Khi đó người vợ của ông cũng mới biết chồng mình tên thật là Lê Khắc Hơng là một người lính từng vào sinh ra tử ở chiến trường trở về. Ông đã bị thương mất trí nhớ và bỏ đi lang thang cho đến khi được bà cưu mang.
Người phụ nữ đôn hậu và ông chồng “nhặt”
Nhập ngũ tháng 7/1968 ông từng là Trung đội trưởng, Tiểu đoàn 263 QK8 (nay là QK9) khi cùng đồng đội tấn công đồn Lương Qưới (Bến Tre) đêm 29 rạng ngày 30/4/1975 thì ông bị thương. Trong khi được đưa vào bệnh viện thì ông đã mất trí nhớ nên bỏ bệnh viện đi lang thang. Nghĩ rằng ông đã hy sinh trong trận chiến án liệt ấy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre bấy giờ đã có giấy báo tử gửi ra tỉnh Thái Nguyên.
Thật khó khăn lắm tôi mới tìm được ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm sâu hun hút và quá đỗi ngoằn nghèo của hai ông bà. Khi hỏi thăm số nhà thì không ai biết hết, nhưng lạ một điều là hỏi thăm nhà bà Hiền bán bánh bông lan lấy ông Hơng mà người ta tưởng là liệt sĩ thì có người nắm tay dắt đến tận nhà.
Trước khi gặp ông bà, người dẫn đường cho tôi chép miệng: "Ông bà Hiền tội lắm cô ơi! Nghe nói giờ đang làm thủ tục thương binh nhưng vẫn chưa thấy có chế độ, đang kiếm bữa ăn từng ngày. Đi mãi tôi cũng vào được ngôi nhà của ông bà. Được gọi là nhà nhưng nó chỉ như cái phòng người ta xây cho thuê trọ, vỏn vẹn 20m2 cho 6 con người. Khi tôi bước vô ông bà đang ngồi dán lân, bà với khuôn mặt phúc hậu niềm nở chào hỏi tôi, còn ông chỉ gật gật đầu rồi ngồi im lặng. Bà phân trần hôm nay ông bệnh nên trong người có vẻ mệt, ít nói, thường ông đã ít nói rồi nhưng bệnh vào lại càng ít nói hơn.
Ông Lê Khắc Hơng và vợ
Bà kể cho tôi nghe chuyện tình cảm động của ông bà, nhưng theo như bà nói thì đó cũng là chuyện quá đỗi bình thường chứ không có gì đáng nói cả, nếu gặp ai đó có lẽ bà cũng sẽ làm như thế thôi. Cách đây chừng 22 năm, ngày đó bà bán bánh bông lan dạo ở chợ Cần Thơ, thường ngày bà vẫn thấy một người đàn ông đi lang thang và hay ngủ các sạp ở chợ.
Bà quan sát thì người đàn ông này không hẳn là bị khùng, mà chỉ là lúc nhớ lúc quên. Ông khi tỉnh thì đi làm giúp người ta để kiếm miếng ăn, khi đau thì ai cho gì ăn nấy, cũng không ăn xin hay nhặt nhạnh gì dơ bẩn ăn như những người lang thang khác.
Ngày đó bà Hiền 35 tuổi, đã trải qua những cay đắng cuộc đời khi lấy chồng sinh được 3 đứa con thì chồng mất sớm, gia đình chồng cũng nghèo nên họ bỏ xứ đi hết. Một mình bà không nhà không cửa nuôi 3 đứa con (trong đó 2 đứa bị khờ), đứa con trai duy nhất nhanh nhảu thì cũng bỏ bà đi khi bắt đầu bước vào tuổi 24. Ngày đó bà còn thuê nhà trọ, sau mua được miếng đất 20m2 này với giá 2 triệu đồng dựng lên cái chòi lá để có chỗ chui ra chui vào.
Thấy ông Hơng là người cùng khổ như mình nên bà nói ông về ở cùng mẹ con bà, phụ bà việc làm bánh để đi bán. Nhưng có lẽ đó là duyên số, khi ông về nhà bà, phụ bà làm bánh thì tình cảm hai người nảy nở, nên thành vợ thành chồng và sinh thêm hai đứa con nữa.
