Triết lý sống của dân đất "rồng nằm"
Hơn một thế kỉ đã đi qua, chiến tranh và thời gian không làm phai mờ những giá trị văn hóa mà người dân sống dưới chân núi Nứa thuộc xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) đang bảo tồn và lưu giữ. Những giá trị trên có được là kết quả của sự đoàn kết, sống và chết tuân theo những triết lý nhân sinh độc đáo của người dân tại đây. Họ luôn hiểu và ghi nhận những triết lý ấy như một quy luật bất thành văn. Và những "sống đồng tịch đồng sàng", hay "chết đồng quan đồng quách" là hai trong những triết lý nêu cao tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của người dân Long Sơn.
Ông Nguyễn Hà Cửu, ở thôn 3 cho biết: "Từ thời ông Trần về đây khai khoang lập ấp sinh ra làng này và truyền vào đây những tư tưởng triết lý sống cao đẹp". Theo lời ông Cửu, ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu (sinh năm 1855, người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành; thuộc xã Tân Khánh Hòa, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay). Cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm và biến động của lịch sử. Năm 30 tuổi, ông Trần tìm đến làng An Định, chân núi Tượng (ngày nay thuộc xã Ba Chúc, Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) để xin làm đệ tử Ngô Lợi - giáo chủ phái Tứ ân hiếu nghĩa, và tham gia kháng chiến chống Pháp.
Cuộc kháng chiến nổ ra nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan, Ngô Lợi thất trận, Lê Văn Mưu phải về quê ở ẩn. Tại đây, ông bị thực dân Pháp truy sát ráo riết. Cuối cùng, ông quyết định đi miền Đông Nam Bộ lánh nạn và phát triển mối đạo. Sau khi bàn bạc cùng gia quyến và đồng đạo, ông chọn vùng đất Đông Nam đảo Long Sơn vốn còn rất hoang vu, nhiều rừng rậm, thú dữ và điều kiện khắc nghiệt như: Thiếu nước ngọt, đất đá cằn khô, sình lầy nhiễm mặn... Mặc dù biết Long Sơn là vùng đất hiểm trở nhưng ông Mưu thấy được địa thế "rồng nằm" của dãy núi Nứa nên quyết tâm khai khẩn.
Một góc đảo Long Sơn.
Tại đây, sau những tháng ngày mồ hôi nước mắt, cuộc sống của những phận đời trôi dạt dần khởi sắc. Ông Trần đã xin phép được quy tụ người dân khắp nơi, nhất là người Tây Nam Bộ đến khai phá thêm đất đai, khuếch trương nghề nghiệp và dần hình thành nên ấp Bà Trao dưới chân núi Nứa. Trong một cuộc sống luôn phải đối mặt với giặc giã, đói kém, ông Trần đã truyền vào người dân nơi đây sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Cũng từ đó, triết lý "sống đồng tịch đồng sàng" ra đời. Quan niệm này hình thành tập quán ăn chung, ở chung, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Những bậc lão niên nơi đây cho biết: Khi dân còn ít, ông Trần cho xây nhà Lớn và cho người dân vào ăn chung, sống chung với mình. Khi dân cư từ những nơi khác đổ về đất này, ông vẫn sống với họ, ăn với họ, ở với họ như một người dân bình thường, dù lúc này ông đã được người dân trân trọng gọi bằng Ông, chủ nhân của nhà Lớn, của làng này.
Cũng chính quan niệm "sống đồng tịch đồng sàng" mà khi chết, dân nơi đây cũng tuân theo tục "chết đồng quan đồng quách". Nhân viên quản lý nhà Lớn cho biết: Khi sống đã không ai hơn ai thì khi chết đi cũng vậy. Ở đây, khi có ai qua đời đều chỉ dùng chung một chiếc áo quan duy nhất thường gọi là bao quan đỏ. Chiếc áo quan có màu đỏ tươi sáng, phía ngoài được trang trí bằng các họa tiết hoa sen một cách tỉ mỉ. Nắp bao quan được đan bằng cây lồ ô, các cạnh được viền bằng tre, mặt dưới của nó là phiến gỗ. Bao quan này được dùng đưa người quá cố đến huyệt chôn cất và chỉ dừng lại đó. Sau khi đến huyệt, thi thể người quá cố sẽ được đưa xuống huyệt trong tình trạng không áo quan. Chiếc áo quan màu đỏ sẽ lại được rước về nhà Lớn để phục vụ cho người sau.
Những triết lý trên từ ngàn xưa đã ăn sâu vào tiềm thức người dân xứ này và trở thành những phong tục đẹp. Nó cũng là cội rễ của phong tục cưới hỏi, ma chay độc đáo.
Làng không cỗ cưới, không lễ tang
Nói về phong tục độc đáo trên, những bậc cao niên đều khẳng định: Đã là người của làng và theo "đạo Ông Trần" thì ai cũng biết và hiểu phong tục này. Những phong tục, tập quán có từ ngày thành lập làng ấp và được sản sinh từ cuộc sống khốn khó của người dân nơi đây. Xa đất liền và phải tránh sự chú ý của người đời, dân làng đảo Long Sơn buộc phải tiêu giảm những lễ nghi rườm rà vốn có để có một cuộc sống bình dị và đạm bạc hơn. Hai trong nhiều tập tục, lễ nghi bị tiêu giảm trên có tục ma chay, cưới hỏi.
