Vào cuối thập niên 1920, sân khấu cải lương ở Nam Bộ như sôi động hơn với sự xuất hiện của một ngôi sao trẻ có tên cô Bảy Phùng Há (sau này trở thành NSND Phùng Há) ở gánh hát Trần Đắc. Năm 1929, gánh hát Trần Ðắc về trình diễn ở TP Mỹ Tho gần nhà George Phước (tên thật là Lê Công Phước, sinh năm 1901, mệnh danh là "ông hoàng xứ Gan" nổi danh một thời).
Vốn mê sân khấu cải lương, George Phước cũng có mặt trong đêm diễn đầu. Khi vãn hát, cô Bảy Phùng Há đi ra cửa sau thì thấy George Phước đã đứng đợi. Tiếp theo, đêm nào George Phước cũng ngồi ở hàng ghế đầu để xem cô Bảy Phùng Há ca diễn. Để chinh phục cô Bảy Phùng Há, George Phước quyết định chọn cách đầu tư vào sân khấu cải lương.
Gánh hát Phước Cương do George Phước cùng người bạn thành lập quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ và nhanh chóng nổi tiếng. Cũng chính Phước Cương là đoàn lần đầu tiên đem cải lương ra Bắc.
Ra Hà Nội cùng với đoàn Phước Cương, George Phước được Câu lạc bộ 15 (hầu hết là những người quen từ bên Pháp) đón tiếp đặc biệt trọng thể. Khách sạn Métropole còn dành cho George Phước một căn phòng danh dự mà không lấy tiền trong suốt thời gian lưu lại trên đất Bắc. Đáp lại, cậu George Phước sẵn sàng đưa những cô đào lừng danh trong làng kịch nghệ phương Nam phục vụ mọi lúc mọi nơi theo yêu cầu của nhóm Câu lạc bộ 15.
Nhờ tiếng tăm ông hoàng George Phước và nhờ sự lăng xê của Câu lạc bộ 15, đoàn Phước Cương đã gây tiếng vang trên đất Bắc. Sự kiện này đã khơi mào cho những đợt sóng cải lương đi lưu diễn miền Bắc trong những thập niên sau đó.
Trở về từ chuyến lưu diễn đất Bắc, George Phước kết hôn cùng cô Bảy Phùng Há và thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ để bà Phùng Há làm “bầu”. Gánh hát Huỳnh Kỳ quy tụ nhiều tài danh thời đó và trở thành gánh cải lương có quy mô lớn nhất ở vùng lục tỉnh Nam Kỳ.
Dưới sự điều hành của cô Bảy Phùng Há, tiền bạc và kiến thức sân khấu Tây học của George Phước, gánh Huỳnh Kỳ được trang bị hiện đại, cách tân mạnh mẽ và trở thành hiện tượng của cải lương thời bấy giờ. Gánh hát Huỳnh Kỳ với thực lực hùng hậu, lưu diễn miền Tây, đến tỉnh nào cũng đông đảo khán giả coi hát bằng xuồng đậu chật bến. George Phước còn cho xây dựng rạp hát hiện đại cùng tên Huỳnh Kỳ bên cạnh ngôi nhà đồ sộ của ông tại TP Mỹ Tho.
Rạp Huỳnh Kỳ suốt thời gian dài là “thánh đường” của sân khấu cải lương, góp phần giúp môn nghệ thuật cải lương nói chung và gánh hát Huỳnh Kỳ nói riêng đạt đến “thời hoàng kim” trong thập niên 1930.
Về chuyện tình giữa mình và George Phước, sau này bà Phùng Há thừa nhận, ngay từ khi mới biết nhau, George Phước đã đeo đuổi bà như hình với bóng. Là một ngôi sao đã sớm thành danh, cô Bảy Phùng Há không phải dễ xiêu lòng trước sự giàu sang phú quý. Nhưng chính sự quý trọng bà với tư cách là một nghệ sĩ, quý trọng nghiệp ca hát và cả những hiểu biết, ý tưởng mới lạ về nghệ thuật sân khấu của George Phước đã làm cho bà xiêu lòng. Trong thời gian 7 năm chung sống, cô Bảy hạ sinh 2 người con, con trai đầu đặt tên Paul Lộc, con gái kế tên Suzane.
Thế nhưng, cùng với thành công trong sân khấu cải lương, thói ăn chơi hoang phí vốn có của George Phước càng có điều kiện bộc phát dữ dội hơn. Ông dồn hết thời gian, tiền của vào rượu chè, bài bạc, gái tơ, chẳng thèm ngó ngàng gì đến gánh hát.
Cô Bảy vừa lo con nhỏ vừa lo hoạt động nghệ thuật, không có thời gian cho việc điều hành quản lý, gánh hát Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ đi. Cô Bảy đau khổ ôm 2 đứa con bị bệnh đi tìm chồng và bắt gặp George Phước đang sống với một cô gái trẻ đẹp tên là Marie Anne Nhị ở khách sạn Minh Tân. George Phước trách mắng vợ thiếu lịch sự, rồi xua đuổi 3 mẹ con cô Bảy.
Trở về, do không tiền chạy chữa, thuốc thang, hai đứa con lần lượt chết trên tay cô. Chôn cất con xong, cô Bảy làm thủ tục xin ly hôn chồng. Cô gắng gượng đứng dậy, làm lại từ đầu và chẳng bao lâu sau tiếng tăm cô đào Phùng Há lại nổi như cồn.
Chính trong những ngày cùng cô Bảy Phùng Há và đoàn cải lương Huỳnh Kỳ đi lưu diễn đó đây, George Phước đã gặp công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (Ba Huy). Số phận run rủi hai người đàn ông ăn chơi nổi tiếng nhất nhì Nam Kỳ thời đó gặp nhau và để lại giai thoại bất hủ về chuyện đốt tiền.
Lần đó, gánh hát Huỳnh Kỳ do George Phước mới thành lập về hát ở Bạc Liêu, ngay sát nhà của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Lúc đó, cả 2 người đều đang muốn chinh phục cô Bảy Phùng Há. Georege Phước đã mời Ba Huy đến xem tuồng hát, ngầm khoe việc mình tậu được đoàn hát nổi tiếng. Họ ngồi gần nhau trên hàng ghế đầu, xung quanh là nhiều quan chức tỉnh Bạc Liêu.
Lúc đó, cô Bảy Phùng Há đang diễn trên sân khấu trong rạp lờ mờ ánh sáng, khi rút thuốc hút từ trong túi, George Phước làm rơi tờ giấy bạc “bộ lư” (mệnh giá 5 đồng Đông Dương) xuống nền. Người chủ gánh hát cúi xuống tìm nhặt tờ giấy bạc, nhưng trong rạp tối mờ, nên tìm không ra.
Ba Huy hỏi: “Toa (anh) làm gì đó?”. George Phước thật thà đáp: “Moa (tôi) làm rớt tờ giấy bạc “bộ lư”. Không nói không rằng, công tử Bạc Liêu móc túi lấy tờ giấy bạc “con công” (mệnh giá 100 đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10 triệu đồng hiện nay) rồi lạnh lùng bật hộp quẹt đốt để làm “đuốc” soi cho George Phước tìm tờ giấy bạc bị rơi mất. Vụ việc ấy diễn ra trước mắt nhiều người, sau đó họ đồn thổi thành câu chuyện ly kỳ giữa công tử Bạc Liêu và George Phước.
George Phước bị Ba Huy chơi một vố nặng, quá mất mặt trước mọi người và trước cô đào Phùng Há nên rắp tâm nghiên cứu cách trả đũa lại Ba Huy. Ông thách đấu mỗi người dùng giấy bạc, đốt từng tờ nấu nồi chè 1kg đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng.
Giai thoại kể rằng, Ba Huy đã nhận lời thách đấu, địa điểm được tổ chức là trước sảnh nhà của Ba Huy. Kết quả là George Phước thắng, còn Trần Trinh Huy thì nói: “Chú em nhỏ tuổi nên háu thắng, qua nhường cho chú em thắng đó”.
Sau này, anh Trần Trinh Đức, con trai của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, kể lại rằng: lúc sinh thời, anh có hỏi cha về giai thoại đốt tiền. Ba Huy nói chuyện đốt tiền làm đuốc là có, còn chuyện thi đốt tiền nấu chè thì không. Ông nói với con: “Để tiền chơi gái cho sướng chứ mắc gì đem đi đốt”.
Cách đây gần 15 năm, NSND Phùng Há, khi ấy đã gần 90 tuổi, đã có chuyến đi về huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Đến một ngôi nhà lá được cất sơ sài, bên ngoài ghi "137 - tổ 3 - ấp Thạnh Kiết" (xã An Thạnh), họ dừng lại. Xung quanh ngôi nhà là khu vườn rộng, nhưng ít được chăm sóc, nên cảnh vườn hoang tàn, cỏ dại mọc trên cả lối đi.
Ông Nguyễn Hoàng Luỹ, lúc ấy 73 tuổi (nay đã mất), người chủ khu vườn, đã ân cần đón tiếp bà Phùng Há. Ông Luỹ là con của ông Nguyễn Hoàng Phi vốn là người giàu có bậc nhất vùng đất Chợ Gạo vào giữa thế kỷ trước. Ông Nguyễn Hoàng Phi từng là bạn thân của George Phước. Ông Lũy là người gìn giữ ngôi mộ của George Phước suốt 50 năm qua sau khi ông này chết vì nghèo khó không có đất để chôn.
Chính ông Phi đã đưa thi thể George Phước về chôn trên đất nhà mình. Sau cuộc trò chuyện ngắn, ông Lũy đã đưa bà Phùng Há và những người khách ra phía sau vườn, nơi có một nghĩa địa nhỏ gồm hơn 10 ngôi mộ. Mộ George Phước xây bằng đất, chỉ một nấm nhỏ, không bia.
Ngôi mộ đất nằm trong góc khu vườn vắng ấy không thay đổi hiện trạng trong suốt gần 50 năm. Sau một cuộc đời gần trăm năm với nhiều vinh quang, khổ nhục, NSND Phùng Há đã đi tìm nấm đất chôn một con người từng đưa bà lên đỉnh cao vinh quang nghệ thuật và cũng chính là người đẩy bà xuống tận cùng khổ nhục. Bà muốn làm theo ý Phật làm cuộc hỉ xả mọi ưu phiền trong đời nên tìm đến nơi chôn cất George Phước để xây lại ngôi mộ đàng hoàng cho ông ta.
Theo Lao Động