Cuộc sống khốn khó
Gia đình có 7 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào cái thúng bánh bông lan. Hàng ngày ông làm bà ra chợ bán, nên bữa đói bữa no. Bà kể có hôm bánh ế, cả nhà về ăn bánh trừ cơm. Ăn bánh thì có thể giải quyết được cái đói nhưng mấy đứa trẻ con ăn bánh riết thì không thể ăn nổi nên mỗi đứa ngồi một xó mặt buồn xo khiến bà như đứt từng khúc ruột.
Rồi ngày đó con trai bà bị bệnh nan y, bà phải vay mượn anh em xóm giềng chữa bệnh cho nó, nhưng nó cũng không qua khỏi. Nhìn con đau đớn tuyệt vọng trong bệnh tật bà tưởng chừng như mình cũng muốn chết theo.
Sự khổ ải chồng chất nỗi đau đè lên đôi vai người đàn bà tần tảo. Mỗi khi vết thương tái phát (ông bị mảnh bom vào đầu) ông Hơng la hét, đau đớn vật vã, bà cũng phải chân thấp chân cao đi mua thuốc cho ông. Bà cho biết chỉ chạy ra mua thuốc giảm đau thôi chớ không có tiền đi bệnh viện.
Có khi trời mưa, nhà ngập nước đã đành, lại còn dột không có nơi để ngủ, cả nhà tìm một chỗ không dột túm tụm nhau lại ngồi qua đêm. Mà khí hậu miền Nam thì lại có nguyên một mùa mưa đằng đẵng nên bà phải vắt óc ra nghĩ làm sao để sửa lại mái nhà.
Thế là bà liều mình đi vay bên ngoài, thế chấp nhà để vay được mấy chục triệu xây lại cái nhà cho khỏi mưa nắng. Một tháng trả lãi 7 trăm ngàn, nhưng bà làm gì có tiền dư giả nên giờ số nợ đã lên tới 60 triệu. Bà nói có lẽ phải bán nhà thôi, chớ không có khả năng mà trả nợ.
Tôi hỏi thăm từ ngày ông tìm được về quê hương mọi người có giúp đỡ gì thêm không, bà đỡ lời ông rằng anh em ông đa số là chết hết cả rồi, vẫn còn con cháu nhưng chúng cũng nghèo cả, có thương cũng chỉ là tinh thần thôi. Bây giờ ông bà già cả rồi, ngày hai bữa ngồi dán những đầu lân rồi cất vào đấy, đến cuối năm bán được đồng nào thì mới có tiền mà chi tiêu cho cả năm.
Hai đứa lớn con bà giờ đã 34, 35 tuổi tính tình ngô nghê nhưng lại được cái biết thương cha mẹ, biết đấm bóp nên trong xóm ai kêu thì đi đấm bóp giúp họ, người cho 5 ngàn, người cho 10 ngàn, phụ chi tiêu.
Bà mong được chế độ để trả nợ khỏi người ta lấy căn nhà bà thôi chớ bà cũng không đòi hỏi gì hơn. Ngày bà lượm ông ngoài chợ về có biết ông là ai đâu, cũng chẳng thể ngờ ông là một người lính từ chiến trường trở về. Ông ở với bà chẳng có lấy một miếng giấy tờ tùy thân, con người cốt là một chữ tình.
Mãi đến năm 2002 người thân của ông mới từ Thái Nguyên vào tìm. Gia đình biết được là do đồng đội ông đến thăm nhà, thấy treo bằng Tổ quốc ghi công của ông thì rất ngạc nhiên bảo là ông chỉ bị thương thôi chớ hông chết. Từ đó gia đình mới cố công đi tìm và may mắn tìm được ông.
Ông ngồi im nghe bà kể chuyện chốc chốc lại cúi mặt xuống như cố giấu những giọt nước mắt của người đàn ông đã mang nợ ân tình của người phụ nữ rất đỗi bình thường ấy. Ông không nói thêm bất cứ câu gì cả, nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn đau trong trái tim ông khi bất lực trước nỗi vất vả của vợ mình, nhưng tôi cũng tin rằng rồi có một ngày nào đó ông bà sẽ được những người đồng cảm sẻ chia, bởi cuộc đời này còn nhiều lắm những tấm lòng.
Mọi sự giúp đỡ cho người thương binh Lê Khắc Hơng xin gửi về:
Tòa soạn Báo Đời sống & Pháp luật 208 Điện Biên Phủ - Thành Phố Hồ Chí Minh. Số điện thoại: 0839326090.
Hương Sen- Hoàng Giang