Về phong tục cưới xin không coi ngày, không dựng cỗ rình rang độc đáo chưa nơi nào có, ông Nguyễn Hà Cửu cho biết: "Dân cố cựu của làng này đều bắt nguồn từ sự đói khổ, gian nan nên từ xa xưa chúng tôi đã không còn biết đến lễ tiệc đình đám, xa hoa. Việc cưới xin cũng vậy. Người theo "đạo Ông Trần" khi cưới xin không cần coi ngày, chọn giờ và cũng không tổ chức bất kỳ một đám cưới như ở những nơi khác". Theo lời ông cũng như những bậc cao niên làng đảo này, khi đôi lứa đã tìm hiểu và quyết định đi đến hôn nhân thì sẽ được cử hành hôn lễ vào hai ngày đã được định trước từ xa xưa: Ngày mùng 1 và 16 âm lịch hàng tháng.
Đến ngày này, đôi uyên ương chỉ phải chuẩn bị một ít trầu cau theo đúng lễ cưới truyền thống của dân tộc Việt để thực hiện nghi thức rước đại diện của hai gia đình gặp nhau nói chuyện cưới xin. Lễ cưới chỉ giản dị, mộc mạc như vậy và không tiệc tùng, đình đám kéo dài nhiều ngày, nhiều giờ như lễ cưới xin tại các địa phương khác.
Chị Trương Thị May, người đã 10 năm về làm dâu làng đảo Long Sơn, tâm sự: "Mới đầu, tôi cũng hơi buồn, đám cưới có vẻ đạm bạc nếu không muốn nói là nhạt nhẽo. Đối với những người từ xứ khác như chúng tôi, đặc biệt là phụ nữ, ngày quan trọng nhất trong đời con gái lại quá tẻ nhạt, nghĩ cũng tủi. Không người phụ nữ nào lại không muốn đẹp hơn, trang trọng hơn và có một ngày cưới thật vui và nhộn nhịp. Nhưng sau khi hiểu và thấm nhuần tư tưởng, tinh thần của phong tục tập quán quê chồng, tôi cũng thấy bình thường. Ở đây, ai cũng như vậy cả".
Chị nhớ lại, trong buổi gặp mặt nói chuyện giữa hai gia đình, bà con chòm xóm có đến chúc phúc, chung vui thì cũng đến vào ngày hai nhà gặp mặt. Không như đám tiệc thường tình, người thân, chòm xóm đến chung vui không mang theo phong thư, tiền mừng mà chỉ mang đến hoa quả, bánh trái để chung vui như một buổi liên hoan. Sau buổi gặp mặt, cặp tình nhân trẻ sẽ trở thành vợ chồng và được giáo huấn việc sống với nhau sao cho hòa thuận, bởi chuyện ly dị, ly thân sau khi cưới ở đây là điều cấm kỵ.
Với quan niệm bình đẳng, khi đám cưới đã giản đơn thì ma chay cũng thật giản dị. Dân nơi đây luôn tuân thủ phong tục ma chay không lễ tang và nhất nhất không được quá một ngày. Về tục này, ông Cửu cho biết: "Gia đình nào hữu sự cũng chỉ lặng lẽ khâm liệm rồi đến nhà Lớn thỉnh áo quan đỏ về đưa người quá cố đến nơi an nghỉ. Lễ đưa tiễn diễn ra nhanh chóng trong ngày, vì ở đây từ xưa đã quy định không để quá 24 giờ".
Được biết, sau khi thỉnh áo quan đỏ, tang gia nhanh chóng khâm liệm người quá cố rồi bỏ vào áo quan. Việc đưa tiễn người đã khuất đến nơi an nghỉ cũng diễn ra hết sức dung dị. Ông Cửu khẳng định: "Tại đây, dù người quá cố làm quan hoặc dân đen, khi đưa đám cũng dùng chung bao quan đỏ và không kèn trống, không điếu văn hay các nghi lễ cầu kỳ như nhiều địa phương khác".
Đặc biệt, khi đến huyệt, thi thể được nhấc ra khỏi áo quan, cuốn trong một chiếc chiếu mới và đưa vào huyệt trong sự chứng kiến của những người thân thích. Ngay sau đó, nơi an nghỉ của người đã khuất sẽ được nhanh chóng xây kiên cố. Tuy nhiên, điều đặc biệt, trên bia mộ của người quá cố không được khắc bất cứ thông tin gì về người này ngoài một bài thơ đưa tiễn.
Trăm năm trôi qua, những giá trị văn hóa, tinh thần kết tinh từ lòng tương thân tương ái, đoàn kết một lòng vượt qua cuộc sống gian khó của người dân làng đảo Long Sơn vẫn còn đó những nét đẹp độc đáo. Đó không chỉ là vốn quý mà còn là giá trị văn hóa đẹp cần lưu giữ khi xã hội đang có xu hướng bị những luồng văn hóa ngoại lai xâm lấn.
Khu di tích nhà Lớn nổi tiếng khắp vùng Đảo Long Sơn được biết đến là xã ngoại thành duy nhất của thành phố Vũng Tàu. Xã nằm trên đảo Long Sơn cách trung tâm thành phố khoảng 12 km và được nối với Bà Rịa bằng chiếc cầu. Nơi đây nổi tiếng với khu di tích nhà Lớn, một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ. Đây là nơi tập trung sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của những tín đồ theo "đạo Ông Trần". |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài