Về xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, hỏi gia đình anh Hoàng Văn Hồng (56 tuổi) cắt tóc ai cũng biết. Theo chân một người dân chúng tôi tới nhà nhân vật này. Lúc ấy, anh Hồng đang cần mẫn cắt tóc cho khách. Dù bị teo 2 chân, lưng vẹo sang một bên nhưng bàn tay của anh vô cùng khéo léo, chuẩn xác. Chỉ trong vòng 30 phút, người đàn ông này đã tạo ra một “tác phẩm” chất lượng. Vì giá thành rẻ, cắt lại hợp với ý khách hàng nên hiệu cắt tóc của ông lúc nào cũng đông khách.
Anh Hồng sinh ra vốn là cậu bé lành lặn như bao đứa trẻ khác. Đến tuổi trưởng thành, anh lên đường đi bộ đội nghĩa vụ. Xuất ngũ, anh trở về nhà phụ giúp bố mẹ làm nông nghiệp. Trong một lần đi chơi, do lao vào can đám bạn đánh nhau nên anh không may bị thương dẫn đến chứng cột sống dính khớp. Anh nằm bệnh viện ở TP.Vinh, tỉnh Nghệ An chừng một năm nhưng không thể chữa khỏi. Gia đình khánh kiệt vì phải lo số tiền nhập viện để phẫu thuật. Hết tiền, không còn cách nào khác bố mẹ phải đưa anh về nhà.
Đôi chân của anh dần bị tê liệt, cột sống vẹo sang một bên khiến cho việc sinh hoạt và đi lại gặp nhiều khó khăn. Tàn tật, bi quan anh Hồng đã từng nghĩ đến cái chết để giải thoát cho mình và người thân. Tuy nhiên, được bố mẹ, anh chị em trong nhà động viên an ủi, người đàn ông này đã vượt qua được sự tự ti và mặc cảm.
Tàn tật không làm được việc nặng, anh Hồng đã xin bố mẹ mở quán cắt tóc. “Lúc đầu thấy tôi đề xuất ý định này bố mẹ phản đối vì sợ tôi không đủ sức khỏe. Thuyết phục mãi bố mẹ mới đồng ý. Trước khi bị tàn tật tôi có học lỏm được nghề cắt tóc của người bạn. Lúc đầu, khách hàng có vẻ ái ngại về khả năng của tôi. Tuy nhiên, khi đã làm họ hài lòng, khách hàng kéo đến ngày một đông hơn. Thu nhập kiếm được từ nghề cắt tóc cũng đủ cho tôi sống qua ngày”, anh Hồng cho biết.
Tự ti về ngoại hình và hoàn cảnh của mình nên chưa bao giờ anh Hồng nghĩ đến mình sẽ có một mái ấm hạnh phúc riêng. Tuy nhiên thời điểm đó, có một người phụ nữ đã chấp nhận lấy anh Hồng làm chồng. Thương vợ chịu nhiều thiệt thòi khi có chồng không lành lặn, anh Hồng chăm chỉ làm lụng để vợ bớt vất vả. Cuộc sống bần hàn cứ thế âm thầm trôi. Hai đứa con lần lượt ra đời khiến hạnh phúc của anh Hồng thêm tròn trĩnh. Hạnh phúc bình dị nhưng với người đàn ông tật nguyền thì đó như một sự ưu đãi của số phận và anh luôn nâng niu từng ngày tràn ngập yêu thương đó. Cho đến một ngày…người vợ đó dứt áo ra đi.
“Vì chê tôi nghèo và không chịu được cuộc sống vất vả, sau 8 năm chung sống vợ tôi đã bỏ đi và để lại 2 đứa con cho tôi nuôi. Kể từ đó, cô ấy không gọi điện về hỏi thăm các con”, anh Hồng buồn rầu kể.
Chán nản vì vợ bỏ đi, có những lúc anh muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nhìn ánh mắt ngơ ngác vì thiếu mẹ của các con, nghĩ đến tương lai 2 con (con trai mới lên lớp 3, con gái lớp 1), người đàn ông ấy lặng lẽ “cất” nỗi đau vào trong, lại gắng gượng đứng dậy làm chỗ dựa cho con.
Cuộc sống “gà trống nuôi con” vốn chẳng dễ dàng gì, nhất là đối với người đàn ông không được lành lặn. Hàng ngày, anh Hồng phải dậy từ sớm chuẩn bị đồ ăn cho 3 bố con, cho 2 đứa con dậy vệ sinh cá nhân, rồi cho đi học. Sau đó cơm đùm, cơm nắm ra quán cắt tóc. Trưa về 3 bố con ăn cơm tại quán. Những lóng ngóng ban đầu rồi cũng qua đi, anh Hồng chăm sóc 2 đứa con cẩn thận và tỉ mẩn. “Chúng nó thiếu bóng dáng mẹ đã thiệt thòi lớn rồi. Tôi đã cố gắng bù đắp cho chúng nhiều hơn nữa để chúng không phải thua thiệt bạn bè. Tuy nhiên, thiếu vắng bàn tay người mẹ chúng cũng buồn buồn”, anh Hồng nhớ lại.
Vì hoàn cảnh như vậy nên chưa bao giờ người đàn ông này nghĩ mình sẽ đi thêm bước nữa. Thương anh Hồng cảnh gà trống nuôi con, bạn bè đã giới thiệu cho một người phụ nữ tên Võ Thị Nghĩa, trú ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Phải thuyết phục mãi, anh Hồng mới có đủ dũng khí vào gặp mặt chị Nghĩa. Gặp chị, anh Hồng không nghĩ cô gái này sẽ đồng ý lấy mình làm chồng. Dù đã 33 tuổi nhưng ngoại hình của chị Nghĩa vẫn khá ưa nhìn, cộng thêm tính nết hiền lành và chịu khó nên cũng có nhiều “mối” để ý, chỉ là chị chưa ưng ai. Vậy mà, khi gặp anh Hồng, người phụ nữ này lại quyết định nên duyên mặc cho sự can ngăn của gia đình.
“Tôi chỉ nói chuyện với anh ấy khoảng 4 tiếng đồng hồ. Sau đó, 2 người lấy số điện thoại liên lạc. Gặp anh ấy lần đầu tiên tôi đã có cảm tình rồi. Qua thời gian nói chuyện điện thoại, tôi yêu anh ấy lúc nào không hay. Thương anh ấy tàn tật lại chịu cảnh gà trống nuôi con, tôi đã quyết định sẽ gắn kết cuộc đời mình với anh. May mắn 2 con anh cũng rất yêu quý tôi. Tôi biết, làm vợ anh sẽ vất vả. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu 2 người cùng cố gắng thì chuyện gì cũng có thể vượt qua”, chị Nghĩa nở nụ cười nói.
Do chị Nghĩa thương 2 con riêng của anh Hồng là Hoàng Công Thông (SN 1997), Hoàng Thị Trang (SN 1999) như con ruột, thay anh Hồng gánh vác trách nhiệm làm mẹ của 2 đứa trẻ nên Thông và Trang từ lâu cũng coi chị Nghĩa như mẹ đẻ của mình. Mọi khó khăn, chuyện khó nói đều tâm sự với chị Nghĩa. Chị đã cố gắng đi làm thuê, cuốc mướn để có thêm thu nhập nuôi 2 con ăn học. Dù khó khăn nhưng chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ 2 đứa con này ra đi. “Nhìn 2 đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, gầy xanh xao,…tôi nỡ lòng nào mà bỏ đi được. May mắn Thông và Trang cũng xem tôi như mẹ ruột của mình. Ngày chúng gọi tiếng mẹ, tôi hạnh phúc đến nhường nào”, chị Nghĩa rơm rớm nước mắt nói.
Bà Nguyễn Thị Lợi (69 tuổi), mẹ của chị Nghĩa kể: “Hồi Nghĩa quyết định lấy Hồng làm chồng rất nhiều người phản đối. Họ nói bao nhiêu người lành lặn không lấy, lại đi lấy người tật nguyền. Tuy nhiên, tôi tin vào quyết định của con gái. Trước khi về nhà chồng, tôi cũng dặn con đã quyết định lấy Hồng thì xác định cuộc sống sẽ vất vả. Con phải tôn trọng chồng, thương lấy 2 đứa con của nó. Mình cho đi tình yêu thương thì chúng sẽ tôn trọng mình. Đến bây giờ thấy con còn vất vả nhưng gia đình hạnh phúc thế là tôi vui rồi”.
Niềm hạnh phúc như được nhân lên khi chị Nghĩa lần lượt sinh được 2 đứa con là Hoàng Trung Trọng (SN 2008) và Hoàng Thị Thúy (SN 2011). Vợ chồng chị vừa mừng, vừa lo vì nuôi 4 đứa con không hề đơn giản. Tuy nhiên, 2 vợ chồng chị cùng an ủi nhau cố gắng vượt qua. 10 năm trôi qua nhưng chưa một lần vợ chồng anh Hồng to tiếng cãi vã. Mỗi lần có chuyện gì không vừa ý, vợ chồng anh đều thẳng thắn nói với nhau. Sức khỏe hiện tại của anh Hồng yếu đi nhiều. Anh mắc bệnh về phổi nên thường xuyên phải nhập viện để điều trị. Chị Nghĩa vừa lo cho các con, vừa chạy vào viện chăm chồng. “Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là 2 đứa con sinh ra đều lành lặn khỏe mạnh. Tôi lại có thêm 2 đứa con không phải mình sinh ra nữa. Thiên chức làm mẹ khiến cho tôi hạnh phúc lắm. Mong ước của tôi là được nhìn các con trưởng thành và sống hạnh phúc. Có vất vả mấy tôi cũng chịu đựng được”, chị Nghĩa nói lên ước nguyện của mình.
“Chúng tôi rất hạnh phúc khi có mẹ Nghĩa. Mẹ Nghĩa đã hy sinh nhiều vì anh em tôi. Mẹ không hề đối xử hay phân biệt con riêng - con chung. Đám cưới của anh trai tôi, một mình mẹ chạy vạy lo mọi thủ tục. Suốt đời này bố con tôi không bao giờ quên ơn mẹ”, Hoàng Thị Trang, con riêng của anh Hồng xúc động nói.
Cuộc sống phía trước dẫu còn gặp nhiều khó khăn nhưng chính nghị lực phi thường và tình yêu sẽ giúp vợ chồng anh Hồng vượt qua tất cả. Ông Phạm Trung Thông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cổ Đạm cho biết: “Hoàn cảnh gia đình của anh Hồng, chị Nghĩa cũng hết sức khó khăn nhưng họ rất chịu khó. Đây là trường hợp hiếm có, vợ chồng họ sống rất hạnh phúc. Hai đứa con riêng của anh Hồng cũng rất yêu thương chị Nghĩa. Nhìn ngoài vào, ai cũng nghĩ 2 đứa con riêng là con của chị Nghĩa. Tình yêu của họ dành cho nhau khiến nhiều người cảm phục”.