Tìm cha mẹ nuôi, xoay hướng nhà vì con... xung khắc
Có không ít cặp vợ chồng tin vào tử vi, tướng số... chấp nhận không đứng tên khai sinh cho con vì sợ rằng tuổi mình xung khắc với tuổi con sẽ không đem lại những điềm may mắn, thậm chí còn khiến con lao đao, lận đận. Bởi thế mà, họ đành lòng mang "cho con" hoặc "tuyển" bố mẹ nuôi có tuổi hợp, mệnh hợp với con mình để "mua may, bán rủi" cho con. Cha mẹ nuôi hợp tuổi sẽ mang lại sự "tương sinh", tránh được những tai ương, vận hạn đen đủi. Thậm chí, không ít trường hợp tìm cha mẹ nuôi cho con với mong muốn "khắc chế" được tính ương bướng, "trừ" được thói hư tật xấu của chúng hay chỉ để con dễ nuôi hơn, không ốm đau dặt dẹo.
Thầy bói N. trên phố Khâm Thiên- Hà Nội đang xem cho khách.
Chị Hồng Dương, ở phố Lê Thanh Nghị- Hà Nội cho biết: "Vợ chồng chị gái tôi đang sống ở Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định vốn kết hôn muộn lại sinh hạ được quý tử (đătå tên là Phạm Văn Tr., sinh năm 1992-PV) nên mọi người trong gia đình ai cũng chiều chuộng. Từ bé đến lớn hầu như thằng bé không hề bị bố mẹ quát mắng. Vì thế, nó chỉ mải chơi, không chú tâm vào học hành. Kết cục, Tr. phải bỏ học dang dở khi chưa tốt nghiệp cấp II. Càng về sau, nó càng quậy phá, ham chơi đua đòi, trộm cắp vặt. Có bao nhiêu tiền anh chị tôi tích cóp được, thằng bé "nướng" hết vào lô đề, điện tử. Dù làm mọi cách nhưng Tr. vẫn chứng nào tật ấy. Thấy bất an, chị gái tôi đã tìm "thầy" xem số mệnh cho con. Thật bất ngờ, vừa gặp chị tôi, "thầy" phán tuổi mẹ khắc con nên phải nhận mẹ nuôi cho nó, mới hoá giải được tính cách ương bướng, quậy phá của nó. Nghe theo lời "thầy", chị tôi ngậm ngùi làm theo để "cứu" đứa con bất trị".
"Không dừng lại ở việc nhận mẹ nuôi cho con, chị gái tôi còn thuê thợ xây đến sang sửa, xoay cả hướng nhà cho hợp với tuổi của Tr. để cầu được một chữ "an" trong nhà. Thế nhưng, dù đã làm mọi cách Tr. vẫn chứng nào tật ấy. Chị gái tôi cũng bất lực rồi", chị Dương rầu rĩ nói.
Lý giải về việc vì sao có nhiều người lại có xu hướng chọn cha mẹ nuôi hợp tuổi cho con, một chuyên gia tử vi cho rằng: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", tuổi có xung hay hợp rất quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc làm ăn cũng như sức khoẻ... Có lẽ cũng bởi thế khi có ý định sinh con, nhiều người khá cầu kỳ trong việc chọn giờ, chọn ngày để "canh trứng" theo đúng ý muốn, tránh không đẻ vào năm xung khắc với bố mẹ và ngược lại. Thậm chí nhiều người còn "hoãn" sinh con vì sợ khắc tuổi bố mẹ.
Dù đã bước sang tuổi 35, con đầu cũng đã học đến lớp 5 nhưng chị Nguyễn Thị Lựu (Nguyễn An Ninh, Hà Nội) vẫn quyết định lùi sinh con. Lý do là theo lời thầy bói nếu sang năm chị mà sinh thì con khắc với tuổi của bố và mẹ, làm ăn sẽ khó, con cái ốm đau liên miên. Nếu vẫn "cố tình" sinh thì phải nhận cha mẹ nuôi hợp mệnh cho con, nếu không có khi còn nguy hiểm đến cả tính mạng của đứa trẻ. Vì thế mà chị Lựu đã "hoãn" mang bầu trong thời gian này.
Theo ông Trần Đức Thịnh- chuyên gia về tử vi, tứ trụ cho biết, khi chọn tuổi sinh con người ta thường căn cứ vào "ngũ hành". Họ căn cứ vào quy luật tương sinh tương khắc của "ngũ hành" để chọn, chẳng hạn bố mệnh kim, mẹ mệnh hỏa thì có thể chọn sinh con vào năm mệnh thổ vì mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ lại sinh kim. Cũng có nhiều người ăn cứ vào bộ "tứ hành xung" để chọn sinh con hoặc nhận bố mẹ nuôi cho con. "Như trường hợp một gia đình chị Ph. (ở Hà Nội) mà tôi biết, cậu con trai đầu nhà chị sinh năm 2010, là tuổi dần, trong khi đó bố chồng chị lại tuổi thân, Ph. tuổi Hợi. Thế nên đi xem bói thì thầy phán, tuyệt đối không được sinh con vào năm 2013 vì là năm Tỵå nếu không cả nhà sẽ hợp thành bộ "tứ hành xung” gặp nhiều tai ương", ông Thịnh dẫn chứng.
Con ở đâu phải chọn bố mẹ nuôi ở đó?!
