Muốn có chỗ, phải đặt trước nhiều ngày
Bà Hoàng Thị H., người dân sống ở khu vực gần nhà tang lễ 125 Phùng Hưng (Hà Nội) chia sẻ: "Vì đây là nhà tang lễ thành phố nên số lượng đám tang tổ chức mỗi ngày rất đông. Bởi vậy, các dịch vụ "ăn theo" cũng tăng lên nhanh chóng. Từ trông xe, bán vòng hoa, bán hương... không thiếu một thứ gì phục vụ cho đám hiếu là ở đây không có". Các dịch vụ cho đám hiếu đều được nhà tang lễ thực hiện hoặc trọn gói, hoặc theo yêu cầu từ phía gia tang.
Khi đề đạt nguyện vọng muốn được tổ chức tang lễ ở đây, một nhân viên trẻ tại đây hỏi: "Người nhà anh đã mất chưa?". Nói đoạn, chị nhân viên này chỉ vào hai dãy số điện thoại ở dưới tờ rơi. Khi chúng tôi liên lạc vào số điện thoại do nhân viên nhà tang lễ hướng dẫn, thì nhận được lời tư vấn... sơ sài hơn những chỉ dẫn của nhân viên nhà tang lễ.
"Cò" nhà xác đang ra giá với tang gia các chi phí đặt chỗ cho người chết
Hỏi về thủ tục đặt chỗ, người của phòng hợp đồng cho biết: "Lịch tổ chức lễ tang trong vài ngày tới đã kín. Anh về xem ngày, chọn giờ trước, sau đó đến đây đặt lịch và thống nhất ngày, giờ với ban tổ chức. Các thủ tục còn lại, nếu gia đình có nhu cầu, nhà tang lễ sẽ lo chu đáo tất cả mọi chuyện".
Không thỏa mãn với những lời giải thích ngắn gọn, chúng tôi ra ngoài, lân la bắt chuyện với một người phụ nữ tên L. chuyên mời chào khách mua vòng hoa.
"Tốt nhất, em nên chuyển người nhà đến một nhà tang lễ khác, vừa sạch sẽ, vừa không phải chờ đợi lâu, mất công. Tôi biết, có người phải nằm nhà xác ở đây gần một tuần mà vẫn chưa được tổ chức phúng viếng. Muốn đặt được lịch ở đây, người thân của người quá cố không chỉ nhanh nhạy mà đôi khi phải biết chấp nhận. Không muốn bị hoãn, chờ lâu, tang chủ phải chấp nhận làm lễ vào những giờ không đẹp lắm, không ưng ý như gia đình đã chọn từ trước", chị L nói.
Thậm chí còn có trường hợp bi thương vô cùng. Theo anh T., người bán vòng hoa trước cổng bệnh viện 354, cách đây không lâu, có người cha đi đặt chỗ an táng cho con rể, nhưng tối về bị nhồi máu cơ tim nên cũng mất luôn. Vậy là người nhà phải gọi điện lại, thay vì đặt một đám, nay phải đặt hai đám. Họ không dám chờ giờ nữa, nhà tang lễ sắp xếp giờ nào gần nhất thì tang chủ thực hiện".
Anh H. (ở Đống Đa, Hà Nội) đã đến đây mấy lần mà vẫn không đặt được chỗ làm đám hiếu cho người thân do chưa thống nhất được về thời gian tổ chức lễ tang với ban tổ chức.
"Tìm được giờ đẹp thì lại trùng với các đám khác. Khi tôi quay về để xem lại ngày giờ, đến nơi thì lại có đám khác chen vào ngày, giờ tôi định chọn. Thế là lại phải hoãn. Tôi đến nhà tang lễ này lần thứ 3 mà không biết có đặt được chỗ không. Chạy đi chạy lại suốt 5 ngày qua, vừa không được việc, vừa bực mình, lại áy náy với người thân đã mất".
Anh H. cho biết: "Người trong nhà tôi rất sốt ruột. Vì để người thân của mình suốt mấy ngày trong hòm lạnh của nhà tang lễ, không được hương khói, không ai nhìn thấy, yên tâm sao được. Đau đớn lắm chứ nhưng nhà tôi quá nhỏ, lại trong ngõ sâu, 2 người đi còn phải tránh, sao chuyển được quan tài... Ai cũng mong người mất sớm được "mồ yên mả đẹp" nhưng tôi đã lỡ đưa vào đây rồi, không lẽ lại chuyển sang nhà tang lễ khác. Thôi thì đành đâm lao phải theo lao vậy".
