Nếu được hỏi chủ đề gì đang gây bão trong cộng đồng giới trẻ mấy ngày vừa qua thì chắc chắn 99,9% từ khóa kết quả được đưa ra sẽ là "bà Tưng". Vậy "bà Tưng" là ai? Đó là một cô gái vô danh, không thành tích nổi trội, không đóng góp gì nhưng tất cả đã đảo lộn ngược chiều chỉ sau vài clip ngắn ngủi được tung lên mạng.
Tuổi tròn đôi mươi, khuôn mặt xinh như thiên thần, thân hình bốc lửa,… nhưng những điều đó vẫn không thể che lấp được hoài nghi về độ ngắn và phẳng của não cô gái có cái tên Lê Thị Huyền Anh này.
Nhảy nhót trong tình trạng thả rông vòng một, xuất hiện liên tục những hành động phản cảm và gợi dục như vào vai y tá sexy hướng dẫn học sinh hay mồm ngậm dụng cụ tình dục…là nội dung của những clip được công khai trên mạng thời gian gần đây của "bà Tưng". Tất cả những hình ảnh đó như một cơn sốt vi-rút, được truyền đi với tốc độ chóng mặt. Chỉ bằng mấy clip rẻ tiền của một cô gái bốc đồng, thích gây sự chú ý đó thôi cũng khiến cư dân mạng chao đảo.
Và cũng từ trên trời rơi xuống những danh xưng "Thánh nữ", "hot girl"…được gắn mác cho một cô gái… "từ dưới đất chui lên". Chuyện từ "zero to hero" (từ một người vô danh trở thành anh hùng, mà trong trường hợp này là "yêng hùng") đã không còn là chuyện xa lạ trong showbiz Việt.
Showbiz hiện nay đang trong tình trạng "đất chật người đông" nên muốn chen chân vào lãnh địa đó thì tất nhiên phải đánh đổi bằng mọi thứ, sử dụng mọi cách…thậm chí là cách hèn hạ nhất là… "xôi thịt" (ngôn ngữ giới trẻ dùng để chỉ việc khoe thân). Và công thức thật đơn giản: "Mặt xinh+ dáng được+ hàng khủng+ vài chiêu trò gây sốc= nổi tiếng".
Người viết hôm nay không có nhã hứng để bàn về chuyện chơi trội, thích "đánh bóng" bản thân của cô nàng mà cư dân mạng tự tôn là "thánh Tưng", "bà Tưng"… gì đó. Bởi suy cho cùng đó cũng chỉ là một hành động, một cách phát lộ hành xử văn hóa của cá nhân nên việc "ôm bom tự chế" tiến vào showbiz theo kiểu rẻ rúng hay chân chính đều nằm trong phạm vi lựa chọn của cô ta.
Dù bị nhiều chỉ trích, la ó, thậm chí là phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng, từ các nghệ sĩ, hotgirl thực thụ về cách "khoe thân" kệch cỡm này nhưng trong mắt cá nhân người viết, ít ra cô gái mang danh "bà Tưng" này cũng đã thành công ít nhiều trong việc thu hút sự chú ý từ dư luận.
Chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu như những tín đồ Facebook bỏ qua những videoclip hay status đó của "bà Tưng" Lê Thị Huyền Anh. Cứ để cô gái lố lăng đó "một mình, một chợ" thì hiển nhiên sự việc đó sẽ tự nhiên… biến mất. Nếu trách cô gái một thì phải trách những kẻ bấm nút like vô cảm mười lần vì họ mới chính là những "thủ phạm" gián tiếp khơi dậy, phát triển những trò lố ấy một cách rộng rãi. Lượt like (thích), share (chia sẻ) và comment (bình luận) thì như những cơn mưa ào ào đổ xuống. Bởi có mất gì đâu mà lại được chứng kiến những thứ "bổ mắt", "bổ tai".
Người ham lạ thì vừa gật gù vừa nhấn nút like (hàm ý chỉ sự thích thú trên Facebook), người khó chịu thì lắc đầu rồi quay mặt chuyển nội dung, còn đa phần tỏ ra không thích/không ghét và tất nhiên cũng không buồn phản ứng nhưng vẫn nhấn nút like như một việc làm… quen tay.
Chúng ta hay bàn về văn hóa ở nhiều khía cạnh: Văn hóa công sở, văn hóa đọc sách, văn hóa trường học, văn hóa nghệ thuật… và bây giờ chúng ta có cả "văn hóa chơi Facebook". Facebook là một "sân chơi" tự do cần thiết phải có văn hóa? Xin thưa rằng, rất cần. Bởi trong thời đại công nghệ thông tin, "người người Facebook, nhà nhà Facebook" như hiện nay thì việc tự lập ra quy chuẩn về văn hóa, phong cách/thái độ trên "ngôi nhà chung" này là rất đáng làm.
Nếu nghĩ việc nhẹ tay nhấn một nút like sẽ vô hại và không ảnh hưởng đến ai, điều đó vừa đúng nhưng lại không đúng. Nếu như một câu chuyện/bức ảnh/nội dung tốt thì bạn tỏ thái độ thích thú ủng hộ là chuyện bình thường và nên làm. Còn việc nhấn lút like một cách bừa bãi, không đúng ngữ cảnh thì sẽ trở nên lố bịch và vô duyên như khi bạn đi dự đám tang mà lại mặc một chiếc váy hoa sặc sỡ.
Một lý do khác khiến cho việc ngày càng nhiều người bị "nghiện" bấm like đó chính là do hiệu ứng của đám đông. Thấy bạn bè, đồng nghiệp, người thân hay đám đông "like" một nội dung nào đó, dù không ý kiến ủng hộ nhưng nhiều người vẫn bấm "like" để không bị cho là khác người. Nên rất nhiều sự việc/nội dung/bức ảnh dù không đáng được ủng hộ nhưng vẫn có hàng ngàn lượt like…bởi chiếm gần hết trong số đó là những cái like "vô cảm".
Chừng nào còn những tín đồ nghiện "like" thì chừng đó những sản phẩm nghệ thuật hư hỏng còn đất sống.
Bảo Hằng