Đây có lẽ là một câu chuyện “dở khóc dở cười” trong một gia đình tại vùng quê miền núi, cần được chia sẻ cho nhiều người biết, để những ai trong tình trạng này, có thể thấu hiểu hơn và cư xử tốt hơn.
Vợ hơn 50 tuổi, chồng vẫn ghen
Câu chuyện của gia đình ông V.B.H. và bà H.T.M. (Yên Bái) gần 20 năm về trước, được người con trai kể lại. Khi bà M. đã hơn 50 tuổi, ông H. vẫn còn ghen một cách “tỉ mỉ”.
Thuở ông bà nên duyên, tất nhiên không thể chứng kiến, nhưng qua những bức ảnh lưu giữ lại, thời trẻ ông cao ráo, khôi ngô; bà thì hơi nhỏ nhắn, tuy nhan sắc không thuộc hàng “chim sa cá lặn” nhưng lại là người đảm đang, tháo vát.
Chung sống tới khi có tới 8 mặt con, bà M. không ít phen “khổ sở” vì cơn ghen của chồng.
Ông H. vốn tính hay ghen, lại là người nóng tính, đa nghi, nên mỗi ngày trôi qua trong gia đình giống như một tập phim truyền hình bi hài đủ cả.
Theo lời anh Hưng (con trai của ông H. và bà M.), từ ngày anh vẫn còn học tiểu học, anh đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần bố ghen mẹ với những người đàn ông khác.
Một căn nhà gỗ 5 gian khang trang nơi vùng quê nghèo, đêm nào cũng cửa đóng then cài đã đành, nhưng ông H. còn khóa mọi cửa ra vào và chỉ có một chiếc chìa khóa giấu riêng dưới gối. Đêm đến, sau 11h, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Xung quanh nhà là vườn rộng, ao sâu, thỉnh thoảng lại có người tới câu trộm cá, đánh động, chó ngoài hè sủa. Sáng hôm sau kiểu gì ông H. cũng “kể tội” bà M. rằng đêm qua có nhân tình rình rập. Ngay cả tiếng tắc kè hay chim lợn kêu nửa đêm, ông H. cũng dễ dàng quy ra là “dấu hiệu riêng” giữa bà M. và bồ.
Ban ngày, khi ông đang lúi húi cuốc đất sau vườn, trồng thêm vài luống rau, một ông hàng xóm đi chăn trâu qua, gặp cơn khát, ghé vào xin nước. Bà M. rót nước mời thì cũng có cớ cho ông H. nổi cơn ghen mà suy diễn hai người “có gì đó” với nhau.
Bà M. đã nhiều lần phân bua, ông không nghe, con cái cùng khuyên bố nên bình tĩnh và tin tưởng mẹ nhưng cũng chẳng ăn thua, ông H. lại mắng cả các con là “chỉ biết bênh mẹ”.
Anh Hưng, con trai cả của hai ông bà lấy vợ, rời làng quê nghèo lên thành phố lập nghiệp. Chỉ sau vài năm, anh lại chứng kiến cảnh bố ghen tuông mẹ, ngay tại nhà mình.
Một buổi trưa khoảng 15 năm trước, bà M. khi ấy cũng ngoài 50 tuổi, vẫn phải lặn lội từ quê lên thành phố, gõ cửa nhà con trai cả, với mục đích “trốn chồng”.
Bà kể rằng, ông H. càng ngày càng ghen vô cớ, thậm chí còn xảy ra tình trạng bạo lực. Có một đêm, ông H. ngủ muộn, cũng nghe tiếng động ngoài ngõ, lại có tiếng chó sủa, ông H. nghi bồ của vợ tới trước cổng, liền vớ ngay khẩu súng kíp mà ông vẫn dùng để bắn chim bắn thú mỗi ngày. Ông mở khóa, chạy vội ra cổng, bắn vài phát chỉ thiên “dọa dẫm”, đám người bỏ chạy hóa ra chỉ là bọn câu trộm cá. Bà ngày càng sợ tính nết ghen tuông của chồng nên phải “trốn” lên thăm con trai ít ngày.
