Có một bài hát nổi tiếng trong chiến tranh “Người lái đò trên sông Pô Kô” chắc ai cũng biết. Chiến tranh, bom đạn, chết chóc, hy sinh... mà cả ca từ lẫn âm nhạc đều da diết đến trong veo “Hỡi Pô Kô ơi/ Dòng sông mênh mông/ Đôi bờ cây xanh biếc/ Nước chảy xiết sâu thẳm/ Qua tháng ngày/ Hỏi Sông ơi có biết/ Anh lái đò tên gọi A Sanh”.
Tôi tự hào là một trong những nhà báo đầu tiên “phát hiện” ra ông trung úy thủy quân Puih San, người Jrai làng Nú, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chính là A Sanh, rồi viết báo, rồi lan tỏa về ông, để cuối cùng ông được phong anh hùng lực lượng vũ trang trước khi mất không lâu.
Thôi cũng là cách đền đáp những gì ông đã trải qua, đã cống hiến cho mảnh đất Tây Nguyên này dù chưa chắc ông đã đúng là A Sanh, bởi A Sanh là cái tên chung, là biểu tượng Tây Nguyên của tác giả Cầm Phong và Đào Mai Trang khi viết bài hát ấy, còn những người như Puih San thì nhiều lắm, mà anh hùng thì chỉ được có một.
Trên dòng sông Pô Kô qua đất Ia Grai thời ấy có ba bến đò, hồi ấy gọi là phà, là phà 6 phà 8 và phà 10. Phà 6 và 10 đã chìm theo thủy điện Sê San rồi, giờ chỉ còn phà 8. Người Jrai vùng này có nghề đẽo thuyền độc mộc từ cây rừng, bơi lặn rất giỏi và đánh cá cũng cừ. Tiểu đội chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội sang sông, phục vụ quân đội được tuyển từ những chàng trai người Jrai ưu tú nhất, Puih San là một trong những chàng trai ưu tú ấy…
Sáng tôi ngồi cà phê với mấy bạn kỹ sư liên quan tới thuyền bè, họ mới nói thuyền độc mộc tuy nhìn đơn giản thế nhưng lại rất khó làm, nhất là khi trong tay chỉ có mỗi cái rìu và trong đầu chỉ có... kinh nghiệm và sự tưởng tượng, hoàn toàn không biết con số biết tính toán gì.
Thì ban đầu là chọn gỗ, những cây gỗ nguyên trong rừng. Chặt, dìu, kéo, đẩy, lôi... từ rừng sâu về sông. Rồi ở đấy, ngày này qua ngày khác, đẽo đi những phần thừa để nó thành những con thuyền. Mỗi cây gỗ sẽ là một con thuyền. Điều đặc biệt dù rất hiển nhiên, là những con thuyền này phải nổi được, chèo đi được, và không bị lật, bị chìm, bị quay ngang. Không chỉ thế, chèo rất nhẹ.
Không dễ để làm được thế khi mà trình độ chỉ có thế và công cụ cũng chỉ có vậy. Nên các bạn ấy rất phục. Thì như chúng ta hồi nhỏ ấy, cũng từng mày mò làm thuyền với tàu thủy thả trong chậu chơi, cái thời trẻ con bao cấp. Từ gấp giấy rồi bìa, rồi cót, rồi ván, còn biết xoa xà phòng vào đuôi cho nó tự chạy mà không hiểu tại sao nó lại chạy được, giờ vẫn chưa hiểu, nhưng không phải cái nào cũng thành công, cái thì chạy nghiêng, cái lật úp, cái xoay tại chỗ... để thấy cái tài của các nghệ nhân Tây Nguyên như thế nào, mà không chỉ mỗi thuyền, cách họ làm nhà rông mà không nể à?
Còn sông. Chúng ta biết Tây Nguyên là thượng nguồn của các dòng sông.
Trong đó, Krông Pô Kô, Đak Pô Kô… đều là những cách gọi khác nhau của sông Pô Kô - con sông dài nhất ở Bắc Tây Nguyên (có tư liệu viết sông dài 320 km) chảy xuyên từ Bắc Kon Tum sang Tây Gia Lai.
Nhà thơ Tạ Văn Sĩ, một người am hiểu về địa lý Tây Nguyên cho biết: “Sách “Rừng người Thượng” viết: “Sông Pekô phát nguyên từ vùng núi dày mạn Tây Quảng Ngãi và chảy theo hướng Bắc-Nam (…), sau chỗ hợp lưu của sông Bla với sông Pekô, con sông có tên là Kr. Pekô, hay Kr. Jal…”.
