Những hành vi thiếu văn hóa này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của những công chúng yêu văn hóa và cũng khiến cho người ta phải đặt câu hỏi về môi trường văn hóa và lối ứng xử văn minh ở mảnh đất Thủ đô.
Chơi xấu nhau theo kiểu chợ búa
Mới đây, banner quảng cáo của chương trình In the spotlight Người Hà Nội treo trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội đã bị xé rách, ảnh ca sĩ bị cắt nát rất phản cảm. Trong khi ba mặt của Nhà hát Lớn tràn ngập băng rôn của các chương trình khác, còn băng rôn của Người Hà Nội chỉ được treo khá khiêm nhường thì nó vẫn không thoát khỏi hành động phá hoại từ các công ty đối thủ với đơn vị tổ chức - công ty Mỹ Thanh. Việc băng rôn một chương trình ca nhạc được treo ngay trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội - địa điểm được coi là văn hóa nhất Thủ đô bị phá hoại không thương tiếc đã khiến cho nhiều người không tránh khỏi phẫn nộ. Điều đáng nói là sự việc này diễn ra hai lần liên tiếp (13 và 15/7) khiến cho bà Mỹ Trang - Phó giám đốc công ty Mỹ Thanh đã lên tiếng trước báo giới tỏ rõ sự bức xúc nhưng sự việc cũng chỉ rơi vào im lặng. Thêm vào đó, Ban tổ chức cũng thường xuyên nhận được những lời dọa giết, đốt nhà bán vé vì họ không bán vé cho phe vé để đảm bảo khán giả mua được giá gốc khi đi xem chương trình.
NSƯT Đức Chính cho rằng những sự việc này sẽ làm ảnh hưởng đến cảm nhận của công chúng.
Trước đó, vào tháng 10/2012, phòng vé của chương trình Hồng Nhung: Có phải em mùa thu Hà Nội cũng từng bị đổ chất thải hay trong các đêm nhạc của Trịnh Công Sơn (8/2012), Trần Tiến (1/2013) nhà tổ chức cũng thường xuyên nhận được những lời hăm dọa côn đồ, mang tính chất chợ búa. Biết đây là chiêu bẩn từ phía công ty đối thủ nhưng đơn vị tổ chức cũng không thể làm gì trước hành vi "ném đá giấu tay” này.
Chuyện các đơn vị tổ chức hoặc ăn theo sự kiện "triệt hạ" nhau bằng hành vi cắt, phá băng rôn đã từng xảy ra nhưng phần lớn vụ việc đều được các bên tự dàn xếp hoặc cho qua. Cách đây vài năm, một công ty tổ chức chương trình ca nhạc ở Hải Phòng cũng đã bị một công ty bạn chơi xấu nhưng cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Điều đó cho thấy những hành động cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty tổ chức sự kiện diễn ra là do cạnh tranh nhau về độ "nóng" của chương trình, nhất là khi các chương trình lại diễn ra gần nhau về thời gian và địa điểm thì sự cạnh tranh đó càng khốc liệt hơn. Hành vi thường thấy là họ thuê người xé rách băng rôn quảng cáo, thuê đầu gấu để "làm luật" với công ty đối thủ.
Đây là câu chuyện đã từng xảy ra từ lâu vào nhiều năm về trước khi các ông bầu, các đơn vị tổ chức sự kiện ở miền Nam hay miền Tây ra miền Bắc biểu diễn và quảng bá chương trình. Khi đó, sự cạnh tranh trong những show diễn tỉnh dẫn đến chuyện rạch nát hay bôi bẩn băng rôn quảng cáo là chuyện xảy ra như cơm bữa. Những sự việc gần đây bùng phát khiến cho nhiều người liên tưởng Hà Nội lại quay lại thời kỳ đầu của những show diễn tỉnh khi đó và hành động thiếu văn hóa xảy ra ngay tại những thành phố lớn khiến cho nhiều người không khỏi bất ngờ. Thậm chí có nhà tổ chức phải thốt lên rằng: "Làm văn hóa ở "thành phố hòa bình" mà cứ như... buôn ma túy vậy".
Chuyện rạch banner, phá hoại phòng vé là việc làm thường thấy trong hoạt động tổ chức sự kiện.
Vẫn tồn tại những “con buôn” nghệ thuật?
Chung quy lại những hành động vô văn hóa kể trên là bề nổi của cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị tổ chức biểu diễn. Các công ty chơi xấu và xử ép lẫn nhau nhằm đạt đến mục đích cuối cùng là dìm hàng đối thủ và kiếm phần lợi về cho mình thông qua lợi nhuận thu được từ phòng vé. Nhưng điều có thể thấy rõ là hầu hết thủ phạm của những hành động phá hoại ngầm đều không bị xử lý trước pháp luật.