Suốt hai ngày sau đó, ông H. đi tìm khắp nhà họ hàng không thấy bà M., rồi liên tục gọi điện thoại cho con trai cả để hỏi dò tung tích của bà M., nhưng anh con trai giúp mẹ giấu giếm. Vậy mà sáng hôm sau, ông H. đã xuất hiện ngay trước cửa nhà anh Hưng.
Ông H. khuyên vợ về quê, vì từ bữa bà đi, ông “nhớ nhung” không yên tâm làm gì được. Bà M. vẫn cố ở lại nhà con trai, mở một sạp rau bán ngay cửa nhà cho khuây khỏa. Ông H. cũng quyết định ở lại.
Sạp rau có khá nhiều khách hàng ủng hộ, đa số là người trong xóm ngõ. Nhưng điều đáng bật cười, là ông H. chỉ cho bà M. bán hàng cho khách nữ, còn với những khách hàng nam ông sẽ tự tay bán. Một cậu trai trẻ tới mua rau, đúng lúc ông H. đang vào trong nhà hút thuốc lào. Bà M. nhanh tay bán cho cậu trai trẻ một bó rau và nhận tiền. Đang loay hoay gửi lại tiền thừa thì ông H. bắt gặp và cũng sẵn bụng nổi ghen tuông.
Chuyện chỉ có mỗi thế mà ông H. cấm luôn chuyện bà M. bán rau. Hai ông bà đưa nhau về quê.
Phụ nữ là để yêu thương!
Trước giờ, phụ nữ thường bị gán cho cái danh “Hoạn Thư” nhiều hơn, bởi quan niệm từ xưa: “Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”. Thế nhưng, một khi đàn ông ghen, còn thể hiện “triệt để” hơn rất nhiều.
Không chỉ trong những câu chuyện của vài chục năm trước, mà ngay trong xã hội hiện đại này, cũng ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp những ông chồng “cuồng ghen” gây biết bao hậu quả chua xót.
Lướt báo mạng, tra cứu cụm từ “chồng ghen vợ” thì cũng có cả mấy chục vụ án hiện lên trang nhất. Nào là, “nghi án chồng giết vợ rồi tự tử vì ghen tuông”, “giết vợ vì thường... nghe điện thoại!”, hay “vụ chồng đánh vợ, đóng cửa thiêu 3 con: Chồng ghen tuông, nghi ngờ vợ có nhân tình”, “chồng lạnh lùng bóp cổ vợ xong viết lên bụng hai chữ phản bội”... Mỗi vụ án đau lòng xảy ra, thiệt thòi nhất chính là con cái trong gia đình.
Những ông chồng hay ghen thường thích nắm quyền kiểm soát thái quá với vợ mình. Đàn ông gặp vấn đề trong việc kiểm soát cơn ghen thường muốn biết chính xác người phụ nữ của mình đang ở đâu vào hầu hết các thời điểm trong ngày. Chưa hết, họ còn muốn biết khi không có mặt họ bên cạnh, vợ sẽ nói chuyện gì cùng với ai... Họ có thể còn buộc tội người bạn đời chỉ vì những câu nói hay hành động khi thiếu mặt chồng.
“Phụ nữ là để yêu thương”. Đó có lẽ là thông điệp tươi đẹp nhất cần được hiện thực hóa. Phụ nữ cần nhất là một gia đình tràn ngập yêu thương. Nhưng không phải lấy câu “ghen là gia vị của tình yêu” ra để mặc sức nêm nếm vào cuộc sống gia đình. Nhiều ông chồng yêu vợ quá mức, tuy chưa tới mức “cuồng ghen” gây án, nhưng cũng xét nét thuộc hạng “đệ nhất ghen”. Người phụ nữ sống trong những gia đình ấy, hỏi làm sao có thể cảm thấy hạnh phúc?
Là người đàn ông hiện đại, hãy bình tĩnh, giữ lửa hạnh phúc gia đình một cách sáng suốt nhất, đừng vì trái tim ghen tuông mà sai khiến thành hành động sai lầm. Người phụ nữ cũng không nên “dễ dàng thỏa hiệp” quá nhiều, hãy chủ động tìm cách thức tỉnh người đàn ông có thói ghen tuông bên cạnh mình.
Lạc Lạc