Chuyện quà tặng...

Chuyện quà tặng...

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 4, 20/11/2024 07:00

Đời mỗi người chúng ta chắc chưa ai không từng được nhận quà tặng. Hôm qua tôi xem cái clip mà phải vừa cười vừa khóc.

Một lớp học vùng cao, chắc lớp 2, 3 gì đó, toàn bọn lít nhít, mang quà đi tặng cô nhân ngày 20/11. Một đứa mang cái chai nhựa, trong có mấy con... cua. Đứng lên lễ phép: "Con chúc cô bò nhanh như con cua" tiếng cô cười rất tươi và giòn, và vẫn tranh thủ dạy cháu: "Cô chỉ đi thôi chứ không bò được". 

Một bạn cầm mấy bông hoa, chắc chắn hái ở ven đường, hoa cỏ, đuôi chồn, lau...: "Chúc cô xinh đẹp như bông hoa". Bạn khác, một bịch nilon khoảng 2 lon/bò gạo: "Em chúc cô 20/11 ăn cơm để nhanh lớn hơn". 

Em khác: "Con chúc cô đẹp hơn con... gừng", giọng cô vẫn cười rất hạnh phúc: "Củ gừng nhé, không phải con gừng nhé". Bạn nữa, tặng cô một nhành hoa lau: "Con chúc cô 20/11 cô bay nhanh như... con chim". Bạn nữa, tặng cô một khúc mía và "Con chúc cô 20/11 cô ngọt như mía". 

Có đứa tặng bó rau, đứa xâu ớt vân vân. Món gọi là có giá trị vật chất cao một chút là một cái váy thổ cẩm. Xem clip rồi cười đấy, khóc đấy. Những đứa trẻ vô tư hồn nhiên, tiếng cười và lời cám ơn của cô cứ trong veo và tràn đầy hạnh phúc. Và, cũng chắc là, trong một năm dạy học ở vùng cao, đây là lần duy nhất cô được nhận quà. Tết, 8/3, 20/10 dưới xuôi rầm rộ nhưng các cô giáo vùng cao... vẫn thế.

Cũng có lần, tôi nghe một nhà thơ đàn anh nói chuyện, ông bảo, đời người ấy mà, chả biết đằng nào mà lần. Vật chất càng nhiều thì lại càng thiếu, ví như anh có cái đồng hồ rồi lại vô cùng thiếu... thời gian. Đã có điện thoại rồi thì không thể rời nó được. Nếu lỡ quên là thiếu thông tin ngay, mình thành người vô hình vô ảnh ngay.

Nhưng cái đồng hồ, cuối cùng ra, nó chỉ mang chức năng thông báo thời gian, cái điện thoại để anh nghe và đặc biệt là gọi khi cần.

Mẹ tôi, cán bộ về hưu, và đồng hồ của bà là... bóng nắng. Trước bà có đồng hồ Poljot nhưng cho tôi đeo từ hồi tôi vào cấp 3, để biết giờ mà học theo radio. Và bà lấy... bóng nắng làm đồng hồ. Mà rất chính xác. Cái mái nhà đổ nắng xuống sân chính là cái để bà định vị thời gian. Tôi đã kinh ngạc về điều ấy, và âm thầm so sánh, thấy giờ mái nhà của bà chính xác như đồng hồ tôi đeo.

Nhưng không biết tự bao giờ, đồng hồ nó không chỉ là đồng hồ, và điện thoại nó cũng không chỉ điện thoại.

Thì như cái cáo trạng anh Lê Đức Thọ, cựu bí thư tỉnh ủy Bến Tre đấy, anh ấy được tặng tới 5 cái đồng hồ (là tôi đọc và đếm trong một bài báo), toàn loại trên tỉ cả. Một vài bạn cung cấp thông tin là: "cơ quan tố tụng còn thu giữ 13 đồng hồ của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Trong đó, 10 chiếc là đồng hồ đeo tay các hãng Patek Philippe, Tissot, Speak - Marin, Breguet, Blancpain; 3 chiếc đồng hồ để bàn, có một chiếc hiệu Patek Philippe", tức là tôi đếm thiếu của anh Thọ, xin lỗi anh ạ. Và họ cung cấp luôn, giá chiếc Patek Philippe có giá từ 1 tỉ rưỡi tới 15,8 tỉ, và điện thoại thì tới 9 chiếc, chắc cũng không chỉ để dùng nghe gọi như của người thường chúng ta ... 

Đến đây thì tôi hoa mắt, không thể tính toán quy đổi được nữa, và mới ngộ ra một điều là, té ra đồng hồ nó không chỉ là đồng hồ, và điện thoại cũng thế, dù công năng cũng vẫn để xem giờ (đồng hồ) và nghe, gọi (điện thoại). 