Ở trong trường hợp phá hoại băng rôn chương trình Người Hà Nội, kẻ phá hoại nhằm vào đơn vị tổ chức là công ty Mỹ Thanh nhưng e rằng, việc hại người khác lại là hành vi tự giẫm đạp lên chính mình. Bởi khán giả sẽ phải đặt câu hỏi rằng, chương trình đó hay đến mức nào mới khiến cho đối thủ cạnh tranh với hành động cùng đường như thế? Kết quả là người ta sẽ chú ý và kéo tới xem chương trình đông hơn. Nhưng điều đáng nói ở đây là họ mang danh là những người tổ chức sự kiện văn hóa nhưng vì sự cạnh tranh nhỏ nhen lại bất chấp hành động và làm xấu đi hình ảnh của người mang văn hóa đến công chúng.
Nói về vấn đề này, ca sĩ NSƯT Đức Chính không khỏi bức xúc: "Những hành động phá hoại ngang nhiên đó mang tính chất chợ búa và không nên có ở mảnh đất Thủ đô. Những thứ không được bàn bạc trên cơ sở hợp tác và tuân thủ pháp luật sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người nghe và bộ mặt văn hóa, văn minh ở môi trường nghệ thuật. Tôi ngạc nhiên vì những sự việc như thế trước đây thường chỉ diễn ra ở các show diễn nhỏ lẻ ở các tỉnh, do các ông bầu đứng ra tổ chức thì nay lại ngang nhiên diễn ra ở một địa điểm văn hóa bậc nhất Thủ đô, với một chương trình âm nhạc có uy tín".
Điều có thể thấy rõ ràng là hành động phá hoại này chỉ như việc ném đá ao bèo vì với thương hiệu của các ngôi sao xuất hiện trong các chương trình cũng đã đủ để thu hút khán giả đến mua vé, việc có những chuyện lùm xùm quanh chuyện quảng bá không khiến cho ít người quan tâm hơn đến các sự kiện này. Ví như chương trình Người Hà Nội có sự góp mặt của Mỹ Linh, Hồng Nhung, Quang Dũng cũng đã đủ để lôi khán giả đến đêm nhạc bởi họ bỏ tiền ra mua vé không phải vì ban tổ chức mà là để được nghe những ca sĩ họ hâm mộ hát.
Đứng ở góc độ của một người chuyên đứng ra tổ chức các sự kiện truyền thông, anh Thế Hiển, hiện đang công tác tại Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cho biết: "Các công ty tổ chức sự kiện sử dụng chiêu trò là chuyện bình thường nhưng chơi xấu lẫn nhau bằng những hành động vô văn hóa là không thể chấp nhận được. Thêm vào đó có nhiều chương trình mang danh là sự kiện văn hóa như Đêm hội chân dài mới được tổ chức gần đây hay Vũ điệu đường cong diễn ra vào năm ngoái nhưng lại không hề có văn hóa khiến cho người ta có cái nhìn ác cảm với các chương trình mang danh nghệ thuật. Nó thu hút sự quan tâm của công chúng bởi nó đánh vào thị hiếu tò mò của dân Việt hiện nay, khi đẳng cấp về văn hóa chưa tới tầm, người ta dễ cuốn theo chiều hướng đua đòi và những ông bầu tổ chức thường lợi dụng điều đó để kinh doanh".
Rõ ràng khi các công ty tổ chức sự kiện chơi xấu lẫn nhau, tạo scandal gây tò mò để hút công chúng mua vé có hai mặt tích cực và tiêu cực. Một mặt, nó giúp cho cả người bị hại hay người gây chuyện đều bán được vé, hướng đến mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Nhưng mặt khác, nó lại ảnh hưởng đến hình ảnh văn hóa và môi trường hoạt động nghệ thuật chung. Thêm vào đó, việc ngăn chặn những hành vi ném đá giấu tay trong hoạt động nghệ thuật này là điều khó có thể thực hiện và theo đó, đơn vị bị hại cùng khán giả là người lãnh đủ.
“Bẩn” tính NSƯT Đức Chính cho rằng, về luật pháp đã có những quy định, chế tài để xử phạt những đơn vị và cá nhân có hành vi phá hoại hay đe dọa đến Ban tổ chức các chương trình, sự kiện nhưng cần có sự phối hợp liên ngành giữa địa phương sở tại với bộ VHTT&DL. "Chuyện này bình thường ở chỗ lĩnh vực nào cũng có những hành vi chơi xấu để cạnh tranh nhau nhưng nó lại là con sâu bỏ rầu nồi canh, khi nó ảnh hưởng đến nhận thức của những công chúng yêu văn hóa", ông cho biết. |
Loan Thanh