Những câu hỏi về số lượng S300 đến Syria
Bằng quyết định ấn tượng, chỉ 2 tuần sau khi xảy ra sự cố phòng không Syria bắn hạ máy bay trinh thám của Nga và làm thiệt mạng 15 người, Moscow hiện đã hoàn tất việc chuyển giao hệ thống phòng thủ tối tân S-300 tới căn cứ Khmeimim của mình ở Syria.
Ít nhất 7 chuyến bay của chuyên cơ vận tải cỡ lớn Antonov An-124 đã thực hiện sứ mệnh chuyển S-300, cất cánh từ Murmansk và bay qua Iran, Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố việc chuyển S-300 đã hoàn tất vào hôm 2/10 đồng thời khẳng định vũ khí này sẽ được hợp nhất với hệ thống phòng thủ của Nga ở đây vào ngày 20/10. Người đứng đầu bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định người Syria cũng sẽ được huấn luyện cách sử dụng hệ thống này trong vòng 3 tháng.
Rất nhiều câu hỏi được các nhà phân tích quân sự Nga đặt ra nhưng chưa thể trả lời một cách đầy đủ. Liệu hệ thống S-300 được chuyển giao tới Syria đã là những phiên bản tân tiến nhất? Có bao nhiêu bệ phóng đã được chuyển tới Syria? Hay mục tiêu trang bị hệ thống phòng không này cho chính quyền ông Assad là gì?
Trước đây, Nga từng nhắc đến việc trang bị cho đồng minh Syria hệ thống S-300 nhưng động thái mới đây của Moscow diễn ra sau vụ máy bay IL-20 bị bắn hạ và điều này được cho là làm khó cho lực lượng không quân Israel khi hoạt động ở lãnh thổ Syria.
Nga từng đổ lỗi cho Israel vì hành vi “khiêu khích” tấn công vào cơ sở sản xuất tên lửa của Iran-Syria gần Latakia. Tuy nhiên, những ngày gần đây, thái độ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” với Israel của Nga đã giảm bớt và ông Shoigu khi thông báo chuyển giao S-300 cũng không đề cập gì đến Israel.
Phải chăng đây chỉ là phản ứng đơn thuần với vụ máy bay IL-20 bị bắn rơi? Hay thực sự đây là cớ để Nga thay đổi chiến lược rộng lớn hơn ở Syria?
S-300 không thể ngăn Israel tấn công vào các mục tiêu của người Iran ở Syria. Nhưng hệ thống phòng thủ này sẽ làm thay đổi khả năng hoạt động quân sự và điều này đồng nghĩa với việc Israel sẽ phải chấp nhận hạ thấp khả năng hoạt động của mình ở Syria.
Israel có kinh nghiệm, kiến thức và cả trang thiết bị để né tránh S-300. Nhưng thực tế, khi có hệ thống phòng thủ tiên tiến này, lại do chính người Nga điều khiển thì Israel hiển nhiên sẽ phải cảnh giác cao độ.
Ngoài ra, các trang thiết bị tiên tiến khác cũng giúp Nga và các đồng minh của Syria tránh được các nguy cơ cũng như ngăn được những vụ tai nạn như thể vụ phòng không Syria nã đạn vào các máy bay Nga.
Tuy nhiên, hiện Tổng thống Nga Putin đã có nhiều lựa chọn khác. Hôm thứ 4, ông Putin cho biết ông muốn mọi lực lượng nước ngoài thực sự rời khỏi Syria.
Đằng sau một quyết định
Nhà lãnh đạo Nga cũng nhắc tới khoảnh khắc “hoàn thành sứ mệnh” của Nga tại Syria và khi đó ông Assad sẽ kiểm soát toàn bộ đất nước Trung Đông này. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao lực lượng Nga lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ như cách Moscow lý giải khi đưa S-300 tới Syria?
Trước đây, ông Putin từng nói những điều tương tự nhưng thực tế Nga vẫn ở lại Syria. Và nếu như Nga rút lực lượng khỏi Syria là sự thực thì việc Moscow trang bị thêm hệ thống phòng không cho ông Assad quả là điều khó lý giải. Tuy nhiên, với Tổng thống Putin, ông luôn muốn có nhiều lựa chọn nhất có thể. Và chắc chắn Nga chưa muốn rời khỏi Trung Đông sớm.
Hơn bất cứ điều gì, việc chuyển giao S-300 là dấu hiệu cho thấy ông Putin đang xây dựng chiến lược dài hạn cho Nga.
Xem thêm >> Nhận định đanh thép của TT Putin về sự hiện diện của Mỹ tại Syria