Chẳng cần cất công lên rẫy nữa, cứ rủ họ vào quán nhậu, quán cà phê mà đi sim cùng những bài hát có chữ chạy trên màn hình cái tivi ấy. Con gái trên này giờ đây cũng "kết" cái kiểu đi sim này.
Những cô gái không chồng, con không cha sau những đêm đi sim
Khi sơn nữ nhẹ dạ cả tin
Cái gì trái với quy luật, trái với văn hóa truyền thống thì đều để lại những ẩn họa buồn cả. Trong các bản của xã mà tôi đã tìm vào thì bản nào... cũng thấy những giọt nước mắt ngắn dài của các thiếu phụ trẻ tuổi và những đứa con không rõ cha mình sau những đêm hoan lạc của tục đi sim đang bị biến thể này.
Chị Hồ Thị Nhũ ở bản 2 đã xót xa nhỏ lệ khi được tôi hỏi về những người mẹ trẻ đang gánh đớn đau về những lần đi sim theo kiểu hiện đại này. Chị Nhũ bảo: Nỏ biết tụi trẻ giờ nghĩ răng mà chúng toàn rủ nhau ra quán thôi. Thế là có chuyện con sinh ra không có bố, xấu hổ và khổ lắm. Nhưng những đứa con gái tiếp theo cũng chẳng biết chuyện này. Thanh niên nó rủ, lại đi, lại khổ. Càng ngày, càng có nhiều con gái ở đây khổ như rứa!
Nhiều người mẹ trẻ sớm gác vui vẻ sang bên để gánh lấy những buồn phiền trong những lần đi sim ở quán cà phê, quán hát karaoke và cả quán nhậu nữa. Ám ảnh tôi nhất là người mẹ có tên Hồ Thị Ven, ở bản 5. Nhà cô ở giữa xã Thanh, trông tiều tụy như một cái lều canh rẫy đã qua nhiều mùa.
Ven kể, ngày đó, trong lúc bạn bè cùng lứa đang vui vẻ, nhẩy chân sáo để đi nương, đi rẫy, để chờ mùa lễ Puh Boh trong năm thì Ven đang thất thần bên chiếc bếp củi leo lét và đứa con chưa đầy tuổi trên tay. Trò chuyện, Ven cho biết cô có đứa con này trong một lần cùng mấy đứa bạn sang xã khác chơi và được tụi thanh niên bên ấy rủ đi sim trong một quán karaoke. Thú thực, tới nay Ven vẫn không biết bố con mình bố là ai.
Ven bảo, sau lần đi sim theo cái kiểu hiện đại ấy, cô đã "nghiện" và đi nhiều lần nữa. Trong tiếng nhạc, trong men rượu bia, không kiềm chế được, Ven đã cho tụi thanh niên làm cái chuyện ấy. Và tự dưng thấy cái bụng cứ to ra. Chả biết của ai, đã trót, đã có con rồi đành phải để thôi. Giờ thấy xấu hổ lắm, thấy nghèo khó lắm nhưng không biết làm thế nào nữa.
Nhà của Hồ Thị Cúc ở bản 3 (xã Pa Tầng). 6 năm trước, Cúc là một cô gái đẹp trong bản, nhiều chàng trai theo đuổi khiến cô tự hào. Nhưng Cúc lại phải lòng Hoàng - Chàng công nhân mới quen có giọng nói ngọt ngào như ru ngủ. Quãng thời gian yêu nhau, Hoàng đã vẽ ra cho Cúc những viễn cảnh về một cuộc sống trong mơ. Nào là sẽ dựng nhà, sẽ làm lễ cưới... Tin tưởng, trong những lần đi sim Cúc sẵn sàng cho tất cả và rất hồ hởi khi thông báo với người yêu là mình có thai.
Trớ trêu thay hôm trước vừa báo tin thì hôm sau đến tìm Cúc không còn thấy Hoàng đâu nữa. Hỏi ra mới biết rằng Hoàng đã về quê ở tận ngoài Bắc và không bao giờ quay lại. Hỏi về chuyện tình của chị với chàng công nhân làm đường tên Hoàng, Cúc cố nén nỗi đau chua chát: "Kẻ lừa đảo ấy nhắc đến làm chi".
Giống với "kịch bản" của Hồ Thị Cúc là Hồ Thị Phước ở thôn 9 (xã A Túc). Trong ngôi nhà lá tồi tàn, đôi mắt Phước như dại đi khi nhớ lại "mối tình đầu": "Chuyện lâu rồi nhắc lại làm chi cho khổ cái thân. Hắn đã bỏ mình đi khi cái thai mới được mấy tháng thôi". Mối tình ngọt ngào của sơn nữ với chàng công nhân tên Hùng quê Thái Bình làm đường qua xã như được chắp cánh bởi sự đồng ý của cha mẹ Phước. Thế nhưng, khi mối tình đơm hoa kết trái bởi lời thổ lộ hơi chút ngại ngùng của Phước rằng mình đã có thai, Hùng không chút lưỡng lự khuyên cô nên phá thai đi. Phước bảo: "Hắn nói hãy chờ hắn về thưa với cha mẹ, chờ hắn dựng nhà đã rồi mới sinh con. Nhưng hắn đã chạy rồi".
