Cái nôi sản sinh nhiều nghệ nhân
Làng nghề này nằm ngay bên cạnh Quốc lộ 1A, cách TP.Bắc Giang khoảng 7km về hướng Tây. Làng có 5 thôn thì hầu như thôn nào cũng làm nghề mây tre đan với khoảng 70% số hộ. Nghề này đã tạo công ăn, việc làm cho 6.000 lao động địa phương và thu nhập từ mây tre đan chiếm 65% tổng thu nhập bình quân toàn xã.
Theo các nghệ nhân cao tuổi, nghề mây tre đan là nghề truyền thống của địa phương hình thành từ thời Hậu Lê. Xuất phát từ những nhu cầu trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày mà ông cha ta đã làm ra vật dụng như: Lờ, đó, giỏ, rổ, rá, nong, nia, dần, sàng, quang gánh... Về sau, nhờ bàn tay khéo léo và óc sáng tạo các sản phẩm từ mây tre đan cũng phong phú và tinh xảo hơn.
Trải qua biến cố thăng trầm của thời gian, hơn 300 năm qua, người dân trong làng vẫn một lòng gắn bó, chung thủy với nghề. Quanh năm khắp đường làng, ngõ xóm, tiếng bổ tre, chẻ nan rộn ràng không khi nào ngớt. Cảnh quen thuộc khi đến làng là người thì pha tre, vuốt nan, người thì vừa niềm nở tiếp chuyện với khách vừa thoăn thoắt đưa nhanh những ngón tay điêu luyện để tạo nên những sản phẩm mà không hề mắc lỗi. Đàn ông thì chẻ ống dùng, cạp nia đây là những công việc có phần nặng nhọc, cần sức khỏe. Còn đàn bà làm những việc khéo léo hơn như chẻ nan, đan hàng.
Để làm nên một sản phẩm là cả một nghệ thuật. Với sản phẩm mây tre Tăng Tiến, càng chất lượng, càng đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ và phải trải qua nhiều công đoạn. Theo đó, một sản phẩm gồm có những công đoạn sau: Chọn tre, pha nan, chẻ nan, phơi nan, đan và đặc biệt là kỹ thuật hun. Hình thức, màu của sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn này. Có 2 kiểu hun: Hun trắng và hun vàng. Hun trắng là hun bằng diêm sinh, bằng hoá chất. Tuy nhiên phổ biến hơn vẫn là kiểu hun vàng- hun bằng rơm.
Vật liệu chính để tạo ra các sản phẩm này chính là cây dùng - một loại cùng họ với trúc hoặc tre. Tre được người thợ lựa chọn cẩn thận trước khi mua và phải cây già. Sau đó, cắt thành những đoạn nhỏ rồi mới đến công đoạn chẻ nan nhỏ như những chiếc tăm nhưng có độ dài 30 đến 40cm.
Bí quyết nhuộm tăm tre đặc biệt
Suốt 300 năm qua, ngoài dao, người thợ còn dùng tay, dùng miệng để tước, tre và mây. Có thể nói, chưa có nơi nào mà người dân có thể chẻ được những nan tre mỏng và đều tăm tắp như ở nơi đây. Động tác chẻ nan, chẻ tăm ở nơi đây khác với những nơi khác là ở con dao. Con dao có chuôi dài tạo thành điểm tì vào nách à kinh nghiệm tính toán được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Sau đó, từng bó tăm tre được đem phơi khô. Một khâu đặc biệt quan trọng là nhuộm tăm, chỉ có anh Tỉnh, nghệ nhân duy nhất nhuộm được với những bí quyết gia truyền, "không ai có thể làm thay" để tạo màu, độ bền, chống mối mọt. “Tăm tre được nhuộm trong lò thủ công sau đó được bó thành từng bó nhỏ rồi phơi khô dưới nắng. Thời gian phơi phụ thuộc vào thời tiết và người thợ phải kiểm soát được nhiệt độ phơi của thời điểm đó”, anh Tỉnh cho hay.
Cũng theo anh Tỉnh, muốn cho các sản phẩm hun được bền đẹp thì nan tre sau khi chẻ phải đem phơi nắng, vò kỹ rồi mới đan. Lúc đó sản phẩm đan sẽ nuột, đẹp. Khi hun xong sản phẩm màu vàng óng. Nếu nan tre không phơi được nắng thì sản phẩm sẽ có màu đen trông không đẹp mắt. Thông thường hàng hoá của Tăng Tiến phục vụ trong tiêu dùng, nhưng gần đây một số nghệ nhân đã sáng tạo ra nhiều mẫu hàng mới như: Khung gương, mâm bồng ngũ quả... đã đem lại sự đa dạng phong phú của làng nghề này.
Từ lâu sản phẩm được làm từ nhựa tổng hợp bán nhiều khiến hình ảnh chiếc xe đạp chở cả chồng hàng rổ, rá, thúng mẹt được cạp nia đỏ đều tăm tắp bán dạo trên đường phố ngày một ít dần đi, nhưng người dân nơi đây không nản lòng. Để tạo thêm đầu ra cho sản phẩm, người dân trong làng còn sản xuất ra các loại mành tre mới như: Mành trải bàn ăn, mành che cửa, đệm, gối, túi xách... đều là những mặt hàng có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Tây Âu rất ưa chuộng các sản phẩm trên. Thương lái thu mua tăm dùng ngày một nhiều, người dân lại càng có thêm động lực giữ nghề truyền thống.
Ngày nay thanh niên quê đi làm nhà máy, khu công nghiệp, ít người trẻ còn mặn mà với nghề. Tuy nhiên, một lớp người vẫn còn say mê với nghề truyền thống của quê hương. "Nhiều đứa đi học ở thành phố, ở Thủ đô cứ cuối tuần rỗi rãi về nhà lại đan phụ bố mẹ, đi học xa mà vẫn không quên nghề", cô Thân Thị Suốt, người làm nghề trong làng, chia sẻ.
Muốn tận mắt thấy được không khí làm việc sống động, trải nghiệm quá trình tạo ra những sản phẩm phong phú, bắt mắt; đồng thời thử sự tỉ mỉ, khéo léo của bản thân với các sản phẩm thủ công truyền thống, hãy ghé thăm ngôi làng mây tre đan 300 năm tuổi để cảm nhận không gian quê thuần túy Bắc Bộ.
Thanh Bình