đường chính thức. Riêng Lạng Sơn có 201 người, số còn lại đến từ các tỉnh khác. Hầu hết những người xuất khẩu lao động trái phép đều bị bóc lột sức lao động, quỵt tiền công, thậm chí bị đánh đập, tra tấn nếu như bị phát hiện chạy trốn. Hiện tại, công an tỉnh đang tiếp tục nắm tình hình, điều tra để tìm ra đối tượng, đường dây môi giới để xử lý theo pháp luật.     

Nhật Tân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.