À mà bây giờ các nhà sản xuất họ cũng nhanh nhạy lắm, tích hợp luôn, trong đồng hồ có điện thoại và trong điện thoại có đồng hồ. Đi ngoài đường cứ thấy ông bà anh chị nào giờ tay lên gần miệng rồi vâng dạ các cái thì đích thị họ đang điện thoại.

Và trời ơi là nó đối lập giữa cái cô giáo tôi nhắc trên kia với anh Thọ bí thư tỉnh bao nhiêu, dù khi làm bí thư, anh thừa biết các thầy cô giáo, "nhân dân" của anh, ít nhất ở cái tỉnh mà anh là người có trách nhiệm cao nhất, lãnh đạo cao nhất, phải vì họ mà cống hiến nhiều nhất... sống như thế nào?

Và thực ra nữa, là tôi mới chỉ nhắc tới đồng hồ và điện thoại của anh, chứ anh còn ô tô xịn, còn hàng trăm sổ tiết kiệm, còn sổ đỏ, còn gậy golf vân vân...

Thế tại sao tôi lại lan man từ chuyện cô giáo với học trò vùng cao tới ông Lê Đức Thọ tỉ phú bị cáo kia. Câu trả lời là, dự kiến đúng ngày 20/11 này, tòa án nhân dân Tp. HCM sẽ đưa ông Lê Đức Thọ và đồng bọn trong vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải, du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Và ngày ấy, trước tòa, ông Thọ chắc chắn lại mơ mình được trở lại thành học trò, ngày này mang hoa tới tặng thầy cô. Lại mơ ước giá như ngày xưa đi học mình nghe lời thầy cô, vừa học chữ, vừa học người. Và đã làm người thì đừng tham, đừng đánh mất mình vì vật chất. Người thường đã thế, huống gì mình từng đứng đầu tỉnh, phải lo cho dân, cho tỉnh, cho nước, cho xã hội, chứ đây cứ nhăm nhăm thu vén cá nhân. Và cái cuộc thu vén này nó kéo dài từ khi ông này làm sếp của ngân hàng Vietinbank tới khi ông ấy làm bí thư tỉnh ủy Bến Tre rồi bị bắt.

Cũng thời gian này, một tờ báo đang có hẳn một "chiến dịch" tiếp sức đến trường cho sinh viên nghèo. Hôm kia, đi trên xe với 2 nhà báo, một ông cực hầm hố, chai sạn, da đen sì, tóc quăn tít, râu tua tủa... rất là ngầu, nói sắp tới hình như có tí tiền thưởng gì đó, em sẽ chuyển toàn bộ số tiền này cho cái quỹ ấy. 

Mỗi lần xem clip, đọc những bài báo về những thân phận các cháu học sinh nghèo ấy, có đứa tưởng nghèo tới cùng cực, khổ tới khốn cùng, chưa tới mức học bằng đèn đom đóm nhưng đèn dầu hoặc nhờ điện hàng xóm là có, nhưng chúng vẫn cố gắng học giỏi, đậu đại học, em lại khóc. Tôi rất tin những gì ông nhà báo có vẻ ngoài hầm hố này nói.

Cũng hôm nọ, có cái clip cụ bà ăn xin chỉ rút tờ 2.000 đồng khi chàng trai cho tiền, một xấp tiền lẻ nhưng cụ chỉ chọn một tờ hai ngàn. Chàng trai cố nài bà lấy và bảo con cũng không nhiều tiền. Mãi bà cụ cầm thêm tờ 10 ngàn và cám ơn rồi chúc chàng trai tốt bụng mạnh khỏe, học giỏi. 

Lại nhớ ngày xưa các cụ hay dạy con cháu: "Đói cho sạch rách cho thơm". Xem clip lại nhớ câu ấy và cảm phục, kính trọng bà cụ ăn xin (dù nói thật, tôi không ủng hộ ăn xin, nhà nước nên có cách để nuôi và phân loại bà con ăn xin chứ để thế nó nhếch nhác xã hội, và có vẻ như càng cho thì lại càng nhiều người đi ăn xin, từng có nguyên cả làng làm nghề ăn xin, và cuối năm thì... xây nhà, lên tầng. 

Có nhiều ổ chăn dắt cụ già trẻ nhỏ ăn xin, coi ăn xin là nghề). Bà cụ này ăn xin mà đầy lòng tự trọng, chứ chả như bọn quan tham ăn ngập đầu ra tòa lại lấy giấy khen từ mẫu giáo trở lên để kể công mong được... khoan hồng.

Còn nhiều điều tương phản trong xã hội, còn rất nhiều lòng tốt, việc tốt, người tốt trong xã hội để chúng ta vẫn yêu cuộc đời này. Có điều, những ông quan như Lê Đức Thọ kia, các ông ấy ăn bẩn một cách thất đức quá, khiến chúng ta lại phải... thương hại các ông/ bà ấy...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.