Cuộc đời đầy trắc trở
Tình cờ gặp anh Hòa trong một lần đi công tác ở huyện Núi Thành, rồi nghe mọi người kể về hoàn cảnh của anh, chúng tôi quyết định men theo con đường mòn dẫn xuống chợ để tìm đến nhà anh. Trước mắt chúng tôi là một căn nhà tình thương chỉ rộng chừng 25m2, nhưng đã bốn năm trôi qua là nơi trú ngụ của cả gia đình anh. Dù rất khó khăn trong việc đi lại nhưng thấy chúng tôi đến, chị Tuyết vẫn cố gắng lê chân ra đón khách. Biết chúng tôi đến với mong muốn được nghe câu chuyện tình cổ tích của hai vợ chồng, chị Tuyết liền bảo: "Hai vợ chồng tôi có gì đâu mà viết, chúng tôi yêu nhau rồi ở bên nhau, cũng như bao người khác thôi!".
Chị Tuyết bên quán tạp hóa nhỏ của mình
Ngồi trò chuyện với chị một hồi lâu, thấy anh Hòa về, chị mới bắt đầu kể lại cuộc đời của hai vợ chồng. Anh Hòa sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, ăn no mặc ấm luôn là niềm ước ao của chàng trai xứ Quảng. Cuộc sống thiếu thốn khiến cơ thể anh ốm o, gầy gò. Những lúc trái gió trở trời, đặc biệt trong ngày đông giá rét, anh Hòa rất hay bị cảm lạnh, rồi sốt cao độ. Những tưởng cơ thể tự hồi phục rồi hết, nên gia đình không mấy để ý đến những lần cảm sốt liên tục. Thế nhưng, chính những lần thương hàn đó đã để lại di chứng khủng khiếp. Năm tám tuổi, cũng trong một ngày đông trời nhiều gió, anh Hòa bị ốm nặng, lại thêm "dư âm" những lần trước nên bệnh thương hàn của anh đã biến chứng, khiến cho mắt trái bị mù hẳn, mắt phải chỉ còn nhìn thấy mờ mờ.
"Lúc đó, tôi cảm thấy đôi mắt mình cay xè, đau nhức bên trong. Tôi không thấy đường nên vội gọi mẹ bật đèn lên để kiểm tra đôi mắt. Nhưng sự thật thì lúc đó trời sáng lắm, tại đôi mắt tôi không nhìn thấy ánh sáng mà thôi", anh Hòa nhớ lại. Thương anh nên gia đình đã tích góp tất cả tiền của trong nhà để đưa anh đi chữa trị. Nhưng số tiền chẳng được bao nhiêu, không đủ để anh được chữa trị ở những bệnh viện lớn. Lực bất tòng tâm nên một thời gian sau anh bị mù hẳn cả hai mắt. Từ đó, anh phải tập quen dần với cách sống trong bóng tối, với cách đi mò mẫm và những sinh hoạt dần trở nên quen thuộc trong trí nhớ. Không may mắn hơn là bao, chị Tuyết cũng là một mảnh đời bất hạnh khi sinh ra đã bị liệt một chân và một bàn tay bị dị tật có đến sáu ngón và co quắp lại.
Nhìn vào đôi chân, chị Tuyết tâm sự: "Người ta thường nói có tật thì có tài, nhưng tài đâu chẳng thấy, từ nhỏ đến giờ cứ bị nó hành hạ suốt. Trời chuyển thì người tôi "chuyển" theo, giống như máy dự báo thời tiết rứa". Chị đi lại rất khó khăn, nhiều khi không để ý dưới chân có chiếc dép hay cái cặp vấp là té ngay. Anh chị quen nhau thật tình cờ, có thể là do "ông trời" sắp đặt. Lúc đó là những ngày đầu anh Hòa đi làm chổi đót và tăm tre tình thương ở hội Người mù huyện Núi Thành. Ngay hôm ấy, chị Tuyết cũng lần đầu tiên đến đây phụ nấu ăn uống, lại vô tình ngồi cùng bàn ăn với anh. Thấy đứa con gái bé bỏng của anh đi đâu cũng nắm chặt tay cha, chỉ đường dẫn lối khiến chị Tuyết trào dâng cảm xúc. Qua tìm hiểu bạn bè, chị biết được vợ anh đã không may mất đi, để lại đứa con nhỏ, bao lâu nay anh sống trong cảnh "gà trống nuôi con".
Anh Hòa hằng ngày vẫn cầm gậy dò đường đi bán vé số và hát rong để kiếm tiền về lo cho gia đình
Mắt vợ chân chồng "soi sáng" gia đình
Một tình yêu ít người có được Bà Trần Thị Phương (tổ trưởng tổ Phụ nữ 4B, khối 2, thị trấn Núi Thành) cho biết: "Vợ chồng anh Hòa - chị Tuyết trong tổ là một gia đình tuy nghèo nhưng rất giàu tình cảm. Gia đình anh sống rất hòa đồng nên ai cũng thương và quý mến. Chị Tuyết không những đảm đang trong việc nhà mà còn tham gia rất nhiệt tình những hoạt động trong tổ. Hằng tháng, hai vợ chồng được hỗ trợ 360 ngàn đồng để trang trải thêm chi phí trong gia đình. Ở họ có một tình yêu, sự đồng cảm và một nghị lực vươn lên trong cuộc sống có lẽ không nhiều người có được". |
"Bản thân mù lòa đã rất khó để tự chăm sóc cho mình, nay lại phải nuôi dưỡng thêm đứa con gái nhỏ nữa, thật sự tôi rất cảm động. Lại thấy hai cha con hằng ngày nương tựa nhau mà sống, giúp nhau trong mọi việc nên tôi đã chủ động đến làm quen với anh", chị Tuyết tâm sự. Rồi tình cảm giữa hai anh chị ngày một mặn nồng. Một ngày đẹp trời cuối tháng 3, anh Hòa quyết định dẫn theo bé Thảo Nguyên (11 tuổi) đến trước mặt chị Tuyết rồi nói: "Tuyết à, con gái anh thật sự cần sự chăm sóc và tình thương của một người mẹ. Anh không có gì cho em ngoài tình yêu chân thành từ trái tim nhỏ bé này. Anh sẽ dẫn đường còn em chỉ lối, chúng mình hãy cùng nhau đi hết quãng đường còn lại em nhé!". Chị Tuyết gật đầu không một chút ngần ngại, rồi chạy đến ôm chầm lấy anh mà khóc.
Thế nhưng, gia đình chị Tuyết lại phản đối kịch liệt mối tình này khi không chấp nhận một chàng rể mù, lại có con riêng. Tâm trạng rối bời khi đứng giữa tình thân và tình yêu, chị Tuyết đã khóc rất nhiều rồi bỏ vào Sài Gòn để "vẹn cả đôi đường". "Nhưng càng xa lại càng nhớ, thương anh ở nhà, bước đi không ai chỉ lối, áo sứt chỉ không người may nên tôi đã quay trở về bất chấp tất cả để đến với anh", chị Tuyết bồi hồi nhớ lại. Qua nhiều khó khăn, cuối cùng anh chị cũng nhận được cái "gật đầu" của đôi bên gia đình, cùng nhau chăm sóc bé Thảo Nguyên.
Để kiếm tiền trang trải chi phí trong gia đình, hằng ngày anh Hòa một tay cầm gậy dò đường, tay cầm lốc vé số đi bộ hơn 20km để bán quanh địa bàn thị trấn Núi Thành. Nhiều lúc đi từ sáng đến tối về mà số vé chẳng vơi đi bao nhiêu. "Có khi, ảnh đi cả ngày về mà còn nhiều vé lắm! Tội nghiệp, mặt ảnh buồn thiu nhưng không bao giờ lớn tiếng quát mắng tôi", chị Tuyết cho biết. Còn chị vì không đi lại được nhiều nên mở một quán tạp hóa nhỏ trước nhà để bán lá chè xanh, mắm muối... phụ giúp anh chu toàn trong gia đình. May mắn bán hết vé thì mỗi ngày anh Hòa kiếm được 25 - 30 ngàn đồng. Còn chị Tuyết mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 15 - 20 ngàn đồng tiền lãi từ một vài mặt hàng trong quán. Thương chị ngày đêm vất vả nên những việc sinh hoạt cá nhân anh Hòa đều tự mình làm tất cả.
Mặc dù ngày nào cũng đi bán nhưng có lúc chẳng có ai mua thu nhập thất thường, vì vậy cứ đến cuối tháng một lần, anh Hòa mang theo cái âm-ly cũ kỹ đi hát rong ở chợ, ở các quán nhậu ở TP.Tam Kỳ, hoặc xa hơn nữa là tỉnh Quảng Ngãi để kiếm thêm ít đồng chi tiêu cho những lúc túng thiếu. Tuy nghèo khổ nhưng gia đình anh Hòa sống rất hòa đồng với bà con hàng xóm. Những lúc mất điện, vợ chồng anh lại thắp ngọn nến ngồi trước nhà cho mát rồi trò chuyện cùng các gia đình bên cạnh. Đặc biệt, trong những bữa cơm, mọi người thường mang sang cho bé Thảo Nguyên miếng cá, miếng thịt để có thêm chút dinh dưỡng. Thương ba mẹ, em cũng đã biết phụ giúp những việc nhỏ trong nhà. Chia sẻ hạnh phúc của mình, chị Tuyết nói: "Hai vợ chồng mình tuy khuyết tật nhưng đến với nhau bằng tình yêu thương chân thành, chăm sóc bé Thảo Nguyên được ăn no mặc ấm là niềm mong ước lớn nhất của chúng tôi. Dù cuộc sống khó khăn bộn bề nhưng vợ chồng mình tin rằng sẽ vượt qua tất cả".
Du Ngoạn