Và rồi có một trào lưu đang trở nên hot trong vài ngày qua đó là chế lại màn khoe giày, quần, áo, túi xách của các “rich kids”. Không dừng lại ở việc chế, làm theo mà nhiều người còn mạt sát, lên án… những đứa trẻ “con nhà giàu”.
Tuy nhiên, những đứa trẻ đó vì mặc đồ hiệu đắt tiền mà bị chỉ trích, mạt sát liệu có đáng không? Và những người chỉ trích, mạt sát chúng như kẻ thù, bắt chúng phải sống theo mình, sao không chấp nhận hoàn cảnh mình đang sống?
Thứ nhất, tôi thấy chúng không đáng bị như vậy. Với những gương mặt trẻ măng hồn nhiên bóc giá từng cái quần, chiếc áo chắc chắn không phải do chúng có khả năng kiếm được ra số tiền đó để mua thứ đồ hàng hiệu đắt đỏ. Nhìn qua là cũng có thể thấy ra, cha mẹ chúng là người đã cung cấp. Vậy điều đáng bàn ở đây là việc cha mẹ nuôi dạy con như thế nào, có cho con dùng đồ hàng hiệu đắt tiền hay không? Mũi tên ta cần đặt là ở những ông bố bà mẹ chứ không phải “rich kids”.
Tôi nghĩ, khi các ông bố bà mẹ kiếm ra tiền, đều chung một tâm lý muốn con mình được ăn ngon, mặc đẹp. Cái đó đâu có sai, đúng không? Cái quyết định tương lai thành hay bại của một đứa trẻ đó là nền giáo dục của gia đình đối với nó.
Nghĩa là: Bạn dành cả cuộc đời để xây dựng sự nghiệp vì gia đình, vì con cái. Bạn dành của cải, tiền bạc để cho con những đồ tốt nhất, đắt nhất. Bạn cho con đi du học nước này nước kia. Bạn bao bọc con trong vòng tay muốn gì được đấy mà không dạy con cách lao động để biết quý trọng giá trị của đồng tiền. Được bao bọc từ nhỏ, lớn lên chúng mất đi giá trị cống hiến cho xã hội khi công việc này thì chê ít tiền, công việc kia thì kêu áp lực, quá sức… Và khi bạn không thể bao bọc chúng, khi con bạn phải ra ngoài xã hội, nó sẽ thành ra thế nào? Bạn thử ngồi tưởng tượng xem.
Tôi có một người cô cũng coi như được xếp vào vị trí nhà giàu. Cô cho đứa con gái học ở một trường quốc tế đắt đỏ. Thế nhưng, chưa một lần cô dễ dãi trong việc cho con tiền bạc. Bất kể khi cần một món đồ gì, đứa bé cũng phải giải thích cho cô biết giá trị, lợi ích của món đồ đó. Cô dạy con hiểu được việc ba mẹ kiếm được đồng tiền cũng khó khăn như thế nào, giá trị của đồng tiền ra sao. Tuy bé nhà cô mới học lớp 10 nhưng cô bé tự đi kiếm tiền tiêu để đáp ứng những đam mê, sở thích của mình mà không hề xin ba mẹ một đồng. Đặc biệt, cô bé còn biết cảm thông, san sẻ với những người bạn nghèo, gia cảnh khó khăn. Cô bé luôn biết ơn cha mẹ vì đã cho mình một cuộc sống đầy đủ, một môi trường giáo dục tốt.
Có lẽ, đó là hai kiểu giáo dục đặc trưng của những gia đình giàu có.
Tôi có đọc được những lời này trên mạng xã hội: “Hồi tôi bằng tuổi chúng, tôi chỉ có mặc quần áo thải lại của anh” hay ”Bằng chứng cho việc mặc đồ hàng chục triệu đồng vẫn không thể làm mình đẹp lên. Có tiền thì tu sửa nhan sắc rồi mặc gì nhìn cũng đẹp”…
Đó là điều thứ hai, tôi muốn đề cập đến. Đã từ bao giờ, ta tự cho mình cái quyền bắt người khác phải sống theo cách của ta. Họ có tiền họ có cách tiêu của họ. Hãy coi chuyện người khác may mắn sinh ra đã giàu có là điều ngẫu nhiên và bình thường đi. Cuộc sống vốn là như vậy, nên hãy vui vẻ chấp nhận, không nên ghen tỵ với may mắn của người khác. Ai cũng có thể “sống chất” cho dù không may mắn như người khác. Như nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội có suy nghĩ rất sâu sắc khi cho rằng: quần áo xịn đến mấy cũng không bằng một con người có suy nghĩ chín chắn, biết bao dung, yêu thương mọi người, đặc biệt có trách nhiệm với gia đình và cuộc đời mình.
Với tôi, tôi sẽ chọn cách chấp nhận cuộc sống hiện tại mà mình đang có và tôn trọng cách sống của người khác. Còn bạn thì sao?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả