Dựa vào nhau để sống
Hai vợ chồng bệnh nhân "hủi" ngày nào đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy". Tóc họ đã bạc trắng, khuôn mặt cũng bị con ma "hủi" làm biến dạng, nhưng đôi mắt ấy vẫn ánh lên tình cảm yêu thương, hạnh phúc, tuy còn gợn buồn man mác.
Cụ Trần Thị Nhung quê ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Khi vừa tròn 20 tuổi, cụ bỗng dưng bị một căn bệnh "lạ" hành hạ. Khắp cơ thể ngứa ngáy, phải gãi suốt ngày, gia đình đã đưa cụ đến các thầy lang để khám chữa khắp các bệnh viện trong tỉnh nhưng không chỗ nào cứu chữa được, gia đình lại tiếp tục đưa cụ đến Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An... để tìm thầy cứu giúp. Đi đến đâu, gia đình cũng đều nhận được những cái lắc đầu trong câm lặng. Khi thầy lang khám bệnh xong liền kéo bố, mẹ cụ ra nói nhỏ với nhau điều gì đó. Bố mẹ cụ nghe lời một người thầy lang và cho cụ ra ở một khu riêng biệt.
Đôi vợ chồng bị bệnh phong tình nguyện suốt đời chăm sóc cho nhau.
Cái tin cụ Nhung bị "hủi" đã lan ra khắp làng. "Hồi đó, nghe đến bệnh này người ta sợ và hắt hủi lắm. Người già, trẻ con và đám thanh niên làng đều xa lánh. Bố, mẹ và cả anh em họ hàng của cụ cũng không còn ai dám đến gần. Mọi người dựng cho tôi một cái chòi nhỏ ở góc vườn, hàng ngày có người mang đồ ăn thức uống đến. Mỗi khi đưa cơm, họ dùâng cây gậy dài đẩy vào ô cửa để tôi lấy. Tôi không được bén mảng vào nhà, nếu không sẽ làm lây bệnh mọi người", cụ Nhung nhớ lại.
Khi bị người thân, hàng xóm xa lánh, cụ rất buồn và tủi thân. Nhiều lần, cụ đã nảy ra ý định sẽ trốn nhà để đến một nơi nào đó thật xa lạ, không ai quen biết mình. Thế rồi một hôm, khi cả nhà đi làm hết, cụ liền lẻn vào nhà lấy đi vài bộ quần áo bỏ vào một cái túi cói và cắm mặt chạy đi.
Cụ Hoàng Văn Bòng cũng bị người thân, hàng xóm hắt hủi vì căn bệnh quái ác. Chẳng biết từ bao giờ những vết ngứa và loét cứ ngày càng lan rộng ra và khó chịu. Lúc lên cơn ngứa, khắp cơ thể đều rất khó chịu, cụ có thể cảm nhận được từng tế bào trong cơ thể đang bị rỉa dần, vừa ngứa, đau, nhức, cụ gãi cho đến tóe máu. Đến năm 23 tuổi, cụ Bòng mới biết mình bị hủi, rồi dân làng ai cũng biết. Nhìn thấy cụ vật lộn với bệnh tật, ai cũng kinh hãi mà chẳng dám lại gần vì sợ bị lây bệnh. Ngay cả gia đình khi đó cũng cho rằng, ma đã ám vào cụ, nên không được ở trong nhà. Quá tủi thân và xấu hổ, cụ đã chờ lúc cả nhà chìm sâu trong giấc ngủ rồi bỏ nhà ra đi.
Đôi vợ chồng bị bệnh phong tình nguyện suốt đời chăm sóc cho nhau.
Năm 1970, bệnh viện tỉnh Thanh Hóa cho thành lập khoa điều trị bệnh phong nằm ở làng Tô, hai cụ cũng xin chuyển vào trại phong rồi ở luôn trong đó. Họ đã gặp nhau và tình yêu của họ cũng nảy sinh từ những tháng ngày bị con ma "hủi" hành hạ. Tại đây, hai cụ Nhung và Bòng đã trải qua những ngày tháng đau đớn nhất, bởi sự "tra tấn" của quái bệnh mang tên "hủi". Vừa đến trại hủi, cụ Nhung gặp cụ Bòng đang vật lộn với những cơn đau, ngứa, cùng những vết loét “ổ gà” cứ ngày càng lan rộng trên cơ thể. Cụ Nhung lại giúp cụ Bòng đi mua cá mè về, rồi thái ra từng miếng bằng bốn ngón tay đắp vào chỗ ngứa, đó là bài thuốc được cho là hiệu quả nhất thời bấy giờ, vì người ta cho rằng, những “con hủi” luôn thèm chất tanh, nên đắp thịt cá mè vào để nhử những “con hủi” ra ăn cho đỡ ngứa. Có những hôm cả hai cụ đều lên cơn ngứa, có khi lại rủ nhau nhúng cả mười đầu ngón tay, ngón chân vào nồi nước sôi cho bõ. Sau những lần như thế, những đốt tay cứ long dần ra và rơi xuống, nhưng những cơn đau, ngứa như “tra tấn” vẫn không bớt đi trên cơ thể của hai con người tội nghiệp. Và rồi, những lúc như thế càng khiến họ thương nhau hơn, dựa vào nhau để vượt qua sóng gió cuộc đời.
Cụ Bòng tâm sự: "Nhìn bà ấy đau đớn, tôi thấy thương lắm! Nước mắt cứ ứa ra mà chẳng biết làm thế nào. Số phận đã đày đọa mình thế này thì cũng phải chịu, chứ còn biết làm sao được nữa!". Hai người thương nhau từ trong những cơn đau vật vã. Trong những lần chăm sóc vết thương cho nhau, tình cảm của hai cụ thể hiện qua từng bát cơm chan lẫn nước mắt. Vượt qua những mặc cảm cá nhân và sự ghẻ lạnh của người đời, hai người å đã bàn nhau tổ chức một đám cưới nhỏ. Mọi người cùng cảnh ngộ trong trại góp cho hai cụ mỗi người vài đồng, rồi họ nhờ người ra chợ mua được hai, ba con gà mang về thịt làm hai mâm cỗ cho đám cưới.
Thế rồi, đám cưới của hai bệnh nhân hủi được tổ chức. Người đến dự đám cưới cũng chỉ hơn chục người, tất cả đều là những người cùng cảnh ngộ sống trong trại, bố mẹ và anh em họ hàng hai bên đều không đến tham gia vì sợ lây bệnh hủi. Hai vợ chồng tự tách ra sống với nhau dưới chân núi Cột Cờ. Họ đã sinh được ba người con, tất cả đều bị bệnh hủi. Nhưng với sự trợ giúp của y khoa tiên tiến, cuộc sống của các con, cháu hai cụ đều rất tốt.
Xã hội đã không còn dị nghị đối với người bị bệnh phong.
Chiến thắng số phận
Y sỹ Nguyễn Văn Việt là cán bộ công tác tại trại hủi cho biết: "Nhờ có sự đồng cảm, sẻ chia nên nhiều bệnh nhân nơi đây đã vượt qua số phận. Có người còn yêu thương và đến với nhau như trường hợp của ông bà Nguyễn Thị Nhung và Hoàng Văn Bòng. Đó cũng là sự sẻ chia, đồng cảm, thương yêu của con người đối với con người như bao bệnh nhân khác ở trong trại phong này".
Trại hiện có tất cả 36 bệnh nhân. Họ đều sống nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Bệnh nhân có thể tự phục vụ, nấu nướng và sinh hoạt cá nhân như những người bình thường. Những người dân nơi đây cũng chấp nhận sự hiện diện của những bệnh nhân phong như một thành viên của ngôi làng đặc biệt này. Thi thoảng các đoàn thể từ thiện chu cấp hơn chục cân gạo cho các bệnh nhân. Nhiều người dân khác còn biếu quà cho các bệnh nhân ở trại phong. Sự sẻ chia đó đã giúp họ vơi bớt phần nào sự mặc cảm về bệnh tật.
Cán bộ quản lý của trại có 8 người, thay nhau chăm sóc cho các bệnh nhân. "Khi mới được chuyển lên làm ở đây, tôi cũng rất sợ, nhưng sống lâu rồi cũng quen. Thời gian trước khi y học chưa có thuốc điều trị hiệu quả bệnh phong, bệnh nhân phải sống vất vả và đau đớn lắm, nhưng khi có thuốc mới dùng cho việc điều trị thì cuộc sống của họ cũng khá hơn", y sỹ Nguyễn Văn Việt nói.
Ông Phạm Minh Tuấn (chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cho hay: "Trước đây, người dân trong xã coi làng hủi như một nỗi khiếp đảm. Họå không cho con trẻ bén mảng đến làng hủi, nước sinh hoạt của làng hủi đổ ra con khe cạnh chân núi Cột Cờ không ai sử dụng, họ không cho trâu xuống tắm, nếu câu được cá cũng không dám ăn vì sợ lây bệnh. Hiện, sự kỳ thị đã không còn, xã cũng đã cấp đất cho những hộ dân ở trong làng hủi để họ sản xuất ổn định đời sống. Họ được hưởng chính sách hộ nghèo, những ngày lễ ngày tết, xã đều có quà đến để thăm hỏi, động viên bệnh nhân hủi. Đến nay đã có nhiều cặp vợ chồng trong làng hủi kết hôn với các làng khác trong xã, trẻ con đến trường cũng không còn sợ bị kỳ thị nữa".
Chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân phong Anh Nguyễn Quang Vũ (trưởng khoa Điều trị phong, bệnh viện Da liễu Thanh Hóa) cho biết: "Ở làng phong có tất cả 36 bệnh nhân, ai cũng được chia đất để dựng nhà và sinh hoạt như những hộ dân bình thường. Hiện có 8 cụ bệnh nặng, nên đã trực tiếp được điều trị tại trung tâm. Nhà nước đã có chế độ hỗ trợ người tàn tật với số tiền gần 500 ngàn đồng/tháng/người, thuốc men miễn phí, bệnh nặng sẽ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên và được lo chu đáo về BHYT". |
Thế Hoàng