Những khoản phí "khó đỡ"
Anh T. (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi có người chị gái qua đời, gia đình đến nhà tang lễ P.H để đặt chỗ. Nhưng trong mấy ngày đó không thể tổ chức vì nhà tang lễ đã kín hết lịch. Đang chuẩn bị đến nhà tang lễ khác đặt chỗ, tôi được một người mặc áo bu-dông xanh đến bắt chuyện. Sau khi biết nhu cầu của tôi, người này ra chiều lưỡng lự rồi bảo có thể thu xếp "giúp" được. 10 phút sau anh ta xuất hiện và bảo chúng tôi có thể vào kí hợp đồng theo ý muốn. Có điều phải ứng trước 3 triệu đồng. Sau khi kí hợp đồng xong, đưa thêm cho anh ta 2 triệu đồng nữa.
Anh T. nói: "Tôi đã làm dịch vụ trọn gói ở nhà tang lễ rồi. Thế nhưng, khi vừa liệm xong, "cò" vào bảo, đưa phong bì cho đội liệm 200.000 đồng. Lúc đó, tang gia bối rối, có bao nhiêu người nhà ở đó, không đưa sao được. Lại còn cái người hướng dẫn cúng để lấy khăn và cúng lúc liệm nữa chứ. Tôi cứ nghĩ, đó là dịch vụ trọn gói rồi, không ngờ, "cò" yêu cầu phong bì cho vị cúng đó 300.000 đồng. Ở trong tình trạng tang gia bối rối, gia đình cứ đưa như một cái máy, chẳng biết gì hết... Không đưa lúc đó chắc là không được.
Tôi nhớ, lúc đó tôi không đem tiền theo người, tôi bảo vợ ra chuẩn bị tiền mang vào, có hơi chậm một chút mà "cò" đã nói khó nghe rồi...". Anh T. đau đớn kể: "Bồi dưỡng như thế, nhưng lúc liệm, chị gái tôi vẫn bị họ đặt xuống đất, làm rất qua loa. Tôi xót xa lắm nhưng chẳng biết phải làm thế nào".
Một người phụ nữ bán vòng hoa trước cửa Nhà tang lễ thành phố (125 Phùng Hưng, Hà Nội) cho biết: "Ngày trước, nhà tang lễ không đông như bây giờ vì phần nhiều, người ta đều tổ chức lễ tang tại gia. Nếu có, gia chủ cũng chỉ biếu cho đội khâm liệm gói thuốc, lạng chè gọi là cảm ơn. Bây giờ, cái gì cũng quy ra tiền cho nhanh gọn". Cũng theo chị này, một đội khâm liệm sẽ được bồi dưỡng bằng phong bì 500.000 đồng. Bên cạnh đó còn phải bồi dưỡng cho ông chủ lễ hôm đó với số tiền cũng tương tự, chưa tính đội bê vòng hoa cho khách vào viếng. Phong bì cho đội này ít cũng 100.000 đồng.
Thông thường những khoản phụ phí thì ở nhà tang lễ nào cũng có, nhưng số tiền dùng để "bôi trơn" lại không nơi nào giống nơi nào. Anh V. bán hoa trước cửa nhà tang lễ 354 cho biết: "Số tiền bồi dưỡng thêm của gia chủ không nhiều. Đội liệm mỗi người 100.000 đồng. Bộ phận tổ chức cũng với số tiền như vậy. Số tiền này là "tùy tâm", không bắt buộc phải là bao nhiêu. Công việc của họ phải làm, nên những gia đình nào khó khăn quá, chỉ cần biếu bao thuốc, lạng chè cũng được".
Vẫn theo lời anh V, dưới sự gợi ý khéo của "cò" hoặc ai đó trong nhà tang lễ thì "phí bôi trơn" ở đội tang lễ được gia chủ đưa trực tiếp cho MC, sau đó, MC chuyển đến từng anh em trong đội. Nếu người này tử tế, sẽ chia đôi số tiền. Một nửa họ giữ, số nửa còn lại chia đều cho 6 người tiêu binh. Tính ra mỗi người được khoảng 30.000 đồng.
Nhưng có trường hợp, MC không chia cho anh em đồng nào mà một mình ẵm trọn luôn tiền "phí bôi trơn" của tang chủ. Anh em trong đội biết chuyện không dám nói vì đây là chuyện tế nhị, vừa tránh "mất mặt" nhà tang lễ, vừa tránh làm mất đoàn kết nội bộ.
Quỳnh Chi - Phạm Thiệu
(Còn nữa)