Những đứa trẻ không cha vì mẹ chúng đi sim
Phước tới công trường, nhiều người muốn giúp cô nhưng ngay cả họ tên, quê quán và cả đơn vị của "chồng" cô cũng không biết nên không cách gì tìm được. Chị cố tin rằng anh về nhà thưa với cha mẹ để vào nhận mình, rằng anh đang chuyển đi làm công trình đột xuất và sẽ quay trở lại đón mình. Nhưng ít lâu sau, có người bạn Hùng đến tìm và nhắn nhủ với Phước rằng anh đã có gia đình, đã có con và khuyên nên quên anh ấy đi...
Ngày vượt cạn chỉ có Phước một mình trong trạm xá của xã. Nhiều người hỏi về chồng, cô chỉ biết ứa nước mắt. Nhưng khổ thay đứa con sinh ra được một tuần thì chết. Người thì nói vì Phước không biết nuôi con, có kẻ lại nói do Phước không muốn giữ đứa bé. Ai nghĩ sao thì mặc còn với Phước thì: "Khi còn nằm trong bụng nó đã khổ lắm rồi. Lúc đẻ nó ra mình cũng không có sữa để cho nó bú nữa, nó khóc quá nên kiệt sức mà chết".
Không chỉ ngần ấy hệ lụy
Người dân tộc Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị bao đời nay vẫn tự hào vì đã có những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mình. Nhưng những phong tục, nếp sống chịu ảnh hưởng của đời sống xã hội hiện tại. Tục lệ đi sim vì thế mà mất dần nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người Vân Kiều và gây ra nhiều hậu quả xấu.
Sự mong mỏi người chồng, người cha trở lại
Anh Hồ Giỏ - Phó chủ tịch UBND xã Thuận - kể câu chuyện như sau: Hồ Ing (ở bản 5) và Hồ Thị Krai (ở bản 2) lấy nhau vừa được 6 tháng, khi cả hai đều ở tuổi trên dưới 16. Đám cưới tổ chức vội vàng vì cái thai trong bụng Krai đã quá lớn, hậu quả của việc đi sim. Cách đây mấy hôm, Krai quyết định chia tay Hồ Ing và ôm đứa con đỏ hỏn trở về nhà bố mẹ đẻ trong tâm trạng tuyệt vọng. Theo anh Giỏ, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ con đã tan vỡ như vậy, lý do chính là cả hai còn quá trẻ, kinh tế chưa có, lại không biết lo toan và giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong gia đình.
Cũng theo anh Giỏ, tình trạng tảo hôn trong cộng đồng người Vân Kiều, Pakô vẫn phổ biến và không ít trường hợp kết hôn khi tuổi đời còn rất nhỏ, thậm chí mới 12 tuổi. "Xã không cho phép nhưng họ cứ lén lút cưới hoặc khai thêm cho đủ tuổi để cưới" - Anh bức xúc. Bấm đốt ngón tay, anh Giỏ tính sơ sơ xã này có cả chục phụ nữ mới ngoài 20 tuổi nhưng đã là mẹ của... một đàn con. Điển hình như Hồ Thị Chơn ở bản 7, mới 28 tuổi có 8 con; ở bản 6 có Hồ Thị Phượng 22 tuổi đã 6 con và Hồ Thị Soa 20 tuổi có 4 con.
Chúng tôi lại băng rừng sang xã Thanh hỏi y sĩ Lý Thanh Thư - Trạm trưởng y tế xã Thanh - thì được biết, phần lớn phụ nữ làm mẹ lần đầu ở tuổi 15 - 16, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện nên rất khó sinh đẻ. Đa số phụ nữ và trẻ em đều bị suy dinh dưỡng và tỉ lệ phụ nữ bị bệnh cao gấp đôi nam giới. Cũng theo y sĩ Thư, tỉ lệ nữ có thai trước hôn nhân tăng lên. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là những biến tướng của tục đi sim. Y sĩ Thư tiết lộ, nạn tảo hôn đang đẩy không ít gia đình đến tình trạng đói nghèo.
Chị nói: "Gia đình Hồ Văn Dân và Hồ Thị Bươn ở thôn Aho (xã Thanh) là một trong số đó. Khi lấy nhau, Dân mới 18 tuổi còn Bươn chưa đầy 16. Do còn quá trẻ, không biết tính toán làm ăn, lại ham đẻ nên đời sống gia đình luôn thiếu đói. Hai vợ chồng và ba đứa con phải bữa đói bữa no trong căn nhà sàn xiêu vẹo, dột nát, rất đáng thương nên chúng tôi lấy làm gương để tuyên truyền trong công tác của mình".
Dọc những con đường thông thốc gió, san sát các quán nhậu, quán cà phê dựng lên bên những con đường mới mở qua các xã của Hướng Hóa, câu hát đi sim ở đây đã trở thành lỗi nhịp. Để sau sự lỗi nhịp, bản làng lại thêm những thiếu nữ không chồng, những đứa trẻ không bố, chuyện tảo hôn, tái nghèo lại diễn ra. Cần lắm sự quan tâm của các cán bộ cơ sở từ huyện xuống xã để giải thích, thuyết phục đẩy lùi tệ nan đi sim biến tướng.
Thanh Dung