Chuyện ở nơi cứ ra ngõ là gặp Việt kiều

Chuyện ở nơi cứ ra ngõ là gặp Việt kiều

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Ở vùng quê miền biển tại thành phố Cảng, từ đầu làng cuối xóm, đâu đâu cũng chạm mặt Việt kiều, nhất là vào những dịp cuối năm.

Những ngày cuối năm, hay dịp "xem mặt" cô dâu xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), nếu người ở nơi khác có dịp ghé chơi sẽ vô cùng ngạc nhiên vì đâu đâu, cũng bắt gặp những giọng nói xì xồ, tưởng như lạc vào một khu phố chỉ có người nước ngoài. Ở đây, hầu như gia đình nào cũng có một ông rể ngoại quốc, nhà nhiều có cả 2 - 3 ông rể quý.

Nơi có nhiều kiều bào nhất cả nước?

Theo thống kê, toàn xã có gần 12.000 dân thì có đến hơn 3.000 kiều bào. Đây là xã có số phụ nữ lấy chồng nước ngoài nhiều nhất trên cả nước. Năm 2005, số phụ nữ đi lấy chồng ngoại nhiều nhất, lên tới 600 trường hợp. Nếu trước đây, độ tuổi của phụ nữ khi lấy chồng nước ngoài từ 28 - 35 thì nay độ tuổi này rơi vào 18 - 30. Nhiều gia đình chuẩn bị sẵn mối, chỉ chờ con gái đủ tuổi kết hôn là xuất ngoại. Ngày tết ở đây, nhà nào cũng được đi đón Việt kiều, các cụ già thôn quê lại háo hức với những đứa cháu lai. Nhiều gia đình có con gái đi làm dâu xứ Hàn thì tết năm nào cũng chuẩn bị thêm món kim chi cho rể quý thưởng thức chút hương vị quê nhà.

Pháp luật - Chuyện ở nơi cứ ra ngõ là gặp Việt kiều

Những ngôi nhà tầng mọc lên san sát ở Lập Lễ

Tới xã Lập Lễ, những ngày cuối năm này muốn tìm một chỗ nghỉ qua đêm cũng khó khăn. Tôi cùng một cô bạn vào nhà nghỉ hỏi phòng, ngay bên dưới khoảng sân rộng, một nhóm có chừng 5, 6 người đàn ông Đài Loan đang chuyện trò tíu tít với những cô gái quê. Chủ nhà nghỉ dò xét một hồi rồi trả lời hết phòng. Biết quá rõ về làng quê này, cô bạn đồng hành nói nhỏ: "Đây là nhà nghỉ duy nhất ở đây nên làm khá rộng, khách trọ rất ít nên không mấy khi hết phòng. Hôm nay chắc đúng ngày tuyển vợ nên người ta ngại cho người lạ vào". Cố gắng nán lại một hồi với dăm ba câu hỏi bâng quơ, chúng tôi thấy các cô gái trẻ từ 18 - 23 tuổi đang ra vào trang điểm và í ới hỏi nhau xem nên chọn váy nào.

Thời kỳ những năm 1980, người dân Lập Lễ vượt biên nhiều, cư ngụ ở các nước như Mỹ, Canada, Thụy Điển, Pháp... Từ năm 1999 trở về trước, con gái Lập Lễ thường đi lấy chồng Trung Quốc, tuy nhiên, xu thế từ 2000 - 2002, một số chuyển hướng lấy chồng sang Đài Loan bởi cuộc sống bên đó dễ làm ăn, dễ kiếm tiền gửi về cho gia đình. Khi đã quen với cuộc sống bên đất bạn, nhiều phụ nữ lại tìm cách mai mối cho những cô gái trong họ đến tuổi lấy chồng "lấy chồng ngoại". Nắm bắt được trào lưu lấy chồng nước ngoài, tại vùng quê miền biển này nở rộ dịch vụ mai mối.

Vừa lật giở cuốn sổ thống kê, anh Vũ Hồng Hà (bí thư Đoàn thanh niên xã Lập Lễ) cho biết, thời gian phụ nữ lấy chồng ngoại nhiều nhất là năm 2004 - 2005. Đây cũng là năm mà các mối chuyển hướng qua lấy chồng Hàn Quốc. Các cô gái luôn thường trực ý nghĩ lấy chồng ngoại do vậy, các chàng trai miền biển đành ngậm ngùi kiếm vợ ở tỉnh xa. Có nhà 3 - 4 cô con gái đều lấy chồng nước ngoài, tiêu biểu là gia đình ông Đinh Như Câu (xóm Đường Trưỡng). Năm 2002 - 2003, ba con gái của ông lần lượt qua Hồng Kông làm dâu, ngay sau đó, gia đình xây biệt thự to với tiện nghi hiện đại. Dù trước đó, so với nhiều gia đình trong làng, ông cũng thuộc hàng khá giả nhưng theo xu thế, ông vẫn quyết cho con gái xuất ngoại.

"Chuyện con gái đi lấy chồng ngoại ở đây dễ và thường như cơm bữa. Khi phía Đài Loan, Hàn Quốc có nhu cầu, họ sẽ về tuyển, việc xem mặt thường diễn ra ở nhà nghỉ. Chừng 20 - 30 cô gái ngồi chờ khách nước ngoài xem mặt, sau khi chấm điểm, đám cưới diễn ra ngay sau đó. Chi phí cho mai mối chừng 10 - 20 triệu đồng, phí nhà trai phải lo hoàn toàn, gia đình nào xông xênh thì cho thêm cô dâu Việt khoản tiền để sắm đồ cá nhân", anh Hà chia sẻ.