Trên thực địa (và được thể hiện trên bản đồ) sông Đak Bla chỉ là nhánh giao bên tả ngạn Pô Kô, trong khi Pô Kô vẫn một dòng chảy “thẳng băng” tiếp với phần sau chỗ hợp lưu ấy? Nghĩa là chỉ thấy một con sông chảy dài liền mạch nên vẫn được tiếp tục gọi Pô Kô?
Ráp nối và đối chiếu các nguồn tư liệu, ta thấy: Sông Pô Kô phát nguyên từ khu vực quần sơn Ngọc Linh, chảy dọc dài suốt mạn Tây khu vực Bắc Tây Nguyên, rồi đổ sang lãnh thổ Campuchia. Riêng từ đoạn hợp lưu với sông Đak Bla về sau, ngoài tên Pô Kô, sông còn có tên gọi khác là Sê San.
Ngày nay, đoạn kế liền sau điểm hợp lưu với sông Đak Bla đã thành lòng hồ Thủy điện Ia Ly. Từ Nhà máy Thủy điện Ia Ly trở đi, Pô Kô (Sê San) chảy giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum làm ranh giới, qua các huyện Chư Pah và Ia Grai của Gia Lai phía tả ngạn, qua các huyện Sa Thầy và Ia HDrai của Kon Tum phía hữu ngạn.
Bờ phía Gia Lai đất đỏ bazan (trên nền đá huyền vũ), bờ phía Kon Tum đất nâu xám (trên nền đá granite, đá phiến ma). Trên dòng chảy của mình, Pô Kô (Sê San) đang “sở hữu” mấy lòng hồ thủy điện mênh mang sông nước giữa ngàn xanh đẹp như tranh thủy mặc, tạo nên một hệ sinh cảnh tuyệt vời giữa thiên nhiên kỳ vĩ.
Pô Kô là nhánh sông rừng, lòng sông không rộng lắm, luồn lách giữa các hóc hẻm núi đồi nên có nhiều ghềnh thác (trong đó có thác Ia Ly nổi tiếng một thời, nay đã nhường chỗ cho công trình thủy điện); cuồng lũ vào mùa mưa và nhiều đoạn trơ đá vào mùa khô.
Sông mang đến nhiều lợi ích cho cư dân sinh sống dọc dài theo lưu vực với nguồn thủy sản phong phú, nhưng không mang lại khả năng khai thác đường thủy theo chiều dọc, chỉ có những bến ngầm hoặc bến đò ngang của bà con các dân tộc tại chỗ qua lại; có nơi bà con bắc những chiếc cầu treo thủ công chênh vênh lắt lẻo”...
Tôi đã nhiều lần đi cả dọc và ngang sông Pô Kô đoạn qua huyện Ia Grai này. Cả mùa khô, lòng sông hẹp lòi đá lởm chởm, và mùa mưa, nước sông cuồn cuộn.
Có cả mùa nào đấy, à giao mùa, nước trong xanh, hai bên bờ lau xao xác, không thể hình dung nơi đây từng tơi bời đạn bom, từng có lần cả cái thuyền chở thương binh của ông Puih San bị chìm, thương binh chìm theo, ông Puih San lên bờ ngồi khóc rồi dứt khoát bỏ sông, về... chăn bò.
Phát huy những tài hoa và đặc sắc ấy, những ngày này, ở huyện Ia Grai đang tưng bừng cuộc đua thuyền trên sông Pô Kô tranh cúp A Sanh. Nó nằm trong chuỗi hoạt động của “tuần văn hóa du lịch Gia Lai 2023”.
Đây đã là cuộc đua thường kỳ hàng năm của huyện này. Nó hợp lý mọi nhẽ, là một nỗ lực của huyện, của những người tổ chức để trao truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa. Nhưng cũng có một nghịch lý, ấy là bây giờ, rừng hết rồi, và có còn cũng không được khai thác nữa, vậy lấy đâu gỗ để làm thuyền. Năm ngoái cũng ở cuộc thi này, ban tổ chức chỉ huy động được... 6 cái thuyền, vận động viên phải chia thành nhiều kíp để thi.
Nhưng thôi, ít nhất những ngày này, ở huyện biên giới Ia Grai này, trên sông Pô Kô này, đang có những ngày lễ hội, với thuyền độc mộc, với chiêng và xoang, với ẩm thực, với thổ cẩm và sản vật, và tất cả những gì tinh túy nhất của Jrai, của Tây Nguyên...
“Vì một biên giới bình yên, vì một biên cương tỏa sáng”, hình như cái slogan của huyện những ngày này là thế...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.