Cho đến bây giờ nhiều người vẫn cảm thấy ấm ức khi ĐT Việt Nam vuột mất 1 điểm trong trận đấu với ĐT Trung Quốc ở lượt đấu thứ 3, vòng loại cuối cùng World Cup 2022 diễn ra rạng sáng ngày 8/10. Đúng, cái cảm giác gục ngã khi trận đấu được tính bằng giây luôn khó nuốt trôi.
Hay nói như ngôn ngữ của “dân phủi”, cảnh tượng ấy dễ khiến con người bị phát điên, nổi loạn. Thực tế, cứ đến mỗi kỳ World Cup hay Euro, người ta hay được chứng kiến cảnh tượng một gã nào đó hùng hục đập phá chiếc ti vi chỉ vì đội nhà thua tức tưởi như ĐT Việt Nam sáng nay.
Thất bại trong một trận bóng đá, cả ông chủ, HLV lẫn cầu thủ có nhiều lý do để trình bày bởi, vì, thì, là, mà… Bóng đá được cho là môn chơi khốc liệt bậc nhất trong các bộ môn thể thao. Sự khốc liệt ở chỗ, nó là cuộc chơi của 22 con người vờn nhau với 1 quả bóng nhưng nơi đó, nó chỉ thi vị khi có kẻ thắng người thua, còn hoà cả làng chẳng mấy ai vỗ tay vào.
Và sự khốc liệt nằm ở chỗ, đó là cuộc chơi không chỉ tiền bạc mà còn danh dự của cá nhân, của cả nền bóng đá và của cả đất nước…
Bóng đá cũng được cho là nghề nguy hiểm. Trong một ngày đen đủi,không may đá trượt quả pen, để bóng chạm tay trong vòng cấm, đốt lưới nhà hay bị đối thủ cho ngửi khói dẫn đến bàn thua… cầu thủ đó dễ bị đem ra làm “mồi nhậu”, bị chửi bới, ném đá trên mạng xã hội. Thậm chí, anh ta phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Đến đây, hẳn nhiều người vẫn chưa quên Andres Escobar, nạn nhân trong vụ xả súng kinh hoàng diễn ra tại Combia sau World Cup 1994. Câu chuyện bắt đầu từ việc hậu vệ này đốt lưới nhà sau một nỗ lực phá bóng cứu thua trước ĐT Mỹ ở vòng đấu bảng World Cup.
Escobar sau đó được xem là “tội đồ”, bị chửi bới khắp nơi. Thật đớn đau,cầu thủ này đã bị sát hại bởi một băng đẳng khét tiếng vì lý do liên quan đến bóng đá.
Trở lại trận đấu rạng sáng nay, Nguyễn Thanh Bình được cho là “tội đồ” bởi chính trung vệ này đã mắc lỗi trong 2 tình huống không theo kèm được Wu Lei, ngôi sao hàng đầu của ĐT Trung Quốc đang thi đấu tại TâyBan Nha cho CLB Espanyol.
Cần phải thẳng thắn với nhau, Thanh Bình như một “chú cừu non”trước… cáo già Wu Lei. Dù vậy, cũng phải dành sự cảm thông khi trung vệ của ĐT Việt Nam mới chỉ 21 tuổi và anh ta thật sự đã run rẩy bởi chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Thật ra, nếu không phải Thanh Bình mà đó là Thành Chung, Việt Anh và ngay cả Tiến Dũng (người rời sân trước đó) cũng đều dễ bị Wu Lei cho “ngửi khói”.
Còn nguyên do tại sao, hãy lên google tìm kiếm cái tên này, bạn sẽ có câu trả lời, thay vì ngồi đó chê bai một anh chàng “gà mờ” như Thanh Bình.
HLV Park Hang Seo đã nhận mọi tội lỗi về bản thân mình. Nhà cầm quân người Hàn thừa nhận, ông đã thay người không đúng thời điểm. Đấy không phải là lời xin lỗi đãi bôi, cũng chẳng phải dùng ngôn ngữ để “đỡ đạn” cho cậu học trò.
Ai cũng thấy ông Park đã sai lầm trong một vài quyết định quan trọng của mình, và sai lầm đó đã khiến ĐT Việt Nam tay trắng trong một trận đấu bản thân đôi bên đều ví như một trận… chung kết. Sự thật, ĐT Việt Nam đáng có 1 trận hoà hơn là rời sân với một cục tức. Thế nhưng, người láng giềng phương Bắc cũng xứng đáng giành một trận thắng, với những cơ hội được tạo ra.
Trong bóng đá thua là thua, thế thôi! Quan trọng là “kẻ chiến bại” sẽ nhìn nhận trận thua đó bằng lăng kính tích cực hay tiêu cực?.
Chúng ta đã thua và từ trận thua này, hẳn sẽ giúp ĐT Việt Nam vỡ ra nhiều thứ để đổi thay cho chặng đường còn lại. Một trận thua, hay một cú vấp cũng là cách để những người trẻ như Thanh Bình đứng dậy và trưởng thành hơn.
Cho nên, nếu bạn là những cổ động viên chân chính thì hãy chia sẻ, hãy góp ý bằng những câu chữ sạch sẽ, bằng thứ văn hoá thưởng lảm bóng đá văn minh, thay vì hướng mũi dùi về phía đội tuyển và xem đó như một thú vui. Và nếu bạn là một cổ động viên chân chính, hãy dừng cái trò “truy sát”, “ném đá”, chửi mới, miệt thị… những người trẻ như Thanh Bình.
Nên nhớ trong bóng đá, một đội tuyển, một CLB phải mất cả thập kỷ, vài thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ có thể nuôi dưỡng, mới sản sinh được một tài năng; còn muốn “giết chết”, một vứt bỏ một tài năng đã có thì chỉ cần một cái lật bàn tay là đủ.
Thạch Yên