Bí thư Đoàn xã, anh Vũ Hồng Hà cho biết: "Bình thường, có nhà một năm gửi về chừng 3 - 4.000 USD. Có nhà, bố mẹ xây nhà cửa được con gái gửi cho một năm cả mấy chục nghìn USD".

Thời kỳ những năm 1980, kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, nghề đi biển chưa phát triển, chỉ đánh bắt quanh sông, bám bờ, thuyền nhỏ, thô sơ, làm ăn phụ thuộc ngư nghiệp, nông nghiệp kém phát triển, các gia đình chủ yếu là nhà rạ, mái lá. Có được sự thay đổi ở Lập Lễ là do nguồn tiền kiều bào gửi về hàng năm. Cũng theo bí thư Hồng Hà, Lập Lễ bắt đầu thay đổi bộ mặt là từ những năm 1997 - 1998 với những ngôi nhà tầng, biệt thự được xây mới. Trên thực tế, việc lấy chồng ngoại là trào lưu, chủ yếu vì lý do kinh tế, có người muốn thoát khỏi sự nghèo đói, có gia đình thích hơn người. Những cuộc hôn nhân ấy hoàn toàn không có tình yêu, cũng chẳng hề có sự tìm hiểu.

Rắc rối thủ tục con rơi

Đi suốt quanh xã, những ngôi nhà cao tầng với lối kiến trúc cầu kỳ mọc lên san sát. Ô tô nhiều, cửa hàng, quán xá tấp nập đủ nói lên sự dư giả của người dân. Thu nhập bình quân đầu người của xã Lập Lễ năm 2010 là 16 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến 2015 là 25 triệu đồng/người/năm. Nhà ở theo tiêu chuẩn của bộ Xây dựng đạt 90%, hoàn toàn không có nhà dột nát.

Trào lưu lấy chồng ngoại ở Lập Lễ phần nào giúp thay đổi bộ mặt địa phương, mức sống của người dân phát triển, giúp mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước, mở rộng sự hiểu biết, quảng bá được đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, những tiêu cực mà Lập Lễ đang phải giải quyết cũng không hề nhỏ.

Bí thư Đoàn thanh niên xã Lập Lễ tỏ ra lo ngại về sự mất cân đối giới tính hiện nay ở địa phương. Không dừng ở đó, các thủ tục tư pháp cho những đứa con lai, những phụ nữ bỏ trốn về hay bị đuổi về rất nan giải. Với trường hợp trốn về thì không được làm thủ tục pháp lý cần thiết. Khi lấy chồng nước ngoài, hộ khẩu tại Việt Nam không còn, để thừa nhận họ là công dân Việt Nam lúc trở về là rất khó. Theo đó, nếu không có khai sinh thì những đứa con lai ấy không đi học được. Chẳng hạn như trường hợp của chị Vũ Thị Huệ (thôn Đường Trưỡng), do cuộc sống khổ cực, chị phải bồng con gái bỏ trốn khỏi gia đình chồng ở Trung Quốc. Giờ nếu muốn làm giấy khai sinh, con gái chị Huệ phải có giấy chứng sinh của nơi đó.

Thời gian gần đây, toàn xã Lập Lễ ước tính có khoảng hơn chục phụ nữ mang con về, rắc rối thủ tục vì địa phương dù có tạo điều kiện cho họ nhưng vẫn phải căn cứ vào luật pháp giải quyết. Éo le nhất là với những người không được giải quyết ly hôn ở nước ngoài, về Việt Nam lấy chồng cũng không thể đăng ký kết hôn, sinh con ra không làm giấy khai sinh được.

Xung quanh những câu chuyện bên chén trà của những cụ ông, cụ bà Lập Lễ, họ vẫn thở dài và ngao ngán với những trường hợp phụ nữ Việt bị lừa lấy phải chồng nghèo. Họ vừa không có tiền gửi về Việt Nam, vừa bị bạc đãi, hành hạ và chẳng được nhà chồng làm thủ tục nhập quốc tịch để đi làm. Có trường hợp, lúc đi xem mặt để lấy là một người chồng cao ráo, sáng sủa nhưng khi ra nước ngoài thì người phải lấy làm chồng vừa già, xấu lại rất nghèo.

Khi ở Việt Nam, nhiều cô gái tưởng tượng ra viễn cảnh được sống và làm việc trong một thành phố hiện đại thì khi sang nước bạn chỉ là những vùng quê hẻo lánh, làm nông nghiệp, cuộc sống chật vật hơn cả khi còn ở nhà.

"Chẳng đâu bằng quê hương"

Chị Đinh Thị Làn sang Hàn Quốc mới một tháng đã phải bỏ về vì khổ cực. Ban đầu, chị về làm dâu được năm ngày thì bị nhà chồng nhốt trong nhà, không cho chị đi làm cũng không cho ra ngoài. Làn đã phải trốn ra ngoài làm, tuy nhiên do không có quốc tịch nên gặp vô vàn khó khăn và phải bỏ về nước. Quanh câu chuyện làm dâu xứ người của con gái Lập Lễ, bà Vũ Thị Tươm, một người dân ở đây thở dài: "Có người sướng, có người khổ nhưng đa phần họ muốn về Việt Nam, chẳng đâu bằng quê hương. Có cô sang Hàn Quốc toàn ăn kim chi, phải bảo người nhà gửi tép khô từ Việt Nam qua, có sung sướng gì cho cam...".

Yến Dương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.