Clip: Richard Fuller hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Trốn lính rồi mê nhạc Trịnh
Tôi tìm thấy cái tên tiếng Anh Richard Fuller của ông trong một lần nghe những người mê nhạc Trịnh tán tụng về các giọng ca đã từng thể hiện rất thành công những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rồi tôi cũng biết, người ta quý ông bởi ông có một niềm đam mê cháy bỏng với nhạc Trịnh.
Hơn thế, Richard Fuller đã gắn bó với người nhạc sĩ huyền thoại ấy hơn 30 năm. Ông đã chuyển niềm đam mê của mình ra thế giới khi chuyển ngữ nhạc của bạn mình ra tiếng Anh và khát khao nó được hát lên trên đất Mỹ.
Richard Fuller cho biết, ông đến Việt Nam vào năm 1969 sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ “để trốn khỏi phải đi lính Mỹ”.
“Sau khi tốt nghiệp, tôi liền nghĩ đến Việt Nam. Trước hết là để theo đuổi một công việc xã hội và sau nữa là có cơ hội tìm hiểu về đất nước các bạn mà không cần phải cầm súng”, ông nói.
Và, sau những năm tháng rong ruổi trên các đường phố Sài Gòn ấy, một cách rất tình cờ, “ông Tây” bắt đầu biết và mê nhạc Trịnh. Ông nói: “Lúc tôi đến Sài Gòn, ngay ngoại thành, tôi đã thấy một số sinh viên đang hát những bài hát cổ động cho hòa bình. Chúng tôi đã gặp nhau và bắt đầu hát với nhau một số bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”.
Tuy nhiên, lần đầu tiên ông nghe nhạc Trịnh là ở phố biển Nha Trang. Richard Fuller kể: “Tôi nhớ một đêm mưa giăng ở Nha Trang trong những ngày mới đến Việt Nam để học tiếng Việt. Trời buồn não nùng trong những đêm mưa rả rích. Cô đơn, tôi mở một băng cassette để nghe Khánh Ly hát”.
“Dù chưa hiểu gì nhưng những giai điệu, những ca từ của những nhạc khúc ấy đã giăng kín tâm hồn tôi với những nỗi niềm. Tôi vốn buồn lại càng buồn hơn. “Từng đêm mưa, mưa lạnh … ngọn sương mù … những ca từ ấy khiến tôi vướng vấn mãi”, ông nói thêm.
Diễm của Diễm xưa là ai?
Sau những lần nghe Trịnh, không biết tự bao giờ, Richard Fuller yêu những nhạc khúc của người nhạc sĩ ấy. Ông bắt đầu học thuộc lòng ca khúc Diễm xưa rồi hát cho thỏa niềm ngưỡng mộ người nhạc sĩ tài ba.
Với chất giọng lơ lớ, Richard Fuller vẫn chiếm được cảm tình của người nghe khi thể hiện Diễm xưa. Những người cùng thời, từng nghe ông thể hiện Diễm xưa cho biết, chất giọng của ông và cách hát của ông gợi lên nỗi buồn lãng mạn và đầy chất thơ.
Richard Fuller cũng nói, ông thể hiện các nhạc khúc của Trịnh Công Sơn bằng chính cả tấm lòng, niềm đam mê bất tận. Có người từng nói, Richard Fuller hát nhạc Trịnh như cởi mở những xúc cảm của bản thân về nhạc điệu, câu từ trong bài hát. Nghe Richard Fuller, người ta thấy rất mộc mạc mà gần gũi và cũng đầy xúc cảm.
Cũng từ việc thể hiện các ca khúc của Trịnh Công Sơn, Richard Fuller vô tình được gặp người nhạc sĩ tài danh. Đó là năm 1972, khi ông lên thăm Đà Lạt. Tại đây, ông đã giao lưu với một nhóm sinh viên yêu nhạc Trịnh. Trong buổi giao lưu này, Richard Fuller say sưa với những nhạc khúc của Trịnh Công Sơn.
“Có lẽ thấy tôi vui nên nhóm sinh viên này đã dẫn tôi đến gặp anh Trịnh Công Sơn. Lúc ấy, anh Sơn mới 31 tuổi. Lúc mới gặp nhau, tôi cứ ngỡ Trịnh Công Sơn cũng là một sinh viên như những người kia. Sau khi biết anh là người đã viết ra những bản tình ca, những bài hát yêu hòa bình, tôi mới ngẩn người ra”, Richard Fuller kể.
Cũng theo ông, trong lần gặp này, ông đem tất cả những hoài nghi, thắc mắc về những ca khúc của Trịnh Công Sơn để hỏi tác giả. Và một trong những điều ông thắc mắc nhất chính là việc nhân vật tên Diễm, xuất hiện trong ca khúc nổi tiếng Diễm xưa có phải là nhân tình của tác giả hay không.
Ông kể: “Trong lần gặp mặt đầu tiên ấy, chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều. Và, tôi đã cố gắng hỏi anh Sơn về việc người tên Diễm trong nhạc khúc Diễm xưa có phải là người yêu của anh hay không. Thú thực, tôi rất trông chờ câu hỏi này. Và rồi, chính tôi cũng bất ngờ như bao sinh viên khác đang có mặt. Anh trả lời tôi một cách không đắn đo rằng không phải như vậy, rằng anh chưa bao giờ gặp cô ấy”.
Sau lần gặp gỡ đầy tình cờ đó, năm 1972, Richard Fuller từ biệt Việt Nam về Mỹ. Tại quê hương, chứng kiến làn sóng biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam bùng nổ, Richard Fuller rất muốn các nghệ sĩ hát những ca khúc Việt Nam về hòa bình. Do đó, ông đã dịch các ca khúc Da vàng chống chiến tranh và gửi cả băng cassette cùng lời bài hát đã được ông chuyển ngữ sang tiếng Anh cho nữ danh ca Joan Baez.
Ông Tây đa tài
Richard Fuller đến Việt Nam vào năm 1969 sau khi vừa tốt nghiệp đại học. Tại Việt Nam, ông tham gia hoạt động trong cơ quan Chí Nguyện Quốc tế (IVS). Ông cũng được biết đến là một trong những người tham gia hoạt động trong chương trình nông nghiệp “Lúa thần nông” mà sau này GS.TS Võ Tòng Xuân đã rất thành công.