Kể từ ngày "chân ướt chân ráo" truy cập vào internet bằng chiếc máy tính để bàn to lớn cồng kềnh, tôi đã nhận được rất nhiều lời cảnh báo từ cha mẹ, thầy cô giáo về những hiểm họa khôn lường trên mạng. Trong đó, các "văn hóa phẩm đồi trụy" là hiểm họa khiến người lớn cảm thấy bất an nhất.
Gần 10 năm trước, sau scandal lộ clip sex của một diễn viên trẻ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, không ít các bậc phụ huynh hoặc công khai tra hỏi hoặc ngấm ngầm tìm hiểu xem con mình đã xem đoạn video nhạy cảm đó hay chưa. Phân nửa sĩ số lớp em gái tôi khi đó phải ngậm ngùi hạ poster in hình thần tượng xuống, vứt bỏ các tấm ảnh chụp kiểu Hàn Quốc có khung viền là cảnh cắt từ bộ phim sitcom đình đám ngày ấy. Bạn tôi kể rằng, bố nó suýt chút nữa thì ném cả cái điều khiển vào TV khi nhà đài phát sóng chương trình chia tay đẫm nước mắt với sự góp mặt của cả ê-kip thực hiện bộ phim.
Tuy nhiên, chính thái độ quá gay gắt, áp đặt lại càng khơi gợi sự tò mò tồn tại trong tiềm thức con trẻ, thôi thúc chúng làm trái ý người lớn. Có những bạn chưa từng xem một phân cảnh nào thuộc bộ phim sitcom kia, chưa biết đến chuyện clip sex bị phát tán lên mạng, nhưng vì đi đâu làm gì cũng nghe thấy người ta bàn luận, tranh cãi, bày tỏ cảm xúc về những hình ảnh "đồi trụy" xuất hiện trong clip nên mới thử tìm kiếm để xem... cho biết. Một sự thật nữa là, dù đoạn clip sex của người nổi tiếng không bị rò rỉ, người dùng mạng vẫn có hàng triệu "lựa chọn" khác - chỉ cần họ muốn và có đủ tiền để trả cho nhu cầu của mình.
Mọi chuyện cũng xảy ra tương tự với người dùng Facebook thời gian gần đây, khi họ ngày càng được nghe nhiều hơn về một hình thức "show hàng" mới của giới trẻ - "show hàng" bằng tính năng live stream (một hình thức truyền hình trực tiếp).
Trong khi đa số cánh mày râu chỉ dám theo dõi một cách lén lút thì các chị em lại rất tích cực chia sẻ, bình luận - dĩ nhiên là với thái độ khinh miệt rõ rệt - về ngoại hình của "nhân vật chính". Sử dụng cách diễn đạt đối với "kẻ bề dưới" nhưng thái độ thiếu kiềm chế ở họ dường như đã bộc lộ sự tị nạnh, đố kị rất "phụ nữ".
Công bằng mà nói, các bạn nữ chủ đích câu like qua live stream đều rất xinh đẹp. Mà, cái đẹp thì ai chẳng muốn ngắm lâu hơn cái bình thường và cái xấu? "Sở thích" này gắn với bản năng của chúng ta, chẳng liên quan đến nhân phẩm hay đạo đức gì hết!
Nếu các bạn nữ đó live stream trên sân khấu Victoria’s Secret FashionShow, tôi cá rằng đám đông sẽ tự nguyện đập vỡ định kiến của bản thân.
Còn nhớ, khi lên tiếng ủng hộ hợp pháp hóa lao động tình dục trên trang cá nhân, một chị U40 đã dùng những lời lẽ hết sức nặng nề để thóa mạ tôi, thậm chí còn "chúc" con gái tôi trở thành "gái bán hoa" để tôi thấy ân hận suốt đời.
Vì những người hiểu sai hoàn toàn về "bình quyền", "nữ quyền" mà phong trào đấu tranh đòi quyền cho phụ nữ đã gặp phải không ít thách thức, khó khăn. Thay vì kêu gọi các tổ chức và cộng đồng chung tay bảo vệ quyền được chăm sóc, khỏe mạnh, quyền được đối xử bình đẳng như người có nhân phẩm, họ lại đẩy lao động tình dục vào môi trường thiếu an toàn - nơi những người phụ nữ có thể bị bạo hành, bị quấy rối tình dục, bị đối xử bất công kể cả khi đã đạt được thỏa thuận với "khách hàng".
Cá nhân tôi cho rằng các bạn nữ "show hàng" không đáng bị phê phán dữ dội như vậy. Cái chúng ta cần bây giờ là một giải pháp thông minh từ Facebook, như thiết lập giới hạn độ tuổi người xem giống các video trên Youtube chẳng hạn.
Cuối cùng, tôi không hiểu vì sao nhiều bạn than phiền rằng "cứ mở Facebook là trông thấy live stream lột đồ, khoe hàng”. Nếu không bị bạn tag (gắn tên) vào một video đang phát trực tiếp, tôi cứ nghĩ chuyện “show hàng” chỉ tồn tại ở các ứng dụng trò chuyện và nhắn tin trên điện thoại thông minh.
Chẳng phải những gì xuất hiện trên bảng tin đều thể hiện mối bận tâm thực sự của bạn hay sao?
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả