"Duyên tiền định"
Ngày hôm ấy, ấm lòng trước cảnh tượng cảm động của hai con người tuổi gần đất xa trời đó, tôi đã dợm bước lại gần rồi chủ động trò chuyện với họ, bắt đầu từ người đàn bà đang lúi húi bên người bệnh. Nở nụ cười hiền hậu, bà giới thiệu mình là Nguyễn Thị Năm, 54 tuổi, trú tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng. Còn người nằm trên giường bệnh để điều trị bệnh viêm phổi là cụ Nguyễn Bá Dương, năm nay đã 85 tuổi, người ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Tuy nhiên trong lúc trò chuyện, tôi bất giác nhận thấy sự e thẹn có phần rất "con gái" khi bà Năm nhắc đến mối quan hệ giữa hai người. Ngượng ngùng, bà Năm giới thiệu: "Đây là ông Dương, bạn của tôi". Tuy nhiên, chỉ sau một vài lời thật tâm, người phụ nữ quê mùa ấy đã chẳng thể chôn giấu được thứ tình cảm tự tận sâu trái tim mình. Bà Năm thở dài, giọng buồn tủi: "Tôi và ông ấy yêu nhau mấy chục năm qua nhưng không đến được với nhau. Nay ông ấy già yếu nằm bệnh, có 3 người con nhưng vẫn chỉ mình tôi ngày đêm quanh quẩn"
Đôi tình nhân già trên giường bệnh - Ảnh Bảo Lâm.
Sau phút giây xúc động, bà Năm nắm chặt lấy tay người đàn ông của đời mình rồi cả hai người rưng rưng bổ sung từng ý cho nhau khi kể với tôi về cuộc đời, về tình yêu của mình. Theo đó, tình yêu của hai cụ bắt đầu từ cuộc gặp gỡ định mệnh trên chuyến tàu trở về quê hương vào một ngày hè đỏ lửa năm 1981. Suốt từ đó đến nay, họ âm thầm gìn giữ cho nhau những thứ tình cảm thiêng liêng và trân trọng.
Theo lời kể, cụ Nguyễn Bá Dương và bà Nguyễn Thị Năm đều có những năm tháng dài phục vụ trong quân ngũ. Trong những năm khói lửa chiến đấu, cụ Dương được bố mẹ ở quê nhà lấy vợ và lần lượt sinh 2 người con gái. Khi ấy, bà Năm còn rất trẻ, vẫn là cô thanh niên xung phong hừng hực tuổi thanh xuân. Rồi như một sự sắp xếp của số phận, đến năm 1981, trong chuyến tàu trở về quê nhà, hai con người ấy tình cờ gặp nhau. Sự đồng điệu trong tâm hồn khiến cho hai con người một thời khói lửa ấy xích lại gần nhau hơn. Trên suốt quãng đường dài trở về nhà, những cựu binh tỏ ra vô cùng tâm đầu ý hợp và bỗng nảy sinh những tình cảm quý mến. Thế nhưng vì đã có vợ con nơi quê nhà, cụ Dương chỉ còn biết nghẹn ngào chia tay cô gái trẻ để trở về với tổ ấm của mình. Sau khi về nhà, vốn ở hai xã sát cạnh nhau nên thi thoảng cụ Dương lại ghé qua chơi với bà Năm và ngược lại. Cả hai quyết định tình cảm đó cần được chôn kín, chỉ dừng lại ở mức bạn bè. Cũng trong thời gian này, bà Năm cũng nên duyên với người mới nhưng mối tình đó không được như mong đợi. Chỉ ít lâu sau, bà Năm lại trở lại cảnh chăn đơn gối chiếc.
Năm 1999, vợ cụ Dương chẳng may mắc bạo bệnh qua đời. Ba người con gái lúc này cũng đã lớn, lần lượt về nhà chồng, để lại một mình cụ Dương trong căn nhà cô quạnh. Ban đầu, những người con gái của cụ Dương cũng rất tâm lý. Họ thấy bố mình đã lớn tuổi cần người bầu bạn và biết bố quý mến bà Năm ở xã bên nên đã ngỏ lời mời bà về làm giúp việc, cơm nước rau cháo cho ông cụ. Kể từ đó, mỗi buổi sáng bà Năm đạp xe từ nhà mình sang nhà ông Dương để lo chuyện cơm nước, giặt giũ đồng thời làm người bầu bạn. Vốn sẵn đã có sự quý mến nhau từ lâu, lại thêm ngày ngày ở bên nhau, hai trái tim đã trải qua nhiều biến cố của cuộc đời bỗng hòa chung cùng một nhịp. Tình yêu của hai người lớn tuổi cứ lớn dần mãi...
Hành trình 10 năm đòi quyền... kết hôn
Năm 2003, khi nhận thấy tình cảm trong lòng không thể cứ giấu giếm được mãi, cụ Dương quyết định bàn với các con về việc sẽ lấy bà Năm làm vợ. Thế nhưng đúng lúc cụ Dương tưởng chừng sẽ hạnh phúc nhất với tình yêu của mình thì cũng là lúc cụ gặp phải sự phản đối dữ dội từ 3 người con gái. Biết nếu đăng ký tại xã nhà sẽ gặp nhiều phiền toái, cụ Dương cùng bà Năm sang bên UBND xã Thọ An (là quê bà Năm) để đăng ký kết hôn. Thế nhưng 3 cô con gái của cụ Dương đã ngay lập tức gửi đơn lên phía chính quyền "tố" rằng bố mình bị thần kinh, không còn bình thường nên không thể cho kết hôn được. Cùng với việc đó, họ cũng tung tin ra dư luận rằng bà Năm là người không tốt, lợi dụng tình cảnh dở điên dở dại của bố mình hòng trục lợi cá nhân.
Để giáng thêm đòn chí mạng vào hy vọng của người bố già nua, 3 con gái của cụ Dương cũng đi rêu rao rằng bố mình đã từng lên cơn điên và đánh hai con gái trong đêm 30 Tết và cứ thi thoảng lại trở bệnh bỏ đi biền biệt rồi lại trở về. Quá buồn tủi và tức giận, cụ Dương phát bệnh và phải vào nằm viện mất cả tháng trời. "Tôi nằm cả tháng ở viện, cũng chỉ có mình bà Năm đây ở bên săn sóc, chả thấy đứa nào thèm ngó ngàng mà tại sao chúng nó cứ muốn để tôi đơn độc", cụ Dương thều thào nói.
Sau khi lành bệnh, cụ Dương lại tiếp tục lên xã để hỏi về chuyện kết hôn của mình. Thế nhưng đáp lại mong mỏi đó vẫn chỉ là những cái lắc đầu khó hiểu của chính quyền xã Thọ An. Bức xúc tột cùng, cụ Dương thậm chí đã từng đòi những người có trách nhiệm đưa mình đi khám bệnh để chứng minh mình không có bệnh tật gì nhưng lúc này, cụ mới bàng hoàng biết rằng mọi giấy tờ tùy thân của cụ đã bị trả về và nằm nguyên trong tủ nhà một trong 3 cô con gái. "Tôi sẵn sàng trả tiền khám chữa bệnh nhưng không ai chịu nghe. Còn con gái tôi, sau khi cầm mọi giấy tờ tùy thân của tôi thì nhất quyết không trả lại, chỉ đưa cho tôi đúng chiếc chứng minh thư. Không có hộ khẩu, không có giấy khai tử vợ cũ, tôi chẳng thể làm được gì. Rõ ràng chuyện con gái tôi sang tận xã Thọ An để rút hồ sơ của tôi về là sai, nhưng không hiểu sao cán bộ tư pháp tại đó vẫn đồng ý cho rút để đẩy cái thân già chúng tôi vào đường khó", cụ Dương buồn bã nói.
Không biết làm thế nào, kể từ đó đến nay, cụ Dương và bà Năm, hai thân già chỉ biết lủi thủi trong căn nhà nương tựa vào nhau mà sống. Còn cụ Dương vẫn chưa thôi khát vọng cháy bỏng của mình bằng việc liên tục gửi đơn lên chính quyền xã nhưng cho đến nay tất cả vẫn chỉ là con số 0. Nhiều lần bà Năm còn bị con gái ông Dương chửi bới và đuổi đánh hắt hủi. Mặc những lời cay nghiệt, bà Năm vẫn không rời bỏ ông Dương. Và tính từ khi không được chấp nhận kết hôn cho tới giờ đã gần 10 năm, bà Năm chăm sóc ông Dương như một người vợ tần tảo đối với chồng khiến những người dân hai xã Thọ An và Tân Hội biết chuyện cũng thầm cảm phục.
Làm việc với PV báo Người đưa tin, ông Hoàng Quốc Định, phó chủ tịch UBND xã Thọ An cho biết: "Tôi đã nhiều lần làm việc và trả lời đơn của ông Dương. Qua các lần tiếp xúc với ông Dương, tôi thấy ông ấy hoàn toàn khỏe mạnh và minh mẫn, không có biểu hiện của bệnh tâm thần. Còn việc các con ông ấy tố ông Dương bị bệnh tâm thần là hoàn toàn không có cơ sở. Theo hồ sơ, ông Dương có đủ điều kiện để đăng ký kết hôn với bà Năm. Còn việc cán bộ tư pháp xã trả lại hồ sơ đăng ký kết hôn là sai so với quy định. Nếu ông Dương làm đơn đề nghị lên các cơ quan chức năng làm lại những giấy tờ cán bộ tư pháp xã đã trả cho cô Hiền mà cô Hiền không trả ông Dương, thì UBND xã Thọ An sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện cho ông Dương làm lại những giấy tờ đó". |
Long Nguyễn