TS Trần Trọng Dương được biết đến như một thư pháp gia góp phần đánh thức nét đẹp văn hóa của loại hình thư pháp Hán Nôm truyền thống. Cùng tham gia hoạt động trong nhóm Thư pháp Tiền vệ, Dương đã có những đóng góp nhất định trong việc định hướng công chúng tiếp cận với nghệ thuật đương đại trên những hình chữ cha ông - chữ Nôm.
TS Trần Trọng Dương (thứ hai từ trái qua) chụp ảnh cùng những thành viên của Hội Bảo tồn di sản chữ Hán – Nôm
Dấn thân theo Hán Nôm để trả nợ quá khứ
Năm 2001, khi còn là sinh viên khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), Dương đã tham gia tích cực vào phong trào sinh viên tình nguyện của trường. Anh đã cùng bạn bè đi trùng tu những di sản văn hóa như câu đối, hoành phi. Địa điểm tìm đến của nhóm là hàng chục ngôi chùa cổ kính quanh Hà Nội, Thường Tín (Hà Tây cũ).
Hoạt động của nhóm sinh viên tình nguyện thời kỳ này là những việc làm thiết thực như đọc sắc phong, giải thích ý nghĩa từng câu chữ được in dập trên văn bia cho các cụ bô lão trong làng hiểu thêm về gốc rễ của di sản văn hóa làng mình. Dương tâm sự, những hành động đó của anh và bạn bè là một cách giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; đồng thời cũng là một cách để anh trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành mình đang theo học.
Là người “theo dòng cổ học”, anh cho biết, thực trạng di sản của nước nhà đã hao hụt, mất mát trong nhiều thập kỷ qua. Việc chính thức khai tử cả hệ thống văn tự duy nhất do cha ông chúng ta sáng tạo, sử dụng trong suốt một nghìn năm văn hiến, giống như những việc bức tử Đền Và, chùa Trăm Gian mà báo chí nêu lên thời gian qua.
Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn có một số ít người đi ngược lại với vòng quay của cuộc sống để tìm về với những “vang bóng một thời”. Đối với Dương, hiện tượng giới trẻ không mấy mặn mà với chữ Hán - Nôm là xu hướng tất yếu của thời đại. Trước cơn lốc của nền kinh tế thị trường, lớp trẻ hiện nay được cha mẹ định hướng cho theo học những ngành nghề có thể “hái ra tiền” như kinh doanh, luật sư nên việc coi những nét văn hóa cổ như một thứ lý thuyết suông là tâm lý chung của không ít bạn trẻ.
Người trẻ trân trọng những giá trị truyền thống đã ít, còn người dấn thân thì còn ít hơn nữa. Riêng đối với Dương, anh tự nhận mình là một người trẻ mắc nợ quá khứ nên việc nghiên cứu và sống hết mình với chữ Nôm, và chữ Nôm là một công cụ để giúp anh ngược về quá khứ và lịch sử của dân tộc.
Thư pháp Tiền vệ- cuộc dạo chơi nghệ thuật
Từ những năm 2002 đến 2006, Trần Trọng Dương nằm trong nhóm những người viết thư pháp trẻ tuổi khôi phục lại “tục cho chữ đầu năm tại sân sân thư pháp Văn Miếu”. Dương cho biết, đến nay, tục xin chữ này có nhiều “biến tướng” và khoảng 6 năm trở lại đây, anh không còn xuất hiện tại Văn Miếu nữa. Phảng phất sau lời tâm sự trầm lắng là cả một sự bế tắc của những người trẻ tuổi trong việc phổ biến thư pháp cổ truyền.
TS Trần Trọng Dương cùng gia đình tại buổi trao giải
Từ bế tắc đó, Trần Trọng Dương cùng với một số anh em như họa sĩ Lê Quốc Việt, thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng, đã khai sáng ra dòng Thư pháp Tiền vệ ở Việt Nam, qua những cuộc triển lãm tung tẩy bút mực mang đầy hơi thở thời đại với những hình thức installation (sắp đặt), performance (trình diễn), thư pháp cộng đồng, thư pháp ý niệm... Tức là thư pháp không chỉ là bút với mực nữa mà là một trò chơi đa phương tiện.
Đặc trưng này khiến bức thư pháp không còn bị rào cản Hán - Nôm, khiến người xem không còn cảm thấy e dè khi tận mắt chứng kiến họ sáng tạo nghệ thuật. Cái hồn của thư pháp Tiền vệ là định hướng cho người xem cảm nhận trực tiếp cái đẹp của hành vi bút mực và kết nối chữ nghĩa với hơi thở của cuộc sống đương đại.
Triển lãm “Chữ” ở studio Thọ (78 Mã Mây, Hà Nội) là triển lãm đầu tiên tạo ra tiếng vang lớn trong và ngoài nước, do Thomas Ulbrich tổ chức. Lần đầu tiên, thư pháp hiện đại Việt Nam chuyển từ việc xin - cho (xin chữ, cho chữ) sang một không gian nghệ thuật chuyên nghiệp. Liền sau đó là các triển lãm “Vũ hội chữ” tại Meson de Art, "Điện tâm đồ” tại L'Espace, "Vô ngôn” tại Artvietnam Gallery, mà Dương cùng với nhóm thực hiện.
Trần Trọng Dương chia sẻ, anh thường lấy những suy lý về cuộc sống con người làm cứu cánh, thư pháp giờ là một hiện thân khác của con người thơ trong anh. Dương tâm sự: Bức Ngựa Đồng (tiếng Hán là Dã Mã) là tác phẩm anh rất tâm đắc. Ám ảnh trong tác phẩm này là hình ảnh con mắt ngựa choán lấy phần lớn bố cục không gian khiến người xem hoài nghi bởi sự mờ đục thoáng chút vô vọng. Dương trải lòng: "Ta đang tìm gì trong khoảng thời gian sinh mệnh quá ngắn ngủi này? Vì cuộc đời mỏng mảnh và thoáng qua như một sợi khói dưới vó ngựa hoang trên cánh đồng bất tận kia...”.
Tuệ Linh