Ông Trần Đức Thịnh cho biết, hiện nay, có không ít người làm lễ nhận cha mẹ nuôi cho con. Không phải vì họ "từ chối" quyền làm cha, làm mẹ của mình mà họ muốn làm những điều tốt đẹp nhất dành cho con. Trong thực tế, đã có những trường hợp nuôi con vất vả do gặp tuổi xung (mẹ tuổi Dần, con tuổi Thân-PV) mà người ta gọi là "đối xung" dẫn đến việc khi còn bé trẻ hay ốm đau, quặt quẹo, thậm chí là gặp tai nạn nguy hiểm. Để "giải xung", người ta thường gửi con cho người khác nuôi cho "mát tay"- chọn người có tuổi không xung với tuổi con và mệnh phải hợp với đứa trẻ. Khi chọn cha mẹ nuôi hợp với con, người ta căn cứ vào nhiều yếu tố: Môi trường, phong thuỷ, tuổi tác... Và khi làm lễ trước gia tiên tiền tổ để nhận con họ cũng làm rất cầu kỳ, chu đáo.
Câu chuyện nhận cha mẹ nuôi cho con ở mỗi gia đình lại có sự khác nhau. Không ít người coi việc gửi con vào chùa- gọi là "bán khoán" cũng là một hình thức nhận cha mẹ nuôi cho con. Từ lâu nay, nhiều gia đình ở nông thôn luôn có quan niệm con mà "khó nuôi"- hay ốm đau, bệnh tật thì đem lên chùa "bán khoán" cho dễ nuôi. Thông thường họ bán đến năm 7 tuổi hoặc 12 tuổi (tuỳ vào từng gia đình-PV) rồi làm lễ "chuộc" con về.
Ông Thịnh cũng cho biết thêm, nhận cha mẹ nuôi là một nét văn hóa truyền thống có ở nhiều đồng bào dân tộc vùng cao, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong việc nuôi dạy con cái. Đây là phong tục có ở nhiều đồng bào dân tộc, nhưng mỗi dân tộc lại có quan niệm, cách thức và những nghi lễ nhận con nuôi một cách khác nhau. Với người La Chí, tục nhận cha mẹ nuôi cho trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu rơi vào những đứa trẻ hay ốm đau, chậm lớn, còi cọc, hay hờn dỗi thì họ cho rằng đứa trẻ có số mệnh không hợp bố mẹ đẻ. Do vậy, bố mẹ đẻ phải tìm cho đứa trẻ một người làm bố mẹ nuôi thì sau này đứa trẻ mới mau lớn, khỏe mạnh, không bị ốm đau...
Ngày nay khi kinh tế khấm khá, "phú quý sinh lễ nghĩa", nhiều gia đình lại trở nên khắt khe hơn trong việc chọn năm sinh cho con, chọn cha mẹ nuôi cho con. Vì thế, bao giờ khi chọn, người ta cũng căn cứ hợp tuổi, hợp mệnh. Ví dụ, bố tuổi Tỵ khắc với con tuổi hợi (tứ hành xung-PV) sẽ xung khắc nhau. Nhiều gia đình đã làm lễ nhận cha mẹ nuôi cho con để tối giản những vận hạn, đen đủi cho con. Chọn cha mẹ nuôi hợp tuổi, hợp mạng với con không chỉ vì sự tốt đẹp cho con cái mà còn là phúc lộc cho cả gia đình?!.
Cũng theo ông Trần Đức Thịnh, khi nhận cha mẹ nuôi cho con nhiều người còn đặc biệt chú ý đến yếu tố môi trường, phong thuỷ. Nếu người con đang sinh sống ở Hà Nội thì họ cũng chọn cha mẹ ở đó để có môi trường đồng nhất, và điều quan trọng là phải cùng sống chung một nhà.
Trả lời báo chí, GS. TSKH Hoàng Tuấn, giám đốc trung tâm UNESCO (tác giả cuốn sách Tử vi môn khoa học - vận số đời người) cho rằng, nếu căn cứ về "tứ hành xung" trên 12 con giáp để kết luận hợp, xung là hoàn toàn sai lầm. "Việc đặt ra địa chi 12 con giáp là người xưa lấy các con vật gần gũi với mình và dựa trên tập quán sinh hoạt của nó để đặt. Chẳng hạn, chuột thường phá vào ban đêm thì đặt giờ tý, gà gáy sáng đặt giờ ngọ, rồi đặt cho các năm -12 năm trong tử vi thuộc 12 địa chi. Từ đó, người ta cũng quan niệm các con vật khắc nhau hay ăn thịt nhau thì quy sang con người sinh năm đó cũng không hợp nhau. Điều này, thiếu cơ sở khoa học", Gs. Tuấn cho biết.
Không nên mê muội vào lời "thầy" phán! Theo các chuyên gia, tử vi cũng chỉ là khoa học dự đoán. Muốn tính toán xung - khắc đầy đủ theo tử vi thì ngoài việc dựa trên ngày tháng năm sinh của những người cần biết để xem địa chi, thiên can, ngũ hành thì còn phải căn cứ vào mệnh và thân - từ khi sinh ra lớn lên của mỗi người, khả năng bẩm sinh cùng với sự rèn luyện. Vì thế, người dân không nên mệ muội tin theo những lời "thầy" phán, có khi không giải được hạn lại rước thêm âu lo, phiền muộn vào thân. |
